| Hotline: 0983.970.780

Trong việc chia tài sản cụ thể là đất đai cho các con, lục tuần là dịp hay

Thứ Tư 02/08/2017 , 06:50 (GMT+7)

Các con tôi định trung thu nầy chúng nó sẽ tổ chức lục tuần cho tôi. Tôi thấy cũng đến lúc phải chia chác đất đai ra cho các con, đâu vô đó kẻo tôi già, không biết ra sao.

Thưa chị,

Tôi là một phụ nữ lỡ chợ lỡ quê, nhờ các cháu học hành khá mà nhà có Internet để đọc báo mạng. Hồi trước một người hàng xóm của tôi làm việc ở xã nên tôi có Báo NNVN thường xuyên để đọc. Tôi thích sách báo từ nhỏ, bây giờ thì đọc báo trên máy tính. Tôi vẫn đọc chuyên mục của chị nên làm phiền chị đây.

Một bà góa nuôi con, ba đứa con thì biết bao trần ai chắc chị cũng biết. Hồi xưa tôi có dạy học, chồng tôi cũng là một thầy giáo thương binh. Anh ấy có mấy vết đạn trong người hồi đi lính nghĩa vụ bên Campuchia. Chưa lên sĩ quan thì anh xin giải ngũ về quê dạy học do mấy mảnh đạn ác nghiệt hành hạ quá. Lúc chồng mất, tôi mới 45 tuổi, đứa con gái út còn chưa lập gia đình. May là đứa con trai đầu lòng của tôi học giỏi, được cậu ruột nuôi ăn ở suốt thời gian đại học rồi xin việc cho nó trên tỉnh. Đứa con trai thứ hai đang sống với tôi đây. Con gái bây giờ cũng có hai con rồi, lấy chồng ở xã bên, cũng chật vật.

Năm nay tôi cũng sắp lục tuần, hai cháu nội ở tỉnh học giỏi, hai đứa cháu ở đây cũng không thua kém ai về sức học. Tôi không phải đi đồng áng gì, con trai với con dâu tôi gánh vác được. Để cho vui với có thu nhập cho mình, tôi có nghề làm bánh bỏ mối, tôi có những đại lý tận ngoài thị trấn đó chị. Nỗi niềm của tôi dồn hết cho chỗ con gái út, nó không sáng trí mà chồng nó lại hay ăn nhậu, nhà chồng lại quá bết, quá nghèo. Tôi bù chì cho nó hoài chị ơi.

Các con tôi định trung thu nầy chúng nó sẽ tổ chức lục tuần cho tôi. Tôi thấy cũng đến lúc phải chia chác đất đai ra cho các con, đâu vô đó kẻo tôi già, không biết ra sao. Anh bạn hàng xóm của tôi đây nói chủ yếu là con nông dân chớ đứa con ở tỉnh ổn quá rồi, chia làm chi. Anh trai với chị dâu tôi thì không đồng ý như vậy, nói con nào cũng con, ăn đồng chia đủ, cứ chia đi rồi nữa chúng nó sẽ cùng có bổn phận với tôi khi già cả, đau yếu.

Tôi thấy ai cũng có lý. Tôi nên tính sao đây chị? Thâm tâm tôi cũng muốn cho con trai đang ở với tôi là chính, phần nữa giúp con gái út bán ở đây để mua bên nhà nó cho tiện. Con trai cả trên kia thì chỉ cho gọi là quà thôi, được không? Chị khách quan, chị giúp tôi, nghen.

--------------------

Bạn thân mến!

Tôi mừng cho bạn, rất mừng vì lỡ chợ lỡ quê mà gia đình mình không lạc hậu, minh chứng là bạn biết vi tính, biết đọc báo trên Internet, nền tảng cầu tiến đó đã giúp con bạn có một người học hành thành công, có công ăn việc làm trên tỉnh. Và cảnh góa mà bạn đã chèo chống ba đứa con đến bến bờ, lại còn xoay xở để mình sống được bằng nghề thủ công nữa. Quá giỏi, bạn chắc là rất nền nã, vén khéo và tình cảm.

Trong ba đứa con, dĩ nhiên phải có một đứa èo ọt, qui luật đó bạn, không gia đình nào tròn vẹn cả, phải có khuyết để chia sẻ với nỗi bất hạnh mà người khác còn nặng nề, ghê gớm hơn mình. Bạn canh cánh về nó cũng phải và luôn muốn vực nó lên cho bằng các anh. Được không, rất khó, nếu bản thân người trong cuộc không cố gắng. Vả lại, nếu chồng nó là gã sâu rượu nữa thì hết đường giúp, chỉ có nghèo và nát, và sạt nghiệp, thế thôi.

Tôi nhớ má mình, sinh thời bà thương đứa con gái út nông dân, thương nhất trần đời. Đến nhà các con ở thành phố, bà hay xin đồ cho nó, có khi lại tự lấy bỏ vô túi xách để dành đem về cho nó và bầy con nó ở quê. Vậy đó, nói gì bà cũng vương vấn, có đi đâu rồi cũng về với ngôi nhà thiếu trước hụt sau của nó. Vậy mới là người mẹ, thương con không điều kiện, mẹ như nước nguồn chỗ trũng thì nước sẽ làm đầy.

Trong việc chia tài sản cụ thể là đất đai cho các con, lục tuần là dịp hay. Nhưng bạn cần cân nhắc thấu đáo, kẻo đưa ra rồi, thu hồi quyết định lại rất mất lòng, vì con trai thì vợ nó là dâu, con gái thì chồng nó là rể, người ngoài, chúng thường mừng khi được và cũng thường dằn dỗi khi không được. Suy nghĩ và tin ở quyết định của mình, rồi mới xin tư vấn ở bà con, hàng xóm, những người thấu đáo, uy tín.

Thông thường, đứa con ôm hương hỏa của bạn sẽ được phần nhiều, bởi vì nó sẽ ôm bàn thờ, mồ mả, cúng kiến hết cả một đời nó, rồi còn nối việc ấy ra cho con nó nữa. Con gái đã gả đi, trong nhờ đục chịu, nó phải giỏi giang hơn nữa, cố gắng hơn nữa. Dĩ nhiên trong việc chia này nó cũng phải có phần, vì vậy bạn nên chia một lần thôi, không nhỏ giọt. Đứa con trai trên tỉnh, nó may mắn nhờ có cậu ruột giúp và nuôi nấng ăn học, nó cũng phải có phần của nó, nói như cậu nó, nó cũng là con. Nếu vợ chồng nó biết nghĩ thì sẽ để dành cho mẹ, hoặc là cho lại em gái nó, đại khái thế.

Bạn nên để dành phần cho mình. Về già, đau yếu, mình có phần của mình để xoay. Nhất định như vậy, nhớ như vậy, bởi cho con thì “tiền của con là tiền của nó, tai vạ của nó mới là của mình”. Nghĩa là mình có để còn bọc lót cho con khi nó có sự cố, luôn luôn như vậy, nước mắt chảy xuôi nha bạn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm