| Hotline: 0983.970.780

Từ cây cau, lá trầu đến những độc chiêu công nghệ

Thứ Tư 20/06/2012 , 10:50 (GMT+7)

Người Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng có nền kỹ nghệ vào bậc nhất khu vực, thậm chí một số ngành thuộc vào top toàn cầu...

Người Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng có nền kỹ nghệ vào bậc nhất khu vực, thậm chí một số ngành thuộc vào top toàn cầu... Phóng viên NNVN tận mục sở thị và ghi lại một số kỹ nghệ đó.

Từ cây cau, lá trầu đến những độc chiêu công nghệ

Đón chúng tôi ở sân bay Đài Bắc là Ngô Hán Thanh - Chủ nhiệm Hiệp hội các công việc ngoài Đài Loan. Ông bỏm bẻm nhai trầu liên tục. Phần đa đàn ông xứ Đài, bất kể tuổi tác đều nghiện nặng trầu.

Hỏi nguồn gốc của thói quen này, Ngô chủ nhiệm cười: “Lúc đầu đàn ông nhai trầu vì muốn gửi một thông điệp rằng không chỉ con gái mới có độc quyền môi đỏ. Sau này nghiện rồi, phong trào ăn trầu cứ thế mà lan dần khắp đảo”. Vì hầu như chỉ có đàn ông ăn trầu nên ở Đài có những phố chuyên có các người đẹp trong trang phục áo tắm hay quần sóc ngắn đứng vẫy mời khách ăn trầu. Giá rất đắt! Cửa hàng đông khách hay thưa không phụ thuộc vào độ ngon của quả cau, lá trầu mà là độ “hot” của những chân dài đứng bán. Dọc dài vài trăm km đường cao tốc chạy chằng chịt khắp Đài Loan bạt ngàn cau. Cau tăm tắp trong những khu vườn. Cau miên man những đỉnh đồi, thung lũng. Cau thành bờ rào, bờ dậu.

Dưới mỗi cây cau to, đã cỗi là một cây cau nhỏ đang nhu nhú những chiếc lá non tơ đảm bảo cho vòng quay của giới nghiện trầu không một phút giây gián đoạn. Trồng nhiều cau thế nhưng hàng năm Đài Loan vẫn phải nhập khẩu thứ thuốc đỏ môi, cay lưỡi, say lịm người này. Tôi đồ rằng, ngoài chuyện ăn trầu, cau còn phục vụ cho nhu cầu cúng lễ rất lớn trên đảo.

Màn hình ô tô của Ngô tiên sinh hiển thị tấm bản đồ chằng chịt các thông số như trên máy bay, trên đó có tốc độ, khoảng cách, trạm thu phí sắp đến và mũi tên dịch chuyển chỉ hướng đi liên tục nhấp nháy. Cứ dăm ba phút một tiếng nói vô cùng ngọt ngào đã được lập trình sẵn lại nhắc bác tài phía trước là phố nào, có chuyện gì xảy ra. Đài Loan có cả triệu doanh nghiệp, sản xuất toàn những thứ công nghệ cao. Nếu như Việt Nam dân tình giữa mùa hè phát điên lên vì mất điện như cơm bữa, ở Đài điện đóm hầu như hàng năm không mất quá…một vài phút. Mất điện đồng nghĩa với ngưng trệ cả một guồng quay sản xuất, thói quen sinh hoạt, đồng nghĩa với chính phủ dễ bị người dân kiện, biểu tình đến lung lay.

Lúc trước trên máy bay tôi làm quen với một người phụ nữ Việt gốc Thủy Nguyên, Hải Phòng lấy chồng xứ Đài là ông chủ vựa đồng nát. Nghề đồng nát ở Đài Loan không có những “chân rết” là cánh thu gom đi xe đạp rao “sắt vụn ơ” như ở ta mà chỉ có chủ vựa. Dù công nghệ, tính cách có ảnh hưởng đậm chất Mỹ nhưng người Đài chưa thực sự “thoát thai” khỏi cảnh chiêu đãi khách rườm rà, vô cùng thừa mứa đến tú hụ thức ăn của người Hoa đại lục. Và tính cách Mỹ là đây, khi có bất kỳ chai lọ dầu ăn đã dùng hết hay lon nước ngọt đã uống xong cùng hổ lốn những thứ tưởng bỏ đi khác họ không tiện tay quẳng chúng vào thùng rác. Người Đài sẽ tự mình đi bộ hoặc đánh xe ô tô đến các vựa đồng nát trong vùng để bán vài cái chai lọ dù chỉ đáng giá vài Đài tệ, tương đương vài ngàn đồng trong khi thu nhập bình quân của họ gấp hơn 30 lần Việt Nam (năm 2008 là 33.000 USD).

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là hệ thống trại hoa lan của Hứa Chí Hiền, huyện Bình Đông với bảy khu sản xuất trong nhà kính, mỗi khu rộng tới 1 ha, một diện tích đáng mơ ước. Hòn đảo xinh đẹp mang tên Đài Loan có dân số hơn 23 triệu nhưng diện tích chỉ 35.801 km² tức gần 1/10 Việt Nam, trong đó 2/3 là đồi núi nên quỹ đất lại càng eo hẹp. Để tiết kiệm quỹ đất chính phủ Đài Loan khuyến khích hỏa táng bằng cách đánh thẳng vào ví tiền của người dân.


Ông chủ Hứa Chí Hiền (Người thứ hai từ trái sang)

Cũng như người Trung Quốc đại lục hay phần đa các nước Châu Á khác đều muốn chết trong hình thức được chôn, xứ Đài trước đây cũng rất khốn khổ vì tình trạng quỹ đất nhỏ bé của mình bị đe dọa nghiêm trọng bởi những nghĩa trang mộ táng cứ ngày một phình to, bao chiếm. Nay, người chết muốn trở về với đất, vẫn vô tư nếu thân nhân họ chấp nhận bỏ ra một số tiền khổng lồ tương đương cỡ 700 triệu - 1 tỉ đồng tiền Việt để mua chỗ. Bởi giá cả trên trời đó cho nên đại bộ phận người Đài Loan đã chuyển từ thói quen địa táng sang hỏa táng cho người thân.

Phải là rất giàu ông chủ Hứa mới có được gia sản ngần ấy đất đai. Bước qua ba lớp cửa kính, chúng tôi tới từng khu sản xuất, qua mỗi khu lại có những cửa kính riêng. Để tuyệt đối chống côn trùng thâm nhập, thậm chí cả giếng trời lấy nắng, gió cũng được che kín bằng một màng lưới mỏng. Chiếc đèn trên tủ điều khiển trung tâm của toàn bộ khu hiển thị một màu xanh báo ngưỡng an toàn. Bên trong chiếc tủ này là hàng loạt những công tắc, đèn báo, bảng mạch, chỉ huy tất cả các thông số hoàn toàn tự động từ độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ đến cả mạng lưới ống nước chằng chịt chạy ngầm khắp khu sản xuất.

Ở đây cũng có hẳn khu nhà xử lý lạnh kích thích ra mầm hoa, không phải như ở ta mỗi lần muốn điều khiển hoa lan nở phải đánh ô tô chở cây lên Sa Pa, Tam Đảo (Việt Nam) di trú một thời gian. Lan được trồng trong lớp giá thể là tảo biển Chi Lê, một đời hoa đổi ba lần đời tảo. Giá thành việc xây dựng một khu trồng lan khép kín kiểu công nghệ cao này tính ra cỡ trên 3 triệu đồng/1m2. Ở đây chuyên làm lan hồ điệp với đủ những màu sắc quen và lạ, kích cỡ từ to đến mi ni cả cây có thể cầm gọn trong lòng bàn tay. Đám nhân công người cắt tỉa hoa, người thoăn thoắt lau từng cái lá bằng giấy ướt chuẩn bị cho chuyến hàng xuất khẩu sang Châu Âu. Ông chủ Hứa đứng thứ nhất Đài Loan về hoa lan, đứng thứ 4 châu Âu về sản lượng xuất vào thị trường này.

Rời khu sản xuất, xe chạy tiếp vào một dinh thự khá cũ kỹ. Vừa thò chân xuống cửa xe tôi đã vội rụt cẳng lại bởi đàn chó hung dữ đang nhe răng trắng ởn chực xáp tới khiến người chủ phải lấy hết sức bình sinh mà che chắn và luôn miệng nhắc: “man man tẩu” (đi từ từ). Phải có quan hệ thân thiết lắm mới Ngô chủ nhiệm, chúng tôi mới được tiếp cận khu đặc biệt này bởi đằng sau lớp cánh cửa nặng nề của phòng nuôi cấy mô là cả một bí mật công nghệ, người ngoài không bao giờ được bén mảng. Những nhân viên kỹ thuật miệt mài bên ống kính hiển vi điện tử bên cơ man những chai lọ có nắp màu sắc, kích cỡ khác nhau đánh dấu mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây. “Điều đặc biệt ẩn dưới các đáy chai”.


Thay vì nuôi bằng chất hóa học, hoa lan nuôi cấy mô bằng dịch hoa quả

Ông chủ Hứa vừa nói vừa cầm một chiếc lọ hướng ra phía ánh sáng. Một lớp dung dịch trong nhờ nhờ như thạch rau câu mà trên đó những lá mầm bé xíu đang vươn lên. Khác với mọi nơi trên thế giới dùng chất hóa học làm dịch nuôi dưỡng cây cấy mô, ở đây dùng chuối, dừa và đủ thứ hoa quả khác xay nhỏ, lọc tạo môi trường cung cấp protein, vitamin dưỡng chất. Đó là công nghệ vô cùng độc đáo của chính Hứa Chí Hiền nghiên cứu, giờ đã phổ biến ở Đài Loan.

“Tuy nhiên dùng loại hoa quả gì, chất lượng thế nào, tỷ lệ phối trộn ra sao mỗi ông chủ có một bí quyết. Chất lượng hoa quả là điều quan trọng. Không thể sử dụng quả đã hỏng, gọt đi tận dụng mà phải là loại hảo hạng. Hoa muốn đẹp phải đẹp từ lúc còn là một cái mầm. Dùng hóa chất để nuôi cấy mô sẽ kém hơn dùng chất hữu cơ tự nhiên bởi chúng độc và không thân thiện với môi trường”. Có được những độc chiêu này, ông chủ Hứa thu về 2,6 tỉ Đài tệ (tương đương hàng ngàn tỉ đồng) xuất khẩu hoa mỗi năm, từng đạt giải nhất thế giới trong cuộc thi hoa lan ở Anh, là bậc thầy chuyển giao công nghệ trồng hoa cho người Nhật, người Châu Âu. 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất