| Hotline: 0983.970.780

Từ hân hoan Phước Hòa đến nỗi lo hồ Dầu Tiếng

Thứ Hai 12/12/2011 , 10:14 (GMT+7)

Ngày 10/12, Bộ NN-PTNT đã long trọng tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án thủy lợi Phước Hòa, tích nước sông Bé dẫn về hồ Dầu Tiếng.

Ngày 10/12, Bộ NN-PTNT đã long trọng tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án thủy lợi Phước Hòa, tích nước sông Bé dẫn về hồ Dầu Tiếng. Công trình này mang tầm cỡ quốc gia với nhiều kỷ lục.

PHƯỚC HÒA – CÔNG TRÌNH VƯỢT TẦM NGỌN LÚA

Vậy là hôm nay chúng tôi đã có thể vi vu cả 2 bên bờ của kênh dẫn nước từ đập dâng Phước Hòa, ranh giới giữa 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước về hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. Giấc mơ 20 năm, kéo dài qua 4 đời thứ trưởng phụ trách thủy lợi, đã thành hiện thực.

Tôi bấm thử đồng hồ, từ đập đầu mối về cầu máng suối Thon ở Km 10 chỉ hết đúng 10 phút. Tốc độ đi trên bờ kênh lên tới 60 km/h. Tuy chỉ dài 105 m nhưng có khả năng tải 75 m3/s (6.400.000 m3/ngày), cầu máng suối Thon đang giữ kỷ lục quốc gia về khẩu độ máng. Cách đầu mối 26 km, còn có cầu máng Căm Xe với chiều dài 700 m, khả năng chuyển tải 55m3/s, cao 19 m – giữ kỷ lục quốc gia về chiều cao.

Không chỉ cầu máng giữ kỷ lục quốc gia mà công trình đập dâng Phước Hòa còn là công trình đầu tiên trên cả nước chuyển nước từ lưu vực sông này sang sông khác. Từ ngàn đời nay, sông Bé chảy ra sông Đồng Nai, nhưng nay được trích ra dẫn về hồ Dầu Tiếng, qua đấy để cấp 1,3 triệu m3/ngày cho công nghiệp, dân sinh tỉnh Bình Dương, cấp 432.000 m3/ngày cho tỉnh Bình Phước, 350.000 m3/ngày cho Long An, 300.000 m3/ngày cho Tây Ninh và 900.000 m3/ngày cho TP Hồ Chí Minh.

 Chính vì lần đầu tiên chuyển nước nên chỉ tính riêng thời gian từ tiền khả thi đến khả thi đã mất hơn chục năm. Bình Phước, tỉnh bỏ ra hơn 1.800 ha với nhiều diện tích cây cao su có giá trị cao nhưng lại được hưởng lợi ít nhất, Đồng Nai thì băn khoăn mãi với việc sông Đồng Nai bị hụt nước nên việc xâm nhập mặn, môi trường sẽ ra sao? TP Hồ Chí Minh thì được lợi đẩy mặn trên sông Sài Gòn, nhưng đấy là chuyện của tương lai. Bình Dương được lợi nhiều nhất, khó mà tưởng tượng nếu TP mới Bình Dương mọc lên mà lại không có nước, nên cũng là tỉnh hăng hái và bỏ nhiều công sức "vận động" nhất.

Dự án Phước Hòa chậm cũng còn bởi mang trong mình sứ mạng tiên phong. Năm 1993, khi cho tôi xem luận chứng tiền khả thi được Cty Tư vấn Thủy lợi 2 lập năm 1992, KS Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc cho biết, ý tưởng về quy hoạch đã có từ năm 1987 nhưng đây sẽ là một dự án trầy trật và nhanh cũng phải đến năm 1998 mới khởi công được bởi lẽ hệ số hoàn vốn sẽ rất khó tính. Từ trước tới nay, thủy lợi chỉ phục vụ sản xuất lúa, hệ số hoàn vốn được tính dựa vào việc mở rộng diện tích, tăng năng suất, còn với Phước Hòa thì diện tích tưới lại không đáng kể, kênh chính dẫn nước lại chủ yếu đi qua cao su, cây không cần tưới.

Trong lúc giá thành của một dự án ĐBSCL chỉ khoảng 100 triệu/ha, còn Phước Hòa sẽ cao hơn rất nhiều. Mặc dù đã được “bù hao” nhưng chính tác giả cũng không thể tưởng tượng được mãi đến năm 2005 mới ký được hiệp định vay tiền, năm 2006 mới tiến hành giải tỏa mặt bằng và tháng 3/2008 lễ khởi công gói thầu đầu mối mới được tổ chức. Đấy cũng là chưa kể đến khó khăn năm 2008, kinh tế thế giới suy thoái đẩy giá cả các nguyên vật liệu lên cao gấp 2, khó khăn trong việc giá đất đền bù giải tỏa có biến động quá lớn, khó khăn trong việc tổ chức thi công với quy mô công trường trải dài trên 50 cây số qua nhiều địa hình phức tạp với thời gian gấp rút và sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát quốc tế.

Mùng 6 Tết năm 2009, mặc dù đang điều trị bệnh tiểu đường nhưng KS Lê Anh Tuấn, PGĐ Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 đã phải vội vã lên công trường đốc thúc tiến độ thi công và ròng rã trong nhiều tháng liên tục, cán bộ ban A phải liên tục bám hiện trường.

Dự lễ khánh thành giai đoạn 1 ai cũng hân hoan, hân hoan vỡ òa vì thành quả của sự phấn đấu bền bỉ suốt 20 năm, hân hoan về một công trình đẹp, bền vững và hiệu quả đã nhãn tiền, hân hoan về một công trình thủy lợi đầu tiên có tầm cao hơn cây lúa. Dù còn phải cố gắng nhiều mới có thể hoàn thành giai đoạn 2 để đưa nước về Long An kịp tiến độ, nhưng việc hoàn thành các hạng mục chính, khó khăn, phức tạp chủ yếu lại ở giai đoạn 1.

Đập dâng Phước Hòa phía tả ngạn (Bình Dương)

ĐẾN BÀI TOÁN CỦA HỒ DẦU TIẾNG

Ai cũng vui vì “con kinh xanh xanh” đã dẫn nước sông Bé về hồ Dầu Tiếng, không còn nỗi lo về thiếu nước ngọt cho Bình Dương, TP Hồ Chí Minh nhưng nhân nói về hồ Dầu Tiếng, một trong 3 hồ thủy lợi được xếp trọng điểm quốc gia, giới chuyên gia cũng không khỏi giật thót mình vì “quả bom nước” treo trên đầu 10 triệu dân thành phố, nếu có sự cố vỡ đập hoặc giả chỉ buộc phải xã lũ theo lưu lượng thiết kế thì thảm họa với người dân TP HCM sẽ như Bankok + sóng thần Nhật Bản.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Có được kết quả như ngày hôm nay trước hết là nhờ sự nỗ lực của các bên: chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư, nhà tài trợ ADB, AFD, các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát và sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án. Đây là công trình trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia, cần nhanh chóng vận hành đưa vào khai thác.

Theo Hội Thủy lợi VN, lưu lượng xả lũ tối đa của hồ Dầu Tiếng được thiết kế 2.800 m3/s, nhưng năm 1984, khi phải xả để khắc phục sự cố ở cửa tràn chỉ với 600 m3/s trong 2 ngày thì phía đông, đông bắc của Bình Dương, khu vực Văn Thánh, Bùi Đình Túy của quận Bình Thạnh, TP HCM đã ngập 20-40 cm. Hơn 25 năm qua, Dầu Tiếng cũng đã 2 lần buộc phải xả nhưng chỉ mới đạt 400 m3/s thì đã phải dừng lại vì “không chịu nổi”. Bình Dương và TP Hồ Chí Minh nay đã khác trước, vùng thấp của Bình Dương đã có đê bao, sông Sài Gòn không còn thông thoát thì việc gì sẽ xảy ra nếu Dầu Tiếng buộc phải xả lũ.

Lịch sử vùng đất này đã có 2 lần mưa lũ đi vào lịch sử. Năm 1952, năm dân gian còn lưu truyền “năm Thìn bão lụt” lũ trên sông Sài Gòn đã đạt 4.500 m3/s, năm 1904 không có số liệu đo đạc nhưng theo truyền miệng thì còn dữ dội hơn.

Sinh mạng của hàng triệu con người không thể chấp nhận chữ “nếu”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm