| Hotline: 0983.970.780

Trường Sa giữa rừng Nà Hẩu

Thứ Hai 08/09/2014 , 08:42 (GMT+7)

Xã Nà Hẩu được hình thành sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, giống như một “ốc đảo” nằm lọt thỏm giữa một vùng rừng nguyên sinh ngút ngàn cây lá. 

Đây là xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Văn Yên vừa khánh thành cột cờ Trường Sa do Báo Yên Bái xây dựng.

13-39-43_9
Ông Nguyễn Minh Tuấn, TBT Báo Yên Bái (trái) trao lá cờ có chữ ký của bộ đội Trường Sa cho thầy giáo Lê Mã Lượng, Hiệu trưởng trường Nà Hẩu

“Ốc đảo” giữa rừng

Tháng 8/2005, lần đầu tiên tôi tới Nà Hẩu, thật không thể tin nổi, con đường lên Nà Hẩu dù đã được mở mang nâng cấp nhưng vào mùa mưa nó giống như lòng con suối cạn lổng khổng những đá chẳng khác 10 năm trước đây là mấy.

Ký ức về “ốc đảo” Nà Hẩu được Giàng Chẩn Phử, Chủ tịch xã Nà Hẩu kể lại rằng: Tháng 1/1979, khi đó tôi mới hơn mười tuổi theo cha mẹ từ Si Ma Cai chạy giặc Tàu về Văn Yên, chúng tôi dừng chân ở xã Mỏ Vàng chừng một năm sau thì gia đình tôi cùng với 8 hộ khác vượt đèo Ba Khuy vào Nà Hẩu định cư quanh thung lũng dài và hẹp chỉ toàn lau lách và cỏ dại.

Nghe nói trước đây thung lũng này cũng có người tới khai phá làm ruộng nương. Người ta kể lại rằng: Ngày ấy ruộng ở đây tốt lắm, chỉ cần làm một vụ có đủ lúa gạo ăn quanh năm. Nhưng không hiểu vì sao lại xuất hiện một căn bệnh lở loét khắp người, khiến các đốt chân đốt tay rụng dần, họ lấy mọi loại lá rừng về chữa nhưng cũng không khỏi, người lớn và trẻ em theo nhau chết dần chết mòn. Sợ hãi họ bồng bế nhau đi biệt tăm...

Từ đó Nà Hẩu giống như một “ốc đảo” hoang vắng bị vây bọc bởi điệp trùng núi cao và rừng rậm không dấu chân người. Phía Tây là dãy núi Sùng Đô cao hơn 1.700m. Phía Nam chắn bởi dãy núi Khe Vàng heo hút, còn phía Đông là dốc Ba Khuy cheo leo.

Mặc dù Nà Hẩu thuộc xã Mỏ Vàng nhưng chẳng ai quản lý, mãi tới tháng 11/1986 xã Nà Hẩu mới được thành lập. Khi đó xã chỉ có 63 hộ người Mông ở 3 thôn: Bản Tác, Khe Cạn, Làng Thượng, đến nay Nà Hẩu thêm 3 thôn nữa: Ba Khuy, Làng Bang Thượng và Khe Tác với hơn 2.000 nhân khẩu. Lúc mới thành lập cả xã chỉ có 49 ha ruộng nước, hộ nào đến trước thì làm được nhiều ruộng, hộ nào đến sau không có đất làm ruộng thì phá rừng làm nương rẫy.

13-39-43_1
Rừng Nà Hẩu

Do nằm giữa rừng nguyên sinh thú rừng nhiều vô kể nên nhà nào cũng có súng săn, khi kiểm lâm phát động phong trào giao nộp vũ khí tự tạo săn bắt thú rừng, chỉ sau vài ngày bà con đã tự nguyện giao nộp 214 khẩu súng kíp, 72 bẫy thú.

Đến nay Nà Hẩu không còn một khẩu súng săn, Bí thư Giàng A Châu chỉ cánh rừng phía sau nhà kể rằng: Cách nay mấy năm, buổi sáng hôm ấy tôi nghe tiếng chó sủa mới chạy ra xem, hoá ra lũ chó đang đuổi một con hươu đang bị sa lầy dưới ruộng. Tôi bế con hươu về nhà, thấy nó bị thương ở chân nên vội băng bó rồi nhốt vào trong chuồng lợn để chăm sóc. Vài ngày sau khi vết thương đã lành tôi mới thả nó về rừng...

Bây giờ Nà Hẩu không còn là “ốc đảo” giữa chốn xanh, nhưng Nà Hẩu vẫn là xã khó khăn nhất của huyện Văn Yên và tỉnh Yên Bái.

Thức với Trường Sa

Từ nhiều năm nay Báo Yên Bái được giao giúp đỡ xã Nà Hẩu phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, hằng năm ngoài việc vận động các DN và các nhà hảo tâm giúp đỡ người dân Nà Hẩu: Sách vở, bút mực, chăn áo ấm, khám và phát thuốc chữa bệnh cho bà con.., báo còn cử phóng viên cùng cán bộ khuyến nông và kiểm lâm tới từng thôn bản phổ biến kỹ thuật làm ruộng nước, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng...

13-39-43_2
Vẽ hình Tổ quốc dưới cột cờ Trường Sa ở Nà Hẩu

Năm 2014, Báo Yên Bái quyết định xây dựng cột cờ Trường Sa tại trường tiểu học và phổ thông cơ sở Nà Hẩu bằng số tiền đóng góp của tập thể phóng viên, biên tập viên và cán bộ trong cơ quan. Đây là cột cờ chủ quyền Trường Sa đầu tiên được xây dựng tại Yên Bái thể hiện tấm lòng của người dân Yên Bái luôn hướng về biển đảo và nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho mỗi học sinh.

Cột cờ Trường Sa được khánh thành trong ngày khai giảng năm học 2014-2015 vào sáng 4/9/2014. Đêm trước ngày khai giảng Nà Hẩu có một đêm không ngủ, đó là đêm giao lưu văn nghệ do các phóng viên, biên tập viên Báo Yên Bái cùng huyện đoàn Văn Yên và nhân dân xã Nà Hẩu tổ chức. Chưa tới 7 giờ tối đã có hàng trăm người dân vượt qua những con đường xuyên qua các tán rừng xanh đen lầy lội sau mấy ngày mưa tầm tã để tới đêm văn nghệ.

Sân trụ sở UBND xã Nà Hẩu trở nên chật chội, người ta phải leo lên hàng rào để nhìn cho rõ. Những bài hát về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa do các ca sĩ không chuyên là những phóng viên, biên tập viên Báo Yên Bái và cán bộ huyện Đoàn Văn Yên lần đầu tiên cất lên giữa chốn rừng hoang vu: Nơi anh đến là biển xa/ nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa/ kia Hoàng Sa/ ngàn bão tố phong ba...”.

13-39-43_3
Các em học sinh Nà Hẩu biểu diễn trong đêm giao lưu văn nghệ hướng về Trường Sa

Những cô bé miền rừng đã hoá thân thành các nàng tiên, những điệu múa khèn, múa sinh tiền truyền thống của dân tộc Mông cùng những bài hát ca ngợi quê hương đất nước bằng hai thứ tiếng được chính các diễn viên không chuyên của Nà Hẩu trình bày đã làm rung động trái tim hàng trăm người.

Ơi các chiến sĩ đang canh giữ đất trời nơi Trường Sa, Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba có biết rằng đêm nay giữa rừng xanh Nà Hẩu bao người đã thức và đang nhắc về các anh?

13-39-43_4
Người dân Nà Hẩu đắm mình trong những bài hát về biển đảo

Có một Trường Sa giữa rừng Nà Hẩu

Tôi hỏi hai học sinh của trường tiểu học và trung học cơ sở Nà Hẩu là Giàng Thị Dỏ lớp 4A và Sùng Thị Sông lớp 7A về quần đảo Trường Sa, cả hai em đều lắc đầu không biết.

13-39-43_5
Trường tiểu học và THCS Nà Hẩu trong lễ khai giảng năm học mới

Tôi mở máy tính chỉ cho các em quần đảo Trường Sa có cột cờ giống với cột cờ Trường Sa vừa xây dựng giữa sân trường Nà Hẩu. Các em đều vui sướng reo lên: Chúng cháu hiểu rồi, Trường Sa là của Việt Nam...

Tôi bảo các em: Rồi các cháu sẽ được các thầy cô giáo dạy cho về Biển Đông có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bây giờ cháu nào vẽ được bản đồ Việt Nam có hình ảnh Hoàng Sa và Trường Sa. Chần chừ một lát, Sùng Thị Sông nhìn vào tấm bản đồ trên máy tính của tôi rồi xung phong: Cháu vẽ được bác ạ...

13-39-43_6
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài dắt hai cháu học sinh mầm non dự lễ khai giảng

Quả thật, tôi không thể kìm nén được cảm xúc của mình trước các em học sinh người Mông, có lẽ các em chưa một lần bước ra khỏi “ốc đảo” Nà Hẩu nhưng ngồi dưới cột cờ Trường Sa thiêng liêng giữa bạt ngàn rừng xanh các em đã tự tay vẽ được dáng hình Tổ quốc Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên tờ giấy trắng của tình yêu và niềm tin về mảnh đất nơi biển đảo quê hương.

13-39-43_7
Cắt băng khánh thành cột cờ Trường Sa tại Nà Hẩu

Kể từ năm 1975 khi tôi mới ra trường lên núi dạy học, đúng 39 năm tôi mới lại được dự lễ khai giảng năm học mới tại một xã vùng cao. Cảm động đến trào nước mắt, khi nhận thấy hình ảnh của mình 39 năm về trước cũng giống như các thầy cô giáo Nà Hẩu hôm nay dắt tay từng đứa trẻ bước vào năm học mới, nhiều em còn khóc nhè khi lần đầu tiên đến lớp.

13-39-43_8
Lễ chào cờ trong ngày khai giảng dưới cột cờ Trường Sa

Nhưng lễ khai giảng hôm nay càng trở nên thiêng liêng sau lễ cắt băng khánh thành cột cờ Trường Sa là lễ chào cờ Tổ quốc. Nghẹn nào và xúc động, 614 học sinh của 29 lớp và 37 thầy cô giáo cùng toàn thể phụ huynh học sinh trong ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường” lặng phắc khi các em dâng những bông hoa rừng tươi thắm lên Bác và hứa sẽ thực hiện tốt 5 điều Bác dạy dưới lá cờ Tổ quốc đang bay phần phật giữa rừng xanh Nà Hẩu.

Từ hôm nay hai tiếng Trường Sa được nhắc tới nhiều hơn ở Nà Hẩu và tôi tin rằng trong tình cảm mỗi người dân đều có hình ảnh một Trường Sa thân yêu của mình.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất