| Hotline: 0983.970.780

Tủi phận con trâu: Teo tóp

Thứ Năm 17/03/2016 , 13:15 (GMT+7)

Ít có vật nuôi nào rơi vào tình cảnh “chọn lọc ngược” như đàn trâu ở khu vực miền núi nước ta. Ngày ngày, những “đại ngưu” to khỏe xồng xộc chui vào lò mổ hoặc bán qua biên giới. 

Trong khi đó, công tác bình tuyển, phát triển giống trâu bao năm nay vẫn cứ "à ơi" theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Hậu quả là tầm vóc trâu Việt ngày càng teo tóp.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Thời bao cấp, cứ đến tháng 10 hàng năm, các HTX lại thành lập đoàn bình tuyển trâu. Chỉ những con đực to nhất, khỏe nhất, tinh lực mạnh nhất mới được bảo toàn “của quý” để thực hiện sứ mệnh phát triển giống nòi. Trâu vừa, trâu còi bị thiến sạch làm “thái giám” để chuyên tâm cày kéo. Nhờ làm tốt công tác giống, trâu to nhiều vô kể.

TS Nguyễn Hữu Trà, nguyên PGĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi, nhớ lại “ngày xưa ấy” rồi tỉ tê: "Thời kinh tế tập thể, chưa bao giờ cả làng dám giết thịt con trâu mộng 4 - 5 tuổi để ăn vì không có chúng thì không làm ruộng được. Ngày nay, nông dân cày, bừa bằng máy, thồ hàng bằng máy. Con trâu ngoài việc nuôi lấy thịt thì chỉ là thứ vô dụng. 10 năm trước, ở Vĩnh Phúc có làng nhà nào cũng nuôi trâu, giờ trở lại lật từng nóc nhà cũng chẳng thấy con nghé".

Những năm qua, tổng đàn trâu cả nước sụt giảm. Nhưng ấy là bối cảnh ở đồng bằng. Vùng trung du và miền núi phía Bắc, cơ cấu đàn trâu khá ổn định (gần 1,3 triệu con, chiếm một nửa tổng đàn trâu cả nước). Đã có những dấu hỏi to đùng về tương lai của con trâu miền núi. Trong đó, người ta mường tượng ra một bức tranh đầy đủ gam màu sáng và tối.

Ông Trà bảo, mảng sáng ở chỗ đầu ra của thịt trâu rất rộng mở. Trước đây người ta không quen ăn thịt trâu nên giá thấp. Dân buôn thường phải “hô biến” thịt trâu thành thịt bò để bán dễ. Giờ thì ngược lại, thịt trâu đắt hơn thịt bò. Nhà nào có mươi, mười lăm con trâu nái, biết chăm sóc tốt thì muốn nghèo cũng khó.

Thế nhưng, mảng tối vẫn khá lớn. Từ năm 2008 đến nay, cả nước rộ lên phong trào chọi trâu. Những “chiến ngưu” dũng mãnh nhất ở miền núi phía Bắc được dân chọi trâu trả cả ba lô tiền để rước về sới. Con vô địch thành vật tế thần. Con thua thành mồi nhậu cho khán giả. Những con trâu to nhưng bản tính hiền lành (không chọi tốt) cũng được nhấc lên ô tô chở đến các chợ giáp biên bán qua biên giới hoặc đưa về xuôi tiêu thụ.

Vừa qua, tại một hội nghị về phát triển chăn nuôi gia súc các tỉnh phía Bắc diễn ra ở Lào Cai, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh thông tin, chỉ riêng chợ trâu Cán Cấu (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) mỗi phiên bán vài trăm con trâu, trong đó đa phần là trâu đực to khỏe. Buồn là những con trâu gié (trâu nhỏ) lại được giữ lại để nuôi.

Việc đầu tư để cải tiến chất lượng giống trâu thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Hiện tượng giao phối cận huyết diễn ra tràn lan. Việc đầu tư cho quản lý giống trâu, hệ thống sản xuất, các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, chuồng trại tiên tiến còn chậm. Vì vậy, số lượng và cả tầm vóc đàn trâu Việt Nam có xu hướng giảm xuống.

Bình tuyển kiểu “đánh trống bỏ dùi”

TS Trà thẳng thắn: “Công tác bình tuyển trâu đực giống ở nước ta đang có vấn đề theo kiểu “chọn lọc ngược”. Nhà nước không quản lý nổi”.

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành đều triển khai chương trình bình tuyển trâu đực giống. Thế nhưng, sau sao công sức tìm kiếm, đo đạc, bấm thẻ tai, huyện lại trả về cho dân tự nuôi theo kiểu “sống chết mặc bay”. Hoặc nếu có nguồn kinh phí hỗ trợ công chăm sóc trâu bình tuyển thì cũng chỉ như muối bỏ bể, không thể khuyến khích người nuôi giữ lại lâu dài để khai thác tinh.

Năm 2007, huyện Lục Yên (Yên Bái) bình tuyển 5 con trâu đực giống và hỗ trợ công chăm sóc cho 5 hộ dân xã Minh Chuẩn 1 triệu đồng/năm trong thời gian 3 năm để chuyên “phục vụ” việc sinh đẻ của đàn trâu cái trên địa bàn xã. Thế nhưng, đến năm 2009 thì đàn trâu bình tuyển biến mất. Anh Trần Văn Hoan, cán bộ phụ trách lĩnh vực chăn nuôi - thú y - thủy sản (phòng nông nghiệp huyện) lý giải: Trâu 4 - 5 tuổi thì gần như không tăng trọng nữa, mà giữ lại cho “nhảy” với trâu cái nhiều thì rất hao sức, gầy và tính hung hăng, không thể thả ra bãi chăn được.

Trong khi đó, chủ trâu đực hiếm khi nhận được tiền từ dịch vụ phối giống. Chẳng ai thèm khát 1 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước để nuôi báo cô con trâu 50 - 60 triệu đồng. Mặt khác, trâu đực giống cần được luân chuyển địa bàn sinh sống để tránh giao phối đồng huyết, cận huyết. Thế nhưng, trâu là của dân nên mệnh lệnh hành chính không thể can thiệp được.

Sau thất bại của Lục Yên, ông Trần Đức Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT Yên Bái, kết luận ngắn gọn rằng: “Nếu công tác bình tuyển trâu đực giống cứ làm theo kiểu nửa vời như vậy chỉ tốn tiền của nhà nước. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh bỏ luôn”.

Giống với huyện Lục Yên, từ năm 2011 - 2015, huyện Bảo Yên cũng bình tuyển hàng trăm con trâu đực giống và hỗ trợ công chăm sóc 500.000 đồng/năm (từ năm 2012 tăng lên 1 triệu đồng/năm) cho hộ nuôi giữ.

Thế nhưng, chị Trịnh Thị Duyên, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên chia sẻ: "Mức hỗ trợ công nuôi thấp quá, chỉ những hộ thực sự cần trâu đực để kéo xe hoặc nuôi thêm trâu cái sinh sản mới duy trì được lâu. Thậm chí, có trường hợp còn nằng nặc xin trả lại tiền hỗ trợ của dự án để bán bỏ trâu".

08-05-13_nh-2
Trâu là trụ cột kinh tế của nhiều hộ dân vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Nhưng, tầm vóc của đàn trâu có xu hướng ngày một bé dần

"Hiện, những con trâu đực của trung tâm chỉ còn khai thác tinh trong khoảng vài năm nữa là đến thời hạn thải loại. Việc nhập trâu Mura từ nước ngoài về để làm tươi máu đàn trâu trong nước và tuyển chọn những con trâu đực giống tốt trong nước để khai thác nguồn tinh chất lượng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc này tốn khá nhiều tiền. Trung tâm đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát triển công tác giống, song đến giờ vẫn chưa có kết quả", TS Phùng Thế Hải, PGĐ Vinalica.

Trước đây, bác Phạm Đức Tình ở xóm Cóc, xã Việt Tiến (Bảo Yên) có con trâu đực nặng 670 kg nằm trong diện bình tuyển. Ban đầu nó rất hiền, ngày ngày lam lũ kéo xe, thồ hàng. Thế mà, sau mấy lần được “nhảy” lên con cái, cứ xổng chuồng là nó gây họa. Có bận nó đánh rách bụng con nghé đực 2 tuổi nhà ông Khiêm trong xóm. Khi hết tiền hỗ trợ chăm sóc trâu bình tuyển, bác Tình bán bỏ để mua con trâu non hơn thay thế.

Bàn tay nhà nước ở đâu?

TS Nguyễn Hữu Trà cho rằng: “Phát triển đàn trâu đực giống chất lượng tốt trong dân là chủ trương đúng. Nhưng nếu không có cơ chế hỗ hợ thỏa đáng để người dân lưu giữ trâu giống lâu dài thì mọi nỗ lực của chúng ta đều đổ sông, đổ bể”.

Chúng ta chưa có một hệ thống quản lý, phát triển giống trâu mang tầm quốc gia. Năm 2014, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ 50% kinh phí (không quá 25 triệu đồng) mua trâu, bò đực giống để làm dịch vụ phối giống nhưng phạm vi rất hạn hẹp (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn). Dự án chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ (hỗ trợ trâu đực và trâu cái) giao cho hệ thống Khuyến nông thực hiện tuy có hiệu quả tích cực cũng bị bó hẹp cả về quy mô, thời gian thực hiện.

Nối mạch “chuyện buồn trâu giống”, TS Nguyễn Đức Chuyên, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi miền núi, kể: "Đầu những năm 2000, chúng tôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội thi Trâu, bò khỏe, đẹp tại một số địa phương có giống trâu tốt như Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Định Hóa (Thái Nguyên), Lục Yên (Yên Bái)…

Anh em cùng cán bộ địa cơ sở lặn lội xuống từng thôn, xóm và bình tuyển được 20 con trâu đẹp mỹ miều (10 cái, 10 đực). Trong đó con đạt giải Nhất nặng gần 700 kg. Thế nhưng, sau khi trao giải xong, đàn trâu đoạt giải đi đâu, về đâu chẳng ai biết. Giá như nhà nước có cơ chế mua lại những con trâu đoạt giải ấy, sau đó bảo tồn, lưu giữ của các trung tâm nghiên cứu, phát triển chăn nuôi thì tốt biết mấy (!)".

Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương (Vinalica) có lẽ là đơn vị duy nhất còn mặn mà với việc tuyển chọn các giống trâu nội, ngoại phẩm cấp cao để khai thác, sản xuất tinh đông lạnh. Tuy nhiên, theo TS Phùng Thế Hải, PGĐ Vinalica, dù đang quản lý 9 con trâu Mura giống thuần, song trung tâm không được hỗ trợ kinh phí lưu giữ giống gốc.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.