| Hotline: 0983.970.780

Tưới nhỏ giọt cho cây trồng

Thứ Ba 24/05/2016 , 01:15 (GMT+7)

Sở NN-PTNT và Sở KH-CN Quảng Trị đã xây dựng mô hình tưới tiêu cho cây hoa màu trong mùa khô hạn tại 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ.

Nhằm giúp các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm nước trong điều kiện nắng hạn và thích nghi với biến đổi khí hậu, Sở NN-PTNT và Sở KH-CN Quảng Trị đã xây dựng mô hình tưới tiêu cho cây hoa màu trong mùa khô hạn tại 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ.

Ông Đào Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ cho biết, cách làm này nhằm lựa chọn cây trồng phù hợp để xây dựng mô hình tưới khoa học tiết kiệm nước bằng ống phun. Mô hình tưới phun tiết kiệm nước được chọn tưới cho cây lạc tại 2 xã Cam Hiếu và Cam Thủy với tổng kinh phí đầu tư 250 triệu đồng.

Vùng lạc ở xã Cam Thủy rộng hơn 30ha thường xuyên thiếu nước. Những năm trước, sản xuất lạc ở đây tưới tiêu hoàn toàn nhờ trời nên năng suất đạt không cao, chỉ từ 1 - 1,2 tấn/ha. Thu nhập từ lạc sau khi trừ chi phí còn lại đạt thấp nhưng nông dân vẫn tiếp tục trồng lạc bởi trên vùng đất thiếu nước đó không có loại cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Không chỉ ở Cam Thủy mà các xã vùng đông của huyện Cam Lộ đất canh tác màu đều nằm trong điều kiện tưới tiêu khó khăn. Trước thực trạng đó, vụ ĐX 2015 - 2016, bằng nguồn vốn ngân sách có sự hỗ trợ của nguồn vốn KH-CN, huyện Cam Lộ đã xây dựng thí điểm mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây lạc ở vùng đông.

Mô hình hoạt động theo hình thức đưa nước trực tiếp đến vùng gốc cây trồng qua hệ thống ống dẫn nước áp lực một cách liên tục, nước nhỏ từng giọt nhờ các thiết bị đặc trưng là các vòi tạo giọt. Lượng nước nhỏ liên tục từng giọt nhỏ nên tiêu hao nước không nhiều, hạn chế được sự thất thoát nước nhưng lại cho hiệu quả tưới cao nhờ nước tưới được cấp trực tiếp cho cây trồng. Thời gian tưới mỗi tuần một lần, mỗi lần tưới liên tục 16 giờ và tiến hành tưới vào ban đêm. Nguồn nước tưới được lấy từ các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn. 

Hiệu quả cách làm này mang lại trông thấy,năng suất lạc ước đạt 2,5 - 3 tấn/ha, tăng hơn 2 lần so với trước khi chưa ứng dụng tưới. Hơn nữa, nếu áp dụng tưới nhỏ giọt thì những diện tích đất màu thiếu nước trước đây người dân chỉ làm một vụ lạc ĐX, năng suất thấp, sắp tới sẽ canh tác được 2 vụ lạc và 1 vụ ngô.

Từ kết quả này, ông Đào Mạnh Hùng cho biết sẽ nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước trên địa bàn toàn huyện với nhiều loại cây được tưới.

Không chỉ ở Cam Lộ, vốn KH-CN cũng đầu tư hỗ trợ cho huyện Gio Linh xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước đối với cây rau xà lách xoong (rau liệt) ở khu vực thiếu nước xã Gio An. Xà lách xoong là loại rau đặc sản của vùng tây Gio Linh đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, là loại rau sạch có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đây là loại rau cần rất nhiều nước, nếu thiếu nước thì rau sẽ vàng. Ngoài những diện tích được trồng gần các khe, suối có nước chảy tự nhiên hoặc chủ động nước tưới thì vẫn có nhiều diện tích rau được trồng ở vùng không chủ động nước tưới.

Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu rau xà lách xoong Gio An, huyện Gio Linh đã đầu tư hỗ trợ cho người dân mô hình tưới nước tiết kiệm để người dân có thể sản xuất được rau giống để cung ứng giống mở rộng diện tích rau, tăng thêm diện tích, tăng thu nhập cho người dân. 

Ông Lê Văn Viễn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh cho biết, việc hỗ trợ người dân đầu tư mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây rau xà lách xoong là một hướng đầu tư đúng bởi cây này có thị trường tiêu thụ rộng, lại là cây đặc sản được nhiều người ưa chuộng, huyện cũng vừa mới đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này ở Gio Linh nên cần phải phát triển và nhân rộng, vừa phát triển được thương hiệu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao..

Ông Trần Thanh Hiền, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị cho đánh giá mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt là một giải pháp tưới khoa học hữu hiệu trong điều kiện sản xuất nông nghiệp luôn bị ảnh hưởng do hạn hán và biến đổi khí hậu. Đây cũng là hình thức sản xuất ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị sản xuất.

Ông Hiền cho biết, sắp tới sở sẽ khuyến khích bà con nhân dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhân rộng mô hình này. Mục đích không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị kinh tế mà còn giúp canh tác tối đa diện tích đất, tránh bỏ hoang lãng phí đất, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất