| Hotline: 0983.970.780

Tự mày mò thành chủ đóng tàu composite nức tiếng miền Trung

Thứ Sáu 03/11/2017 , 14:30 (GMT+7)

Trước khi đóng tàu composite, tôi đã tìm hiểu chiếc tàu composite đầu tiên ở Khánh Hòa nhưng không hài lòng cho lắm. Tàu đóng có chiều dài 17m nhưng tốn đến 700 triệu (chỉ phần vỏ) thì quá đắt...

Trải qua hơn 20 năm gắn bó, nghề biển đã “đào tạo” ông trở thành một người đầy bản lĩnh, cần cù, cộng với ý chí ham học hỏi, mày mò nghiên cứu, sau này đã giúp ích ông rất nhiều cho công việc đóng những con tàu composite được bà con gửi gắm. Ông là Hồ Văn Hào (SN 1966), ở phường Xương Huân, TP Nha Trang.
 

Tự mày mò

Chúng tôi đến thăm xưởng đóng tàu composite do ông Hào làm chủ ở phường Ninh Hải, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) khi công nhân đang tất bật thi công hơn chục tàu đóng mới cho ngư dân.

1-7154304846
Ông Hào bên xưởng đóng tàu composite

Một ngư dân cho chúng tôi biết, sở dĩ họ đến đây đóng tàu composite vì ông Hào có tư duy nắm bắt mọi vấn đề rất nhanh nhạy. Ông chỉ cần nghe ngư dân muốn đóng con tàu như thế nào, ông liền cho ra đời những con tàu y chang như thế và thời gian bàn giao đúng theo hợp đồng đã thống nhất.

Sinh ra ở vùng biển Nha Trang, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông học hành chẳng đến nơi đến chốn. Năm 14 tuổi ông đã phải đi bạn cho tàu cá ở địa phương để kiếm tiền giúp gia đình.

Nhờ chịu khó làm ăn, ham học hỏi, mày mò nghiên cứu, sáng chế sửa chữa máy móc nên việc đi biển của ông những năm đó diễn ra thuận lợi. Mỗi chuyến biển tàu đánh bắt đều có doanh thu, sau khi trừ chi phí có lãi khá. Từ đó ông bắt đầu có vốn liếng sắm tàu riêng cho mình để đi đánh bắt ở ngừ trường Trường Sa và nhà giàn DK1. Sau vài năm dành dụm, với sở hữu ban đầu chỉ có 1 - 2 chiếc, ông đã gây dựng sự nghiệp có thời điểm sắm đến 5 - 6 chiếc tàu.

Đến năm 1999, ông chuyển sang làm dịch vụ hậu cần thu mua cá trên biển. Ban đầu việc làm ăn của gia đình diễn ra thuận lợi. Song, về sau do tàu thu mua là tàu gỗ nên tuổi thọ ngày càng giảm sút. Tàu hay hỏng hóc, phải sửa chữa liên tục rất tốn kém. Thế là, năm 2006 ông bắt đầu nghĩ đến đóng tàu vỏ composite để giảm bớt chi phí sửa chữa.

“Trước khi đóng tàu composite, tôi đã tìm hiểu chiếc tàu composite đầu tiên ở Khánh Hòa nhưng không hài lòng cho lắm. Tàu đóng có chiều dài 17m nhưng tốn đến 700 triệu (chỉ phần vỏ) thì quá đắt. Thấy vậy, tôi quyết định tự thuê thợ đóng tàu composite. Tôi đưa ra ý tưởng cho họ đóng. Lúc ấy tôi đóng tàu có chiều dài 12m, công suất 90CV nhưng chi phí chỉ mất 200 triệu thôi nhưng độ bền, đẹp thì nhiều ngư dân trong nghề đánh giá quá tuyệt vời. Đến năm 2009, tôi  đóng thêm chiếc nữa có kích thước dài 16m, giá cũng chỉ 650 triệu đồng. Từ khi sở hữu cặp tàu composite đã giúp việc làm ăn của gia đình thuận lợi. Đặc biệt tàu ít sửa chữa, chất lượng thủy sản được bảo quản tốt và thu nhập cũng tăng lên”, ông Hào chia sẻ.

3-4154305463
Một tàu composite được đóng tại xưởng ông Hào đã hạ thủy đi đánh bắt hiệu quả

Tiếng lành đồn xa. Tàu tự đóng của ông Hào đi biển chạy êm, ít sửa chữa, giá thành đóng lại rẻ nên nhiều ngư dân trong nghề khâm phục ông kể từ đó. Ông Hào bất đắc dĩ trở thành nơi tin cậy để bà con gửi gắm đóng những con tàu composite.

"Lúc ấy tôi muốn từ chối cũng khó vì những người nhờ đóng tàu là người thân và bạn trong nghề. Sau đó tôi đành nghỉ đi biển, rồi thuê bãi đất trống bên sông Cái đoạn gần dốc Lan Hiếu, phường Vĩnh Phước để đóng tàu. Từ năm 2010 - 2012, tôi đã đóng 6 - 7 chiếc tàu composite cho bà con. Hết hợp đồng đóng tàu tôi quay lại với nghề biển. Tuy nhiên chưa nghỉ được bao lâu thì bà con lại tìm đến tôi năn nỉ đóng tàu cho họ vì thấy những chiếc tôi đóng rất tốt. Rồi họ lại làm tôi xiêu lòng nên quay lại với nghề đóng tàu cho đến nay”, ông Hào bộc bạch.
 

Khắp nơi tín nhiệm

Sau khi quay lại với nghề đóng tàu, ông Hào đã đóng thêm 7 chiếc tàu composite nữa cho bà con, trước khi thành lập Cty TNHH Đóng tàu composite Khánh Hòa ở phường Ninh Hải ngày nay.

Nhờ việc đóng tàu có chất lượng, giá lại mềm nên tiếng tăm ông Hào ngày càng vang xa. Nhiều ngư dân trong và ngoài tỉnh như Bình Định, Phú Yên và Bạc Liêu cũng tìm đến xưởng đóng tàu của ông ngày càng nhiều hơn.

Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy được đầu tư bài bản, ông Hào giới thiệu bãi đóng tàu có tổng với diện 7.000m2, trong đó khu nhà xưởng rộng hơn 5.000m2, được lắp đặt 7 giàn cẩu nên giúp việc vận chuyển, lắp ráp các phần của con tàu diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.

Một thợ đóng tàu ở đây nhận xét, ông Hào tuy không qua trường lớp đào tạo nghề đóng tàu nhưng rất nhiều kinh nghiệm. Ông không cần xem qua bản vẽ nhưng nhìn vào con tàu đóng đúng, sai như thế nào đều thấy rõ. Nhiều khi anh em chúng tôi phải học hỏi từ ông.

Hiện xưởng đóng tàu tạo công ăn việc làm cho 125 lao động, trong đó nhiều kỹ sư chuyên ngành đóng tàu và thợ lành nghề; với công suất đóng từ 15 - 17 chiếc/năm.

Theo ông Hào, từ khi thành lập Cty vào năm 2016 đến nay đã cho hạ thủy 13 chiếc, trong đó 4 chiếc ngư dân tự bỏ tiền ra hợp đồng đặt hàng và 9 chiếc đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngoài ra, hiện nay Cty còn hợp đồng 19 chiếc nữa, công nhân đang đóng khẩn trương để bàn giao kịp thời cho ngư dân.

“Hiện nay, chúng tôi đóng tàu có chiều dài từ 21 - 24m với giá trung bình từ 3 - 5 tỷ (chỉ phần vỏ). Tàu được ngư dân hợp đồng đóng phổ biến dài 19m, rộng 5,7m, có nhà bếp, vệ sinh, 5 hầm cách nhiệt với tổng dung tích các khoang là 60m3.

Hệ thống nhiên liệu có dung tích 6.000 lít và trữ được 8.000 lít nước ngọt đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục trong 30 ngày, với thuỷ thủ đoàn gồm 10 người.

Về khả năng của chúng tôi có thể đóng tàu dài 35m. Tuy nhiên hiện chúng tôi đóng tàu dài nhất 27,5m với chiều rộng 7,2m, cao gần 4m. Tàu này chứa 20.000 lít nước ngọt, 30.000 lít dầu, 100m3 hầm cá đảm bảo hoạt động liên tục 25 ngày với thủy thủ đoàn 20 người”, ông Hào bộc bạch.

5-3154305885
6-5154306451
Xưởng đóng tàu ông Hào tạo công ăn việc làm cho 125 lao động

Cũng theo ông Hào, về ưu điểm tàu composite ít tốn kém chi phí hơn hẳn so với tàu gỗ. Tàu gỗ phải lên xưởng 1 - 2 lần trong năm, chi phí khoảng 30 triệu đồng/lần, còn nếu sửa lớn tốn trên 100 triệu đồng/lần. Còn tàu composite 2 - 3 năm mới bảo trì một lần.

Minh chứng cho lời nói trên, ông Hào bảo, không nói đâu xa như 2 con tàu của gia đình ông đóng vào năm 2006 và 2009. Hiện 2 con tàu này ông đã bán cho chủ mới là một người quen ở Nha Trang. Tàu sử dụng chục năm rồi nhưng phần vỏ vẫn còn nguyên như mới chẳng sửa chữa gì, chỉ phần máy tàu đã thay 3 lần.

Ngư dân Huỳnh Tấn, ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa): Gia đình tôi chọn đóng tàu composite vì nhìn thấy nhiều con tàu ông Hào đóng cho ngư dân rất chất lượng. Tàu gia đình tôi đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ đã hạ thủy vào tháng 7 âm lịch vừa qua. Tàu mang ký hiệu KH 97179 TS, dài 20m, rộng 6m, công suất 1.000CV, hành nghề lưới rê có giá trị hơn 3 tỷ (phần vỏ). Tàu đóng xong tôi thấy rất hài lòng, hiện đã đi 1 chuyến biển thấy chạy êm, phần khoang giữ đá cực kỳ tốt.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất