| Hotline: 0983.970.780

Từ hai phía cánh rừng: Phố trong rừng

Thứ Ba 12/08/2014 , 09:34 (GMT+7)

Hai người đàn ông ấy cùng đi ra từ hai phía của cánh rừng, người lấy của rừng thì bị rừng trừng phạt, còn người vun đắp cho rừng thì được rừng trả ơn…/ Cất súng săn trên gác bếp

Người đàn ông thứ hai bước ra từ cánh rừng, đó là ông Hoàng Văn An. Ông An và ông Tư Gấu (xem NNVN số 159) chưa một lần gặp nhau, mặc dù họ đều là những người nổi tiếng của đất Văn Yên (Yên Bái).

Hai người đàn ông ấy cùng đi ra từ hai phía của cánh rừng, người lấy của rừng thì bị rừng trừng phạt, còn người vun đắp cho rừng thì được rừng trả ơn…

Còn nhớ tháng 10/1999, tôi theo đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vào thăm gia đình ông Hoàng Văn An, người dân tộc Tày ở thôn I, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên. Từ lâu ông là người nổi tiếng trồng quế, ngày ấy cả thôn I chỉ một mình gia đình ông xây được ngôi nhà mái bằng.

Sau 15 năm trở lại, thật không ngờ nơi đây xuất hiện cả một dãy phố. Những ngôi nhà hai tầng xây dựng theo kiểu biệt thự, mỗi ngôi nhà trị giá gần chục tỷ đồng nổi lên giữa rừng quế xanh bạt ngàn. Người dân gọi đó là "phố" của gia đình ông Hoàng Văn An.

Ông An kể rằng: Tôi quê ở Tiền Hải, Thái Bình, năm tôi 10 tuổi, ngày ấy đói quá cha mẹ cho tôi làm con nuôi một gia đình người Tày trên này. Trước đây, vùng này toàn là rừng rậm, thú rừng nhiều vô kể, đồn bốt giặc đóng khắp nơi, việc đi lại vô cùng khó khăn. Bởi thế dẫu có muốn về quê tìm lại gốc tích của mình cũng không thể làm được…

Năm 15 tuổi, cậu thiếu niên Hoàng Văn An được giao nhiệm vụ làm giao liên đưa thư cho các đơn vị bộ đội ngược sông Thao đánh đồn Đại Bục, Đại Phác… Năm 1958, ông là một trong những thanh niên tiêu biểu được mời đi dự mít tinh đón Bác Hồ tại sân vận động thị xã Yên Bái.

14-46-31_1
Ông An nói chuyện với tác giả về cuộc đời ông gắn bó với cây quế

Lần đó ông chỉ nhìn thấy Bác từ xa, năm 1962, ông trong đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái về Thủ đô gặp Bác.

Ông nhớ mãi lời dạy của Bác: Ngày xưa, đất nước dưới ách nô lệ của thực dân phong kiến, đồng bào dân tộc thiểu số phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu ăn, mù chữ… Bây giờ đất nước được độc lập, bà con phải sống định canh định cư và bảo vệ rừng thì mới hết đói nghèo…

Khi trở về Đại Sơn, ông vận động bà con sống định canh định cư, làm ruộng bậc thang và bảo vệ rừng… Ngày ấy, rừng ở đây bị phá để làm nương rẫy, sau vài năm rừng biến thành đồi núi trọc, ông nghĩ phải trồng cây gì để có thu nhập, chứ cứ phá rừng làm nương chỉ vài năm nữa rừng cũng sẽ hết biết lấy gì mà sống?

Nếu trồng rừng thì trồng cây gì? Đó là câu hỏi khiến ông nhiều đêm không ngủ.

Tới thăm các gia đình người Dao, thấy nhà nào cũng trồng quế làm thuốc, một ý nghĩ táo bạo xuất hiện trong đầu ông: Vậy sao ta không trồng quế vừa có thu nhập, lại bảo vệ được rừng?

Từ ý nghĩ đó, ông An quyết định tìm hiểu về cây quế và trồng quế. Nghe ở đâu có giống quế tốt là ông tìm đến, năm 1965 ông về tận Thanh Y của tỉnh Quảng Ninh tìm mua những giống quế về trồng.

Ông trồng quế trên các đám nương cũ của gia đình. Đồi quế của gia đình ông ngày một lan rộng, thấy chỗ nào đất trống đồi núi trọc là ông cắm quế vào. Điều không ai ngờ tới, cây quế không chỉ mang lại màu xanh cho đất mà nó còn mang lại cho gia đình ông một nguồn thu lớn. Đó là khi những thương lái khắp nơi lặn lội vào tận gia đình ông mua quế.

Từ rừng quế của gia đình ông, cây quế lan ra khắp vùng. Tới xã Đại Sơn bây giờ người ta không tìm thấy một mảnh đất trống. Tất cả đều phủ màu xanh cây quế, một vùng quế bạt ngàn tít tắp.

14-46-31_2
Anh Hoàng Văn Hoan cân quế cho thương lái

Theo ông Lý Văn Minh, Chủ tịch xã Đại Sơn: Toàn xã hiện có hơn 2.500 ha quế, mỗi năm khai thác khoảng 100 ha, thu về 700-1.000 tấn quế vỏ tươi. Với giá quế vỏ tươi hiện đang là 12.000đ/kg thì mỗi năm người dân Đại Sơn thu về khoảng 12 tỷ đồng.

Đấy là chưa tính bán lá và cành quế cho những lò chưng cất tinh dầu và thân cây quế cho các xưởng làm ván bóc. Giá lá quế 1.800đ/kg, còn cây quế đã bóc vỏ có giá từ 1,1 đến 1,8 triệu/m3 tuỳ theo đường kính to nhỏ của mỗi loại.

Ông Minh cho hay: Cách đây 10 năm cây quế chỉ thu vỏ, cây và cành lá bỏ khắp rừng. Nay cây quế không bỏ một thứ gì. Tất cả đều bán được tiền. Người dân Đại Sơn ước ao có đất để trồng quế. Cây quế chính là cây vàng đối với họ.

Sau mấy chục năm trồng quế, gia đình ông có ngót 100 ha quế, ông chia cho mỗi người con chục ha. Ông dặn chúng: Bố đi khắp nơi mới mang được cây quế về đây, các con phải giữ lấy rừng quế mà sống. Rừng không phụ công người, chỉ có người phụ rừng thôi…

Nhờ cây quế mà đất Đại Sơn có khá nhiều tỷ phú, ngoài 5 đứa con trai của ông Hoàng Văn An người ta phải kể tới gia đình các ông Bàn Tiến Hiến, Đặng Nguyên Tài… đều là những tỷ phú quế.

Ông An dẫn tôi lên thăm đồi quế sau nhà, rừng quế nhà ông trồng đã hơn chục năm, đường kính gốc đều từ 20- 25cm. Vỗ vào thân một cây quế ông bảo tôi: Mỗi cây quế như thế này có giá từ hai triệu đồng trở lên. Chẳng phải mang ra chợ, cứ bóc ra, phơi khô rồi có người vào tận đây mua…

Ông An có 5 người con trai, nhờ cây quế mà cả 5 người con của ông đều xây nhà tầng tạo thành một dãy phố trong rừng.

Khi tôi tới, người con trai thứ tư của ông An là Hoàng Văn Hoan đang cân quế vỏ khô cho thương lái. Anh cho biết: Giá quế khô hiện nay là 28.000đ/kg, cả xe quế này chừng vài tấn thôi anh ạ… Ông An nheo nheo đôi mắt cười: Xe quế này chừng hơn trăm triệu đồng. Nhà thằng Hoan mỗi năm bán vài xe chả bõ gì…

Năm ngoái người con trai thứ ba của ông An là Hoàng Văn Thi lắp đặt một xưởng làm ván bóc trị giá khoảng 600-700 triệu đồng, tháng hai năm nay thì hoạt động, chủ yếu bóc gỗ của gia đình và những gia đình trong thôn.

14-46-31_3
Xưởng ván gỗ bóc của gia đình anh Hoàng Văn Thi

Ông An đưa cho Thi vay 300 triệu đồng, ông bảo: Người làm cho thằng Thi chủ yếu là con cháu trong nhà, có lúc nó phải thuê hơn hai chục người làm để có hàng giao cho người ta…

Con đường vào “phố” nhà ông Hoàng Văn An mùa này gỗ rừng trồng xếp suốt dọc hai ven đường, rồi vỏ quế phơi tràn khắp các bãi cỏ. Bước chân vào sân nhà nào cũng tràn ngập quế, quế chất đầy nhà, quanh hè, mùi quế thơm lừng.

Ông An có 12 người con, 5 trai và 7 gái, trừ Hoàng Văn Minh chịu đi học, hiện đang làm phó chủ tịch xã Đại Sơn, còn lại đều ở nhà lên rừng trồng quế, kỳ lạ đứa nào cũng say mê làm kinh tế.

Tôi đứng lặng bên khu rừng quế nhà ông An, rừng quế xanh đen trải dài bất tận. Phía dưới chân rừng quế có một nghĩa trang nhỏ, đó là nấm mộ của cha mẹ ông và những người thân trong gia đình. Ông An dặn con cháu nếu mai ngày khuất núi thì chôn ông ở đó, để ông mãi mãi gắn bó với rừng quế.

Điều bất ngờ tôi nhận ra hai người đàn ông cùng tuổi là ông Triệu Nguyên Tư (Tư Gấu) và Hoàng Văn An, họ cùng đi từ hai phía của cánh rừng, ông An vác cuốc trồng quế, còn ông Tư thì vác súng vào rừng săn thú, nay cả hai người đều bước ra từ hai phía của cánh rừng.

14-46-31_4
“Phố” trong rừng của gia đình ông Hoàng Văn An

Ông Triệu Nguyên Tư và những đứa con của mình thì vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo, còn ông Hoàng Văn An thì nhìn thấy cả một dãy phố trong rừng… (Hết)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất