| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc thành lập 'Siêu uỷ ban' chống tham nhũng

Thứ Ba 13/03/2018 , 11:05 (GMT+7)

Sau nhiều đồn đoán, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua việc thành lập Uỷ ban Giám sát quốc gia (NSC), được mô tả là nắm siêu quyền lực trong cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.

Tham nhũng vẫn là mối đe doạ

Trong thời gian vừa qua, báo chí quốc tế chỉ để ý sâu tới việc Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp, qua đó xoá bỏ quy định về nhiệm kỳ đối với các chức danh Chủ tịch, phó chủ tịch. Đây được đánh giá là bước đi giúp ông Tập Cận Bình có thể nắm quyền sau năm 2023.

Ông Tập Cận Bình đang lên đến đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc

Tuy nhiên, một nội dung khác không kém phần quan trọng chính là việc thành lập Uỷ ban Giám sát quốc gia (NSC), và điều khoản về cơ quan này cũng được bổ sung vào Hiến pháp. Trên thực tế, kế hoạch thành lập NSC đã được Trung Quốc công bố từ cuối tháng 10/2017, với mục tiêu tiếp quản hoạt động chống tham nhũng từ Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI), có sự hợp nhất các cơ quan chống tham nhũng.

Sau 5 năm tính từ năm 2013, chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động đã khiến một loạt quan chức cấp cao Trung Quốc “ngã ngựa”. Trong số này có thể kể tới những cái tên như cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, nguyên Phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương Từ Tài Hậu hay cựu Bộ trưởng Công An Chu Vĩnh Khang…Mặc dù vậy, tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017, ông Tập tuyên bố tham nhũng “vẫn là mối đe doạ” lớn nhất đối với đảng. “Chúng ta kiên quyết áp dụng thái độ không nhân nhượng với nạn tham nhũng, không nao núng trong hoạt động “đả hổ, diệt ruồi,săn cáo””-ông Tập Cận Bình cho biết. Ông Tập cũng nhấn mạnh, con đường phát triển của đảng (Cộng sản Trung Quốc) là duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao, gắn với đấu tranh chống tham nhũng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm qua đưa tin, quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua việc thành lập NSC, có vị thế gần bằng nội các, nhưng cao hơn cả Toà án tối cao và Văn phòng Công tố tối cao. Tân Hoa Xã dẫn lời Phó chủ nhiệm CCDI Tiêu Bồi cho biết, việc thành lập NSC nhằm tăng cường tính hợp pháp của chiến dịch chống tham nhũng.

“Việc thành lập NSC sẽ tạo cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn cho cuộc chiến chống tham nhũng. Nó đồng thời làm tăng niềm tin của nhân dân vào đảng, củng cố nền tảng quyền lực của đảng”-ông Tiêu cho biết. Nếu CCDI chỉ xử lý vi phạm của đảng viên thì NSC có thẩm quyền đối với tất cả các đơn vị cơ quan nhà nước.
 

Tranh cãi

Theo SCMP, quy định về quyền hạn của NSC đang gây tranh cãi với khả năng đơn vị này được tước quyền tiếp cận luật sư của nghi phạm. Việc lập ra NSC giúp Bắc Kinh xoá bỏ những tranh luận liên quan đến hệ thống “shuanggui” (song quy), vốn cho phép CCDI có quyền triệu tập, bắt giữ không cần cáo buộc đối với đảng viên bị nghi ngờ vi phạm điều lệ đảng. Hệ thống này cũng không cho phép nghi phạm tiếp xúc luật sư trong thời gian bị tạm giam. SCMP cho biết quy định này không căn cứ theo luật pháp của nhà nước pháp quyền, chỉ được nêu ra trong quy định của đảng.

Theo kế hoạch, quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua quyền hạn và cách thức hoạt động của NSC tại phiên họp thường niên ngày 20/3 tới.

Người đứng đầu CCDI sẽ được bổ nhiệm vào ngày 25/3. Tin cho biết vị trí này sẽ do Chủ nhiệm CCDI Triệu Lạc Tế, thân tín của của ông Tập Cận Bình, đảm nhiệm. Vị trí này có giới hạn 2 nhiệm kỳ 5 năm, ông Triệu đồng thời vẫn kiêm cả vị trí ở CCDI. Ngay sau khi các thành viên được phê duyệt, NSC sẽ chính thức đi vào hoạt động.

(Theo Reuters, SCMP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.