| Hotline: 0983.970.780

Người dân quê đang bận gì?

Trường ca kiện tụng

Thứ Năm 02/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Có nỗi đau nào hơn một người đang bằng xương bằng thịt sờ sờ ra đấy lại bị ghi vào sổ hộ khẩu là đã chết, người kê chết không ai khác chính là một trong những núm ruột bà mang nặng đẻ đau?/ Bận hội, bận hè

Đòi quyền được làm… người còn sống

Bà ngồi đó, lặng lẽ như một pho tượng cổ. Răng rụng, tóc bạc, mắt mờ, tai nặng, bà chẳng ngờ rằng có ngày một người lạ lại về cái làng Đa Đinh (An Bình, Nam Sách, Hải Dương) của mình để nghe kể về hành trình nhọc nhằn đòi quyền được làm… người còn sống.

16-04-34_dsc_9432
Bà Đụn còn sống sờ sờ mà bị khai thành đã chết

Vợ chồng bà chân chỉ hạt bột, vốn quen với hạt lúa củ khoai, với đồng sâu ruộng cạn. Họ sinh hạ được tới bảy người con, hai trai cùng năm gái.

Hạt lúa, củ khoai đầm đẫm mồ hôi tảo tần của hai vợ chồng lần lần nuôi bầy con ngày một khôn lớn, phương trưởng. Trông thấy thế, người làng ai cũng bảo phú quý đề huề, sau này về già tha hồ mà nhờ con cậy cháu. Nghe mà hởi lòng, hởi dạ.

Thủa ban đầu, họ ở trên mảnh đất tổ tiên. Do đất chật, người đông, năm 1972 ông bà được HTX cấp thêm một mảnh đất để làm nhà mang tên Trần Quang Thảng và Nguyễn Thị Đụn (tên bà).

Lại một phen chung lưng đấu cật thuận vợ, thuận chồng để dựng nên một liếp nhà tranh bốn gian trên mảnh đất mới có diện tích 1 sào 5 thước.

Một thời gian sau chẳng may ông khuất núi. Bà cắt miếng đất ra làm hai, phần cho anh trai cả có tên là Trần Quang Thẻ, phần cho mình (352m2). Từ đó mẹ con vẫn sinh sống và đóng thuế đất đai đều đặn.

Năm 2001, Nhà nước đo lại thổ cư trong làng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chẳng hiểu sao mảnh đất của bà lại được gộp vào mảnh đất của người con là Trần Quang Thẻ rồi được chia cho người cháu.

Chuyện kín không ai hay biết cho đến năm 2009 bà bị ốm nặng, phải nằm viện. Trên giường bệnh bà có nhắc con về chuyện đóng thuế đất nhưng ông Thẻ bảo không có đất sao phải đóng thuế mới chợt giật mình hỏi rõ nguồn cơn.

Nghĩ đến tình cảm mẹ con nhiều lần bà gặp riêng khuyên bảo đất của bà đến đâu hãy trả lại đến đấy nhưng người con vẫn khăng khăng rằng mẹ không có đất nên muốn ở đâu thì ở.

“Vô phúc đáo tụng đình”- đi kiện chẳng ai muốn. Cực chẳng đã bà mới phải làm đơn kiện chính đứa con ruột mình từng mang nặng đẻ đau, chăm bẵm bấy lâu nay.

Năm 2011, UBND huyện Nam Sách sau khi xác minh đã kết luận ở thời điểm năm 2001 xã An Bình xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Quang Thẻ và Trần Quang Thùy (con trai ông Thẻ) gồm cả phần diện tích đất của bà Đụn mà không thông báo cho bà là sai.

Một quyết định thu hồi và hủy bỏ chứng nhận quyền sử dụng đất của Trần Quang Thùy cũng được ban hành.

Chuyện tưởng chừng khép lại nhưng vợ chồng người con lại gửi đơn khiếu kiện mẹ khắp nơi. Mảnh đất xưa hiện vẫn chưa đòi lại được, bà Đụn không một chốn dung thân mà còn sắp phải ra tòa tranh luận đất đai đúng sai với người con.

Nỗi đau đâu chỉ dừng lại ở đó. Khi Nhà nước có chế độ trợ cấp hằng tháng cho người già, con gái bà là Trần Thị Lâm mới đem phô tô sổ hộ khẩu của mẹ ra xã làm thủ tục.

Tình cờ chồng chị xem giấy tập giấy liền bảo: “Ô mẹ mày ơi, sao người ta lại ghi là bà nhà mình đã chết năm 2008 thế này?”.

Giật thót người, chị Lâm xem lại quyển sổ hộ khẩu. Những con chữ như nhảy nhót trước mắt. Giấy vẫn trắng, mực vẫn đen, dấu vẫn đỏ lại còn có chữ ký của anh Phó công an xã ghi rành rành mẹ mình đã chết năm 2008.

Vội vàng chạy ra gặp cán bộ tư pháp xã để kiểm tra đúng là có công chứng giấy tờ ghi bà Nguyễn Thị Đụn đã chết thật.

Cứ như lời anh Trần Quang Trường - con trai thứ thì từ trước đến nay bà Đụn vẫn chung sổ hộ khẩu với gia đình anh. Một vài lần anh có cho cháu Trần Quang Văn - con ông Trần Quang Thẻ mượn sổ đỏ cùng sổ hộ khẩu để vay vốn gì đó.

Thời gian sau khi chị Lâm mang quyển sổ này đi làm thủ tục trợ cấp của người già mới phát hiện ai đó đã khai là mẹ mình đã chết như trên.

Một vài lần ra xã làm thủ tục, chữ chết trong cuốn sổ đã bị ghi lại thành chữ chuyển. Tuy nhiên bút tích chữa khá vụng nên trông rất lộ. Cuốn sổ gốc giờ đây anh Trường đã giao cho Trưởng công an xã An Bình giữ làm bằng chứng.

Quanh quẩn cả đời trong làng, trong xóm nghĩ chẳng phải đi đâu bao giờ nên bà Đụn cũng không làm chứng minh thư. Nay người con gái ở tận trong Nam mời vào chơi, bà trộm nghĩ tuổi già như chuối chín cây chẳng biết mẹ con có còn dịp gặp mặt nên mới quyết định đi chụp ảnh làm chứng minh thư để tiện cho việc tàu xe, ngủ nghỉ.

16-04-34_dsc_9484
Sổ hộ khẩu ghi bà Đụn đã chết

Án nhiều khiến tòa phải căng ra làm thêm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Hôm xử hai vụ, hôm xử ba vụ, có hôm lại xử bốn vụ. Hai hội trường của tòa cũng không đủ sức chứa nên nhiều lúc phải mượn cả địa điểm khác để xử lưu động.
Tòa Nam Sách có tám người trong đó có ba thẩm phán giờ thành thiếu trầm trọng, phải chờ Chủ tịch nước bổ sung thêm…

Lại một lần nữa chuyện chữ chết bị ghi đè thành chữ chuyển nó hành bà. Mỏi miệng phân bua mãi không ăn thua, phải vời cả ông Đỗ Thế Đức -Phó công an xã An Bình người ký xác nhận vào quyển sổ đến bà mới được cấp quyền công dân cho một người suýt…chết trên giấy tờ.

Sóng ngầm sau lũy tre làng

Lũy tre giờ đây nhiều làng đã không còn mà nếu có cũng tựa như mảnh vải rúm ró, rách rưới không đủ chở che cho những phận người, phận đời đằng sau nó.

Nông thôn không mấy nơi còn giữ được sự yên ả như xưa. Chị Hà Thị Liên, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Nam Sách, cho hay mấy năm gần đây số vụ án đang có chiều hướng tăng.

Năm 2012 có 236 vụ gồm 46 hình sự, 21 dân sự, 161 hôn nhân, 9 hành chính. Năm 2013 có 277 vụ gồm 53 hình sự, 22 dân sự, 195 hôn nhân, 3 hành chính, 4 kinh doanh thương mại. Năm 2014 có 272 vụ gồm 74 hình sự, 169 hôn nhân, 20 dân sự, 9 kinh doanh thương mại.

Về hình sự nổi lên các vụ trộm cắp theo băng nhóm, các ổ cờ bạc tụ tập vội vã bột phát trong các dịp đình đám hội hè hay hoạt động chuyên nghiệp với tầng tầng, lớp lớp cảnh giới.

Về án dân sự đến 80% là các vụ tranh chấp đất đai giữa con với cha, anh với em, hàng xóm với hàng xóm. Khi đất đai còn rẻ người ta sẵn sàng cắt cho nhau vài chục mét đất, nhường cho nhau cả cái hàng rào ô dô hay râm bụt.

Giờ đất lên ngôi, tình người bị vùi xuống cống rãnh. Tranh chấp dù chỉ một vài centimét đất là sẵn sàng cho nhau “ăn” đủ thứ không ăn được, là sẵn sàng bổ cuốc vào đầu nhau.

Án hôn nhân gia đình dạo này cũng tăng vọt bởi xã hội nông thôn đang trong cơn ngây ngấy rùng mình, biến đổi mạnh. Từng xét xử hàng trăm vụ ly dị, với sự nhạy cảm của người phụ nữ, chị Liên nhận định khoảng ½ lý do sâu xa là bởi chồng ở nhà làm ruộng còn vợ thì đi làm công nhân.

Đời sống công nhân toàn tăng ca, tăng kíp. Người phụ nữ tám chín giờ tối mới về, mệt mỏi, rã rời không thể đảm đang thêm việc nhà hay quán xuyến thêm việc con cái thế là mâu thuẫn, là lôi nhau ra tòa.

Không ít vụ ly hôn lại có lý do từ xuất khẩu lao động. Sau mấy năm ở trong những cao ốc xứ người trở về quê bỗng thấy vợ hay chồng thủa tấm mẳn của mình sao chân tay thô thế, sao người bẩn thế, sao ăn nói kém duyên thế.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất