| Hotline: 0983.970.780

Tự chế máy phát điện mini

Thứ Sáu 09/01/2015 , 08:12 (GMT+7)

Anh Vương Ngọc Bửu Sơn (41 tuổi), ngụ ấp Tà Cố, xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) lợi dụng sức nước từ những con suối để tạo ra nguồn điện.

Trong gia đình anh, mỗi cầu dao ứng với một loại điện năng khác nhau như: Điện lưới quốc gia, điện tự làm từ sức nước và điện năng lượng mặt trời. Ba loại điện năng này thay thế nhau hoạt động để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, SX của gia đình.

Anh Sơn cho biết, năm 1994 anh cùng gia đình từ Gò Công, Tiền Giang lên xã Long Tân, huyện Phước Long (nay là huyện Bù Gia Mập) lập nghiệp, là vùng xâu vùng xa, thiếu thốn trăm bề, không có điện thắp sáng.

Qua tìm hiểu thực tế tại khu vườn nhà, anh nhận thấy địa hình nơi đây thuận lợi để làm điện từ sức nước. Đặc biệt là vào mùa mưa, mực nước ở các con sông, suối dâng cao, dòng chảy mạnh, làm thủy điện sẽ rất hiệu quả.

Năm 1998, anh Sơn có chuyến đi về tỉnh Khánh Hòa học hỏi mô hình tự làm thủy điện mini của những người quen. Sau một thời gian tìm tòi học hỏi kinh nghiệm anh trở về nhà bắt đầu xây dựng mô hình.

Tuy nhiên trong quá trình “đi tìm ánh sáng” để phục vụ cuộc sống sinh hoạt gia đình đã không ít lần anh thất bại. Nhưng anh Sơn vẫn không nản lòng mà tiếp tục nghiên cứu mày mò từng chi tiết.

Sau gần 2 năm tìm tòi học hỏi khổ cực nhiều khi thất bại, đến năm 2000 công sức của anh đã được đền đáp bằng việc đưa mô hình máy phát điện mini đi vào hoạt động. Kinh phí cho mỗi tua-bin phát điện hoàn chỉnh chỉ trên 1 triệu đồng, dễ làm mà hiệu quả, đủ cung cấp điện sinh hoạt trong gia đình và một số hộ xung quanh.

Sự thành công mô hình máy phát điện mini thủ công của anh Sơn không chỉ được áp dụng trong gia đình. Anh Sơn còn nhiệt tình hướng dẫn những hộ dân sống gần khu vực suối làm theo cách của mình. Đến nay, trong thôn đã có 8 hộ gia đình sử dụng năng lượng điện từ cách làm này.

Ông Điểu Ngôn ở cùng thôn cho biết: “Nhờ học cách làm thủy điện của anh Sơn mà cuộc sống gia đình tôi có nhiều thay đổi, mọi tiện nghi đều xài bằng điện tự SX ra nên rất thuận tiện”.

Máy điện mini chạy bằng sức nước, chỉ sử dụng được vào mùa mưa có nước lớn. Do đó, mùa khô lại là thời gian người dân phải sống trong cảnh không điện thắp sáng. Vì thế, anh Sơn tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu cách khắc phục bằng cách sử dụng điện năng lượng mặt trời.

Với mô hình này, tuy đầu tư ban đầu tốn kém nhiều so với máy phát điện mini chạy bằng nước, nhưng lại tận dụng được triệt để ánh nắng mặt trời vào mùa khô để phục vụ đời sống hàng ngày. Cả hai mô hình đủ năng lượng điện để phục vụ đời sống của người dân nơi đây quanh năm suốt tháng.

Năm 2009, điện lưới quốc gia vào đến sóc Tà Cố, nhưng người dân vẫn có thói quen sử dụng điện mặt trời và điện chạy bằng sức nước.

Chia sẻ điều này anh Sơn cho biết: “Mặc dù hiện nay đã có điện lưới quốc gia nhưng để tiết kiệm điện và chi phí sinh hoạt nên gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây vẫn sử dụng loại điện mà mình sáng chế. Nhưng đến khi bí thì mới chuyển cầu dao sử dụng điện lưới".

Từ những sáng kiến hữu ích mang lại cho bà con nơi đây nên anh được gọi với cái tên trìu mến là “Sơn ánh sáng”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất