| Hotline: 0983.970.780

Trồng tỏi bền vững

Thứ Sáu 14/03/2014 , 10:57 (GMT+7)

Khi bà con áp dụng mô hình thì tùy theo chân ruộng, năng suất thu hoạch có thể đạt từ 14 - 15 tấn/ha nhưng tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu tư.

Đề tài “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa” của nhóm tác giả thuộc Chi cục BVTV tỉnh đã giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng tỏi cho hiệu quả kinh tế cao.

Đề tài trên do Sở NN-PTNT Khánh Hòa chủ trì; KS Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV làm chủ nhiệm, thực hiện từ giữa năm 2012, kết thúc vào 2014. Sau khi vụ ĐX 2012-2013 triển khai thành công mô hình trồng hơn 1,6 ha giống tỏi Lý Sơn tại thôn Ninh Yểng, xã Ninh Phước, TX Ninh Hòa cho năng suất 13 tấn tỏi tưới/ha, vụ ĐX 2013-2014 đề tài tiếp tục nhân rộng 3 mô hình, với diện tích 2.000 m2/mô hình tại các xã Ninh Phước, Ninh Vân (TX Ninh Hòa) và Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh).

KS Trịnh Thị Thùy Linh cho biết, cây tỏi được trồng ở Khánh Hòa cách đây hơn 10 năm tại các xã nêu trên. Ban đầu, một số ít nông dân ở Quảng Ngãi đem giống từ Lý Sơn đến trồng tại xã Ninh Phước.

Thời vụ trồng tỏi từ tháng 11 - 12 hằng năm, thu hoạch vào tháng 3 - 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình ở các tháng này dao động từ 24,4 - 25,6 độ C, thời gian chiếu sáng trong ngày vào tháng 1 - 3 theo quan sát trung bình khoảng 12 giờ rất thích hợp cho quá trình tạo củ tỏi.

Đến nay, diện tích trồng tỏi ở Khánh Hòa trên 100 ha với giống được sử dụng đại trà là giống tỏi Lý Sơn và nhiều khả năng diện tích trồng còn được mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên kỹ thuật trồng tỏi của nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Trồng mật độ dày, lượng giống sử dụng 1.000 kg/ha, hàng cách hàng 10 - 15 cm, cây cách cây 5 - 7 cm. Việc sử dụng lượng phân chuồng còn thấp, bón phân đạm, lân, kali chưa cân đối, bón nhiều đạm, lân và kali ở mức trung bình nên năng suất tỏi chưa cao.

“Khi áp dụng mô hình này chúng tôi không chỉ giúp bà con xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trong đó quản lý chặt chẽ từ các khâu mà còn hướng đến xây dựng thương hiệu củ tỏi của Khánh Hòa.

Kết quả cho thấy, khi bà con áp dụng mô hình thì tùy theo chân ruộng, năng suất thu hoạch có thể đạt từ 14 - 15 tấn/ha nhưng tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu tư. Vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn nhân rộng mô hình và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân các địa phương ven biển có điều kiện phù hợp”, bà Linh chia sẻ.

Thực tế, tại các ruộng trồng tỏi khi nông dân áp dụng mô hình cho thấy mật độ gieo thích hợp, liều lượng phân bón và đặc biệt là sử dụng thuốc BVTV an toàn, ruộng tỏi thử nghiệm đã giảm được tỷ lệ sâu bệnh, cho năng suất cao hơn những chân ruộng khác.

Để phòng trừ sâu bệnh hại tỏi cần phun thuốc định kỳ 2 - 4 ngày/lần. Do nông dân sử dụng BVTV không theo nguyên tắc "4 đúng" nên trong một thời gian dài đã gây hiện tượng sâu kháng thuốc, làm tăng chi phí SX. Nhờ áp dụng mô hình thì lượng thuốc BVTV giảm 30 - 40%.

Ông Lê Tân, thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước, một người tham gia áp dụng mô hình cho biết, gia đình ông có 1 ha đất trồng tỏi. Những năm trước chi phí đầu tư trồng 1 sào tỏi của gia đình ông mất khoảng 10 triệu đồng. Khi áp dụng mô hình này thì chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV giảm hẳn, chỉ còn 7 triệu đ/sào.

“Với 2.000 m2 khi tham gia mô hình tôi thu được 2,24 tấn tỏi tươi tăng 2 tạ so với ruộng tỏi không áp dụng mô hình, với giá hiện nay 20.000 đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí lãi trên 30 triệu đồng. Sắp tới gia đình sẽ nhân rộng mô hình này cho toàn bộ 1 ha để tiết kiệm chi phí ”, ông Tân chia sẻ.

Tương tự, tại ruộng mô hình ở các xã Ninh Vân, Vạn Hưng bà con cũng đang tiến hành thu hoạch tỏi. Nhờ chú trọng đầu tư thâm canh cho nên giảm được chi phí đầu tư, sâu bệnh, tỏi cho năng suất ổn định, giá bán cao hơn.

Ông Hồ Văn Quang, thôn Đông, xã Ninh Vân phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình thường chọn những tép tỏi ruột để trồng nên cây phát triển chậm, dễ nhiễm bệnh. Nhưng làm mô hình tôi lấy những tép tỏi mẩy bên ngoài củ đem trồng. Không ngờ cây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Lượng giống trồng chỉ còn 700 kg/ha giảm 300 kg/ha; phân thuốc giảm từ 20 - 30%.

Vụ này 1 sào tỏi mô hình cho năng suất hơn 1,3 tấn/ha. Không những thế thu hoạch củ còn to, đều hơn nên bán được giá từ 20.000 - 21.000 đ/kg, tăng từ 1.000 - 2.000 đ/kg so với ruộng không áp dụng mô hình”.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.