| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc giảm mua, giá cá sấu rớt chưa từng thấy

Thứ Hai 25/07/2016 , 08:01 (GMT+7)

Nếu như bằng thời gian này năm ngoái, giá cá sấu thịt dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, thì hiện tại xuống mức thấp kỷ lục: 70.000 đồng/kg.

Giá rớt thê thảm

Đến xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, Đồng Nai) những ngày này, chúng tôi không còn thấy cảnh những chiếc xe tải chở cá sấu giống chạy ầm ầm đi vào những con hẻm nhỏ nữa, cũng bớt đi cảnh hàng chục người làm đang hì hục lọc, lựa thức ăn cho cá sấu non.

Hỏi ra mới hay, suốt thời gian vừa qua, giá cá sấu thịt liên tục giảm mạnh, khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên, trong khi thời gian tái đàn đang đến gần.

Tại vựa cá sấu Thủy Lợi (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), chị Thủy chủ trại cho biết: “Gần đây thương lái xuống thu mua đều báo giá 70.000 đồng/kg, thấp không tin nổi. Năm ngoái, giá cá sấu thịt lên tới gần 200.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng hết, giờ mất giá tới gần 2/3 rồi!”.

Theo chị Thủy, chưa có năm nào mà giá cá sấu thịt lại tụt thê thảm như vậy, thời điểm xuống tệ nhất cũng ở mức 130.000 đồng/kg. Vì thế, việc giá cá sấu rớt đáy liên tục những ngày qua khiến chị Thủy đứng ngồi không yên vì lượng cá sấu thịt chưa bán vẫn còn cả ngàn con, việc thua lỗ chắc chắn xảy ra nếu tình hình không được cải thiện.

Là một trong những trại cá sấu lớn ở Định Quán, trại cá sấu Hương Công (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) thời gian này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Hương chủ trại, giá cá sấu thịt xuống quá mạnh khiến người nuôi vô cùng lo lắng… Đáng lý ra thời điểm này, trại cá sấu của bà đã hết lứa cá lớn, chuẩn bị cho cá sấu con. Tuy nhiên, do giá bán quá thấp, lượng lớn cá sấu đến tuổi bán vẫn được giữ lại trong chuồng, ước tính lên tới cả ngàn con.

“Để lại càng lâu thì càng tốn tiền thức ăn, mà chúng cũng không lớn thêm được bao nhiêu. Tuy nhiên bán giá này thì cầm chắc lỗ nên tôi thà giảm bớt khẩu phần ăn của chúng để chờ cơ hội giá lên”, bà Hương nói.

Theo anh Đức, một thương lái chuyên thu mua cá sấu, thịt, da cá sấu được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc, còn trong nước khá hạn chế. Những ngày gần đây, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc giảm, các vựa thu mua cá sấu thịt bên đó bán ra chậm nên họ không nhận thêm hàng, thành thử giá cá sấu tại Việt Nam mới giảm sâu như vậy.

Nông dân giảm tái đàn

Vào khoảng tháng 7 dương lịch hàng năm là thời điểm người chăn nuôi cá sấu tái đàn để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường năm tới. Tuy nhiên, theo khảo sát, hầu hết người chăn nuôi đều tái đàn theo kiểu cầm chừng.

Trại cá sấu Hương Công đợt này chỉ nhập vào 1.000 con giống, thấp hơn so với năm ngoái tới 5 lần. Trại cá sấu Thủy Lợi cũng nhập gần 1.200 con, và chưa có ý định tăng thêm để chờ giá. Ngoài nguyên nhân giá cá sấu thịt giảm, thì nghịch lý là do giá cá sấu giống thời điểm này đang ở mức cao, lên tới 142.000 đồng/con khiến người nông dân không dám đẩy mạnh sản xuất.

Theo đó, để tìm thị trường an toàn, một số trang trại lớn trên địa bàn đang có định hướng xuất sang Thái Lan.

Theo anh Đức, những ngày gần đây, một số trại đã bắt đầu xuất lứa cá sấu đầu tiên sang Thái Lan để giảm bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, tốc độ tăng bình quân trại cá sấu mỗi năm đạt từ 20 - 50 trại, với số lượng trung bình mỗi trại từ 100 - 300 cá thể. Năm 2015 được coi là năm tăng mạnh nhất với hơn 132 trại. Thị trường tiêu thụ chính thịt cá sấu vẫn là ở Trung Quốc và trong nước.

Ông Nguyễn Văn Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Định Quán cho biết: “Năm 2016, tuy chúng tôi chưa có số liệu thống kê chi tiết, nhưng qua khảo sát ở 2 địa bàn chăn nuôi lớn là xã La Ngà và Phú Ngọc, thì hầu hết bà con đều tái đàn rất chậm, tỷ lệ tăng thêm thấp, lượng cá sấu thịt trữ lại còn nhiều. Nguyên nhân được xác định là do giá cá sấu thịt xuống mức thấp, nông dân nuôi cầm chừng chờ giá lên”.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm