| Hotline: 0983.970.780

Từ Vinashin, phải nhìn lại cơ chế kiểm tra, giám sát

Thứ Sáu 22/10/2010 , 09:41 (GMT+7)

Bên hành lang QH, Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền đã trao đổi với báo chí xung quanh những tồn tại, yếu kém trong khâu kiểm tra, kiểm soát tình trạng tài chính của Vinashin.

Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản ngoài nguyên nhân đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả một phần còn do công tác kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hạn chế. Bên hành lang QH,  Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền đã trao đổi với báo chí xung quanh những tồn tại, yếu kém trong khâu này.

Thời gian qua, liên tục phát hiện những sai phạm trong lĩnh vực quản lý sử dụng tài chính công, tài chính trong cấp vốn cho DNNN gây hại nghiêm trọng đến nền kinh tế. Có thể nhận định đây là hiện tượng phổ biến không thưa ông?

 Đúng vậy, qua quá trình kiểm tra, thanh tra việc quản lí sử dụng vốn sau khi CPH chúng tôi phát hiện sai phạm và đã chấn chỉnh rất nhiều, tập trung ở 3 lĩnh vực lớn là đất đai, dự án, CPH DN. Thế nhưng bây giờ tiếp tục thanh tra vào một số những lĩnh vực đang CPH nữa lại vẫn thấy còn sai phạm, còn thất thoát lãng phí lớn.

Vậy tỉ lệ các vụ án được khởi tố từ kết luận thanh tra như thế nào, thưa ông?

Có một thời gian việc này chưa được quan tâm rốt ráo nên số vụ được kiến nghị xử lý‎ còn chậm, nhưng trong thời gian từ đầu năm 2010 trở lại đây, sự phối hợp giữa cơ quan điều tra với thanh tra tốt hơn nên tỉ lệ xử lý vụ việc cũng tốt hơn. Ví dụ như vừa qua chúng tôi kiến nghị 87 trường hợp thì đến nay cơ quan điều tra đã xem xét giải quyết hơn 70 trường hợp rồi. Tỉ lệ này tôi cho là đã thể hiện sự rất tích cực.

Xử lý sai phạm chỉ mang tính răn đe, còn ngăn chặn sai phạm, tránh thiệt hại mới là điều thực sự cần thiết phải làm. Như Vinashin chẳng hạn, đầu tư dàn trải, trong thời gian dài, không phải chúng ta không biết nhưng thất thoát vẫn xảy ra? 

Chỗ này đã kiểm tra, kiểm toán, giám sát rồi. Qua những cuộc thanh tra, kiểm toán cũng phát hiện nội dung sai phạm. Thanh tra của Bộ KH-ĐT đã phát hiện Vinashin đầu tư ngoài ngành tràn lan, dàn trải và kiến nghị rất nhiều nội dung. Thanh tra Tài chính đã phát hiện việc sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả và cũng đã kiến nghị xử lý nội dung này. Thanh tra Chính phủ vào cuộc cũng thấy rằng, Vinashin làm một số việc không đúng quy định pháp luật, gây thất thoát.

 Giám sát của Quốc hội, kiểm tra của TƯ về việc đổi mới DN cũng đã chỉ ra rất nhiều nội dung sai phạm. Đáng tiếc là chỗ Vinashin chẳng những không nghiêm túc khắc phục mà còn cố tình báo cáo không đúng sự thật, gian dối, lấp liếm việc làm sai. Thậm chí, có thanh tra toàn diện và chỉ ra hết sai phạm nhưng họ không tự giác chấp hành, khắc phục sai phạm thì dẫn đến hậu quả như hiện nay cũng khó tránh khỏi.

Hiệu lực yếu vậy phải chăng cơ chế thanh tra, giám sát của chúng ta hiện nay có vấn đề?

Nhiều cơ quan cùng vào nhưng chưa quy định rõ cơ quan nào làm toàn diện, cơ quan nào làm theo chuyên ngành. Dẫn đến, anh Tài chính vào là làm về vốn, KH- ĐT là làm về quy hoạch, đầu tư. Ngay Thanh tra Chính phủ có thể làm toàn diện nhưng cũng nhiều khi cũng chỉ làm một mặt thôi. Do vậy, phải quy định rõ cơ quan nào thanh tra toàn diện và chịu trách nhiệm chính.

Riêng Thanh tra Chính phủ đã đề xuất 2- 3 lần đưa vào kế hoạch thanh tra toàn diện, bởi chúng tôi thấy tình hình ở Vinashin đang có rất nhiều dấu hiệu không ổn. Nhưng đáng tiếc là do xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới, cả lãnh đạo của TƯ và lãnh đạo Chính phủ cho rằng, phải giảm bớt áp lực thanh tra để các đơn vị này xử lý khó khăn về kinh tế. Ngoài ra, việc này chậm cũng do tránh chồng chéo, khi thanh tra thì DN kêu là thanh tra dày đặc, nên có kiểm toán thì thanh tra không làm, thanh tra làm thì kiểm toán thôi.

Chúng ta chưa có cơ chế để các đối tượng thanh tra phải chấp hành nghiêm kết luận thanh tra?

Hiện nay kết luận thanh tra và có cả ý kiến của Thủ tướng rồi nhưng họ không chấp hành theo kết luận thì ai phúc tra? Có giao cho Thanh tra Chính phủ phúc tra đâu. Thanh tra các bộ, ngành cũng không được giao phúc tra. Mà không phúc tra thì họ chấp hành không nghiêm cũng không biết, thậm chí biết cũng không có chế tài để xử lý. Hiện nay vướng điều này nên nhiều khi để sai phạm kéo dài, lặp đi lặp lại, sai phạm bước đầu ít nhưng không ngặn chặn được kịp thời.

 Vậy trong lần thanh tra toàn diện lần này, Thanh tra Chính phủ có xem xét tới trách nhiệm của những cơ quan đã vào thanh tra, kiểm toán Vinashin?

 Đương nhiên rồi. Khi xem xét trách nhiệm của đơn vị thanh tra thì không chỉ xem xét trách nhiệm của đơn vị đó, mà sẽ xem xét trách nhiệm cả những cơ quan cấp trên của họ, những cơ quan được giao trách nhiệm của lý họ, kể cả các cơ quan đã vào đây thanh tra rồi mà không có giải pháp gì để chấn chỉnh. Tất cả đều phải được xem xét trách nhiệm. Trong trường hợp làm trái và thiếu trách nhiệm thì phải kiến nghị xử lý.

Trong trường hợp những sai phạm liên quan vượt quá thẩm quyền của Thanh tra CP, cơ quan thanh tra có làm rõ không, thưa ông?

Thanh tra Chính phủ có hai việc. Một là hoàn thiện báo cáo kiến nghị xử lý những cơ quan cùng cấp hoặc trong phạm vi xử lý của Chính phủ như các bộ, ngành, địa phương. Hai là những việc vượt thẩm quyền, Thanh tra Chính phủ cũng có trách nhiệm để báo cáo. Bởi theo quy định của Đảng, thì có những việc Thanh tra Chính phủ phải báo cáo lên cấp trên. Và vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo lên rất nhiều trường hợp như vậy, để cơ quan cấp trên xử lý những trường hợp vượt thẩm quyền xử lý của Chính phủ.

Trong quá trình Thanh tra có điều chỉnh kế hoạch, vậy Thanh tra Chính phủ có bị sức ép gì không?

Chẳng có sức ép nào cả. Bởi vừa qua do vướng nên chưa làm chứ có sức ép gì đâu. Việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra là theo yêu cầu khách quan.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất