| Hotline: 0983.970.780

Từ quan ra... đảo chết

Thứ Năm 30/09/2010 , 10:34 (GMT+7)

Đang giữ chức phó phủ tịch xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), ông Tuất bỗng bỏ chốn quan trường, bỏ nhà cao cửa rộng phiêu du ra những hòn đảo chết giữa lòng hồ Núi Cốc.

Trên đường ra đảo cùng lão Robinson Lăng Văn Tuất

Đang giữ chức phó phủ tịch xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), ông Tuất bỗng bỏ chốn quan trường, bỏ nhà cao cửa rộng phiêu du ra những hòn đảo chết giữa lòng hồ Núi Cốc sống cảnh túng thiếu muôn bề. Sau 18 năm ròng, "lão khùng" ấy đã phủ xanh được cả một quần đảo chỉ toàn màu của lau sậy và cây chó đẻ.

Thèm rừng

Để đến được "vương quốc" của lão Lăng Văn Tuất, tôi phải túc trực cả buổi sáng để đợi ông chèo thuyền độc mộc từ trong đảo ra. Mặt trời quá ngọ, phía xa xa giữa lòng hồ Núi Cốc bồng bềnh huyền ảo như câu chuyện tình của chàng Cốc và nàng Công, cái bóng cao lênh khênh gầy còm của lão Tuất đổ dài về phía mũi thuyền. Không kịp để lão nghỉ ngơi, tôi lại “hành hạ” bắt lão phải quay thuyền trở lại cái hòn đảo mà lão ẩn mình suốt 18 năm qua.

Nhịp chèo khoan thai, nhẹ nhàng như lướt gió, lão cho biết mình sinh năm 1957, giữa lúc đất nước đang trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt. Năm 1976, lão xung phong lên đường nhập ngũ trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới 1979. Năm 1981, lão xuất ngũ trở về quê hương rồi tham gia công tác xã hội ở xã Phúc Trìu.

 Với vẻ mặt suy tư, lão khua mái chèo cho thuyền đi đúng hướng rồi trầm ngâm tâm sự: "Làm phó chủ tịch xã được vài năm thì tôi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nên thường xuyên nghỉ công tác để đi chạy chữa nhưng không khỏi. Gia đình chuẩn bị tinh thần để lo hậu sự cho tôi thì nghe tin Bệnh viện Quân y 108 mới có phương pháp điều trị ung thư mới bằng xạ trị nên gia đình lặn lội đưa tôi xuống đó với chút hi vọng còn nước còn tát. Không ngờ cái số tôi nó chưa đến lúc chết, sau khi khỏi bệnh tôi về nhà xin thôi công tác ở xã rồi vào đảo cùng 50 hộ dân khác tham gia dự án trồng dừng 327”.

Sở dĩ lão Tuất bỏ nhà bỏ cửa vào hoang đảo để làm kinh tế mới không phải do lão bất mãn hay chán trường cuộc sống, đơn gian chỉ vì lão “thèm” rừng quá. Lão bảo, trước khi đóng nước dâng hồ Núi Cốc người dân đã tận thu tất cả những gì mọc trên đồi núi. Chỉ trong chớp mắt cả nghìn héc - ta rừng biến thành những đồi trọc không một bóng cây ngọn cỏ trơ trọi như bãi cọc trên sông Bạch Đằng. Hồ Núi Cốc đứng trước nguy cơ trở thành hồ chết.

Chứng kiến hình ảnh đó mà lòng lão tái tê, lão không biết làm gì để cứu những cánh rừng trù phú đang bị con người tàn phá đến cạn kiệt kia. Giữa lúc lão đi viện về thì có dự án trồng rừng phòng hộ 327, như người lạc trên sa mạc nhìn thấy nước lão sướng rên. Ngay khi dự án được triển khai, lão là người đầu tiên ký vào hợp đồng trồng và bảo vệ rừng cho những hộ khác làm theo.

Những năm tháng đấu tranh giành sự sống với căn bệnh ung thư quái ác khiến lão khổ sở lắm rồi. Ấy vậy mà công việc trồng rừng còn lấy đi của lão nhiều mồ hôi và nước mắt hơn. “Một ngày đàng bằng gang nước”. Đường sá đi lại khó khăn, giao thông đường thuỷ cách trở, mỗi khi ôtô trở cây giống về đến trung tâm xã là lão cùng vợ gồng gánh hơn hai cây số đường rừng rồi cho cây lên thuyền độc mộc chèo một tiếng sau thì ra đến đảo. Không kịp nghỉ ngơi, hai vợ chồng lại hì hục cuốc đất để trồng cây cả trưa không nghỉ. Công việc đó diễn ra liên tục suốt 3 năm trời khiến lão Tuất chỉ còn lại một bộ da bọc xương héo hắt như tàu lá chuối khô. Nhiều người còn tưởng lão bị nghiện nên lẩn vào khu đảo đó để cai.

Nhưng điều khó khăn nhất mà lão Tuất phải vượt qua đó là sự thiếu thốn và cô đơn. Cuộc sống đang sung túc, đuề huề mà bỗng dưng phải sống cảnh đèn dầu, không bà con lối xóm giữa mênh mông sóng vỗ lão thấy buồn muốn khóc. Có những hôm trời mưa bão, căn lều dựng tạm bằng tre nứa và lá chuối rừng không thể chống chịu được những đợt "oanh tạc" của thiên lôi. Vợ thì khóc sướt mướt còn lão cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa tấm thân gầy còm ướt như chuột lột che chở cho vợ. Cái chết cận kề lão còn vượt qua được huống chi những chuyện khó khăn cỏn con này, lão cắn răng tự nhủ.

Lão nông phong lưu

Lão Tuất làm việc suốt ngày không nghỉ ngơi
Cùng tham gia dự án với lão Tuất ngày đó có tới 49 hộ khác đều ở xã Phúc Trìu. Giờ chỉ còn mỗi lão  bám trụ được ở cái nơi nửa năm mới nhìn thấy người lạ ấy. Ngay từ những ngày đầu nhận dự án trồng rừng phòng hộ 327, lão đã chọn cho mình một lối đi táo bạo riêng. Thay vì phát sạch cây bụi còn sót lại rồi đốt đi rồi trồng keo lão lại trồng trám và giữ những cây gỗ bản địa còn sót lại. Lúc đầu thì người ta bảo lão dở hơi, nhưng giờ ai cũng phục lão sát đất bởi cái tầm nhìn xa trông rộng.

Trong khi các hộ dân khác lao đao bỏ về đất liền hết vì quá khó khăn, túng bấn thì lão Tuất lại sống rất phong lưu. Hàng ngày lão cùng chiếc thuyền xi măng độc mộc mà lão tự tay làm luồn lách hầu hết các ngõ ngách xó xỉnh trong vùng đảo để đánh cá kiếm miếng ăn duy trì cuộc sống để tiếp tục công việc trồng rừng. Để chắc ăn hơn lão còn mua lưới quây được hai cái ao rộng 5 ha để thả cá. Riêng nguồn nước của hồ Núi Cốc này lão chẳng cần chăm bẵm gì mà cá của lão cứ lớn nhanh như thổi. Mỗi năm vừa làm vừa chơi lão cũng có vài chục triệu tiền bán cá đút túi.

Nhưng điều quan trọng là lão lường trước được khó khăn sau này sẽ gặp phải nên đã sáng suốt khi chọn cây trám làm loại cây trồng phòng hộ chủ lực. Bởi theo lời lão thì cây trám là một cây có tuổi thọ lâu năm, có chức năng phòng hộ rất tốt. Đặc biệt loài cây này còn cho qủa có giá trị kinh tế rất cao giúp người trồng rừng có một nguồn thu nhập tương đối ổn định. Đây chính là mục đích mà lão hướng tới mà bây giờ lão đã chạm tay tới thành công. Với gần 1.000 gốc trám đen đã bắt đầu cho thu hoạch, chẳng mấy chốc lão ta sẽ trở thành tỉ phú khi giá trám ngoài thị trường hiện nay lên tới vài chục nghìn đồng  một kg.

Cả một hòn đảo 60ha trước chỉ toàn đồi trọc nay đã được phủ một màu xanh tươi mát. Bà con bỏ về đất liền hết nên giờ gần như chỉ còn mỗi mình lão Tuất ở lại cai quản. Rừng mà đã vào tay lão thì khỏi phải nói, một cây cũng không bao giờ mất. Theo chân lão đi tham quan cái cơ ngơi vời vợi một màu xanh ngút ngàn của trám, keo cùng vô số cây bản địa không ai có thể nghĩ rằng trước đây, nơi này là một vùng đất toàn cỏ lau và cây chó đẻ. Quý báu hơn khi lão Tuất giữ lại được số lượng lớn cây gỗ quý như: dẻ, kháo, lát, sồi... và đặc biệt là mấy chục cây lim xanh bây giờ đường kính đã lên tới 30cm. Chính vì cái sự đa dạng ấy mà khu đảo của lão Tuất được chọn để quy hoạch phát triển thành khu rừng sinh thái.

Cứ nhắc đến trồng rừng là lão Tuất lại kề cà cái giọng như một chuyên gia lâm nghiệp thực thụ: “Mình phải gây dựng để làm sao không mất đi cái tự nhiên vốn có của rừng. Như vậy rừng mới phong phú và đa dạng sinh học được. Bây giờ nó là rừng tái sinh thật đấy, nhưng mai sau rất có thể nó lại trở thành rừng nguyên sinh như lúc ban đầu. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách bảo vệ và chăm sóc rừng, biết cách dựa vào rừng để mà duy trì cuộc sống hàng ngày của mình”.

Ngồi trên giường tủm tỉm nghe chồng say sưa nói chuyện về rừng, bà Giang Thị Tươi giờ mới có dịp để tự hào về cái tầm nhìn xa của chồng: Ngày mới theo ông bỏ nhà, bỏ cửa vào đây trồng rừng tôi lo lắng lắm. Bởi phụ nữ làm gì mà không nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt ngay là hay nản. Nhưng ông nhà tôi được cái dẻo miệng nên thuyết phục là tôi ở lại luôn, không đòi về nữa. Giờ thì cuộc sống của vợ chồng tôi đã bớt khó khăn, đã có của ăn của để cho con cái học hành rồi.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.