| Hotline: 0983.970.780

TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Đãi ngộ tốt để khuyến nông cống hiến lâu dài

Thứ Hai 27/02/2012 , 10:46 (GMT+7)

TS Phan Huy Thông
Trao đổi về cuộc sống khó khăn, chế độ làm việc tồi tàn của hàng vạn KNVCS trong loạt bài "Cơ chế khuyến nông có chiêu hiền đãi sĩ?" của NNVN, TS Phan Huy Thông cho rằng phải có chính sách tốt để khuyến nông có cơ hội phấn đấu…

>> Cơ chế khuyến nông có “chiêu hiền đãi sĩ”?

Ông có thể nói một chút về "lịch sử" của lực lượng KNVCS?

Ngay từ khi thành lập ngành khuyến nông năm 1993, Nghị định 13 đã khẳng định rằng cần có KNVCS dù chưa rõ thực thuộc ai, chế độ cho họ thế nào. Thực tiễn ở các địa phương ngày càng khẳng định vai trò của đội ngũ này. Nghị định 56 năm 2005 quy định tiếp, ở xã có tổ, ban khuyến nông. Nghị định 02 năm 2010 quy định càng rõ hơn nữa, ở xã miền núi, vùng sâu, vùng xa có ít nhất 2 KNV, những xã còn lại có ít nhất là 1.

KNVCS là điểm cuối của hệ thống khuyến nông và là điểm đầu tiếp xúc với nông dân, đại diện cho tiếng nói của nông dân. Nếu khuyến nông huyện chỉ gắn với dân ở một số thời gian nhất định thì người gắn hàng ngày, hàng giờ với dân vẫn là KNVCS.

Ở các nước trong khu vực dù có hình thức nào cũng có cán bộ nông nghiệp gắn với cơ sở thôn xã, gắn với gia trại, trang trại, nông hộ của dân. Hiện cả nước ta có 11.230 KNVCS và 17.600 cộng tác viên khuyến nông thôn bản (lực lượng này chiếm ½ tổng cán bộ khuyến nông toàn quốc). Trình độ KNVCS cỡ 60% từ trung cấp trở lên, số chưa qua đào tạo chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa.

Được ví là cánh tay nối dài của hệ thống khuyến nông nhưng cuộc sống của KNVCS vẫn hết sức khó khăn bởi đãi ngộ thấp...

Hiện chế độ cho KNVCS thấp và chưa thống nhất, mỗi tỉnh làm một kiểu, không có một mức khung, sàn chung. Có tỉnh quy định khuyến nông cơ sở là công chức xã, trả theo ngạch bậc đào tạo, còn phần đa vẫn trả theo quy định riêng, có nơi không quá 500.000 đ/tháng. KNVCS đang có nhiều khao khát để được gắn bó, cống hiến lâu dài như được đóng bảo hiểm (phần lớn không được đóng), có điều kiện được đào tạo, có cơ hội được tăng lương theo quy định, có cơ hội phấn đấu thành công chức xã, huyện…

Giờ nhiều nơi vẫn đãi ngộ thấp nên động lực để làm việc của các KNVCS không mạnh. Thêm vào đó họ rất cần những điều kiện hoạt động như chỗ hội họp, được vay vốn mua phương tiện đi lại (nhất là miền núi), được cung cấp tài liệu, báo chí, loa đài, máy tính…Khuyến nông nếu không có mô hình để hướng dẫn, để dân nhìn vào mà học theo thì cũng chỉ là một anh kỹ thuật “chay”, do đó nên gắn đội ngũ này với những mô hình cụ thể.

Ở nông thôn, KNVCS làm "tạp pí lù", tham gia đủ thứ mà không được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù. Ví dụ độc hại như phòng chống dịch bệnh, cũng bắt lợn, bắt gà tiêm chọc nhưng thú y được hưởng còn khuyến nông thì không, cũng hướng dẫn phun phòng thuốc BVTV nhưng cán bộ BVTV được hưởng, khuyến nông thì không.

Theo ông, lối thoát nào cho tình trạng này?

Theo tôi giữa Bộ NN- PTNT và Bộ Nội vụ cần có thông tư liên tịch trong đó làm rõ KNVCS do cấp nào tuyển dụng, thi hay xét tuyển, nguồn chi trả ở đâu? Không thể nơi nào bố trí được ngân sách thì cho, không thì thôi. Hiện có 11 tỉnh chưa có mạng lưới KNVCS viện cớ ngân sách còn khó khăn, trong đó có tỉnh "mạnh tiền" như Hải Phòng, Bình Dương. Nhiều nơi tuy có đội ngũ này nhưng chưa đủ lượng người như quy định.

Chúng ta nên sớm chuẩn hóa đội ngũ KNVCS cả về chuyên môn lẫn đãi ngộ. Chuẩn hóa này phải theo đặc thù từng vùng, ví dụ như ở đồng bằng cần chuẩn hóa lên trình độ đại học, ở trung du chuẩn hóa lên cao đẳng, ở miền núi chuẩn hóa lên trung cấp. Tất nhiên chuẩn hóa cần song hành với chế độ đãi ngộ mới mong giữ được chân họ, khuyến khích họ làm việc và cống hiến.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.