| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc khuyến khích “hôn nhân hỗn hợp”

Thứ Hai 08/09/2014 , 09:25 (GMT+7)

Trong khi chính quyền địa phương tung ra những biện pháp khuyến khích những đám cưới “Hán hóa”, thì báo chí Trung Quốc bàn thảo các nỗ lực thúc đẩy “sự thống nhất về dân tộc” ở vùng Tân Cương.

Thưởng lớn

Hãng tin BBC dẫn nguồn trang China News Service cho hay, chính quyền hạt Qiemo, phía nam khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) đang đưa ra mức thưởng lớn, bao gồm 10.000 nhân dân tệ (1.627 USD) mỗi năm, kéo dài trong 5 năm và những ưu đãi phúc lợi khác cho các cặp đôi mới cưới với điều kiện trong hai vợ chồng, một là người Hán và một là người dân tộc thiểu số.

Theo tờ Guardian, hạt Qiemo đã thông báo tới người dân về chính sách “tặng quà cưới khủng” từ cuối tháng 8 vừa qua. Ngoài tiền thưởng, cặp đôi mới cưới còn được hỗ trợ, giảm giá nhà, y tế và khi có con đi học sẽ được giảm học phí, theo thông báo trên website của chính quyền hạt Qiemo.

Một tờ báo Mỹ thống kê rằng, cho đến nay đã có 57 cặp đôi được hưởng chính sách khuyến khích tại Qiemo, hạt có dân số 60.000 người.

Người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo chiếm đa số ở Tân Cương cho đến khi người Hán, chiếm đa số ở Trung Quốc, kéo đến. Khuyến khích hôn nhân khác chủng tộc được xem là một bước đi của chính quyền nhằm kiểm soát cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tân Cương, khu tự trị viễn tây của Trung Quốc, trong vài tháng gần đây đã chứng kiến cảnh bạo lực bùng phát mà theo chính quyền Trung Quốc là do các phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ phát động.

“Các nhóm dân tộc chỉ khác nhau ở ngôn ngữ và phong tục, nhưng chúng tôi có chung bầu trời xanh trên đầu, cùng đứng trên một vùng đất và có cùng tình yêu trong tim”, Yasen Nasi'er, phó bí thư của thị trấn Qiongkule nói với phóng viên khi công bố chính sách tặng quà cưới vào ngày 25/8, theo Guardian.

imge002124958986
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương chăm sóc con cái Ảnh: Getty Images AsiaPac

Tân Cương là tỉnh có diện tích lớn nhất Trung Quốc với nhiều phần là rừng núi và hoang mạc, tiếp giáp với biên giới 7 nước Trung và Nam Á, bao gồm Afghanistan và Ấn Độ. Duy Ngô Nhĩ, tộc người nói tiếng Turkic, có nguồn gốc đông nam châu Âu (Thổ Nhĩ Kỳ), hầu hết là theo Hồi giáo. Năm 1949, người Hán ở Tân Cương chỉ có 6%, nay người Hán chiếm gần một nửa dân số Tân Cương.

Yasen Nasi'er nói thêm: “Tôi tin rằng những cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa các nhóm dân tộc là cơ sở của văn hóa Trung Quốc”.

Trong khi hôn nhân giữa các dân tộc khá phổ biến ở Trung Quốc, hiếm khi có đám cưới mà cô dâu chú rể một là Duy Ngô Nhĩ, một là người Hán, cho thấy sự khác biệt lớn về nguồn gốc văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ. Sự phân biệt thể hiện rõ tại các thành phố của vùng Tân Cương: Người Hán thường không ghé vào cửa hiệu hay nhà hàng của người Duy Ngô Nhĩ.

Người Duy Ngô Nhĩ với dân số khoảng 8 triệu phàn nàn rằng tăng trưởng kinh tế hầu như chỉ đem lại lợi ích cho người Hán và rằng chính quyền địa phương ra những quy định hà khắc đối với tôn giáo và tự do văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm việc cấm mang mạng che mặt, cấm để râu…

Trong vài năm trở lại đây, tại Tân Cương đã nổ ra nhiều đợt bạo loạn với những cuộc tấn công đồn cảnh sát và văn phòng của chính quyền. Đáng ngại nhất là tình trạng gia tăng tấn công khủng bố ở một số khu đô thị chính. Tháng 5 vừa qua, một cuộc tấn công vào khu chợ đông đúc ở thủ phủ Urumqi đã giết chết 31 người, làm bị thương hàng chục người. Một tháng sau đó, gần 100 người bị giết, 215 người bị bắt sau một cuộc tấn công bằng dao qui mô lớn ở hạt Shache, tây nam Tân Cương. Đây là vụ đụng độ tồi tệ nhất trong vòng 5 năm qua ở khu tự trị Tân Cương.

Hoài nghi

Một số trang thông tin ở Trung Quốc đã viết bài ủng hộ chính sách khuyến khích hôn nhân ở Tân Cương và thậm chí còn đề xuất “mở rộng mô hình”.

imge00312495944
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở thành phố Aksu, Tân Cương. Ảnh: AP

Tuy vậy, tờ Hoàn Cầu thời báo đã nhận được những ý kiến tỏ ra hoài nghi về chương trình “tặng quà hôn nhân”. Một số người cho rằng chính quyền không nên can dự vào các vấn đề riêng tư của công dân.

Theo Hoàn Cầu thời báo, quan chức địa phương đã ngừng quảng cáo về chính sách kể trên trong lúc sự tò mò của truyền thông bắt đầu tăng lên.

“Mục đích của chính sách là tốt, nhưng cần phải thực thi một cách thận trọng. Chính sách ấy có thể phá hoại việc củng cố bản sắc dân tộc và tạo ra sức ép đối với những cặp vợ chồng khác dân tộc”, Li Xiaoxia, giáo sư của Học viện Khoa học Xã hội Tân Cương nói với BBC. Giáo sư Li còn cho rằng những cuộc hôn nhân “hỗn hợp” “rất hiếm ở Tân Cương và ít khả năng trở nên phổ biến”.

“Chính sách hôn nhân của hạt Qiemo phần nào phản ánh chính sách của chính phủ Trung Quốc đối với Tân Cương. Có vẻ chính quyền tin rằng khuyến khích vật chất hoặc giúp giải quyết các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội của Tân Cương, hoặc ít nhất cũng làm dịu đi tình hình”, Michael Clarke, chuyên gia về Tân Cương tại Đại học Tổng hợp Griffith (Australia) nhận định.

Theo Guardian, Trung Quốc cũng vừa bắt đầu thực hiện chính sách khuyến khích hôn nhân đa sắc tộc ở vùng Tây Tạng, theo tiết lộ từ một số bài báo trên truyền thông nhà nước Trung Quốc. Quan chức cao cấp nhất của khu tự trị Tây Tạng Chen Quanguo đã chụp ảnh với một nhóm các gia đình Hán - Tạng vào giữa tháng 6 vừa qua. Hôn nhân hỗn hợp tăng từ 700 cặp năm 2008 lên hơn 4.700 trong năm 2013, theo một báo cáo của chính quyền ở Tây Tạng.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.