| Hotline: 0983.970.780

Tuồng làng Khương Hà

Thứ Tư 24/08/2011 , 09:51 (GMT+7)

Cụ Trần Linh người làng Khương Hà cho hay: “Hát tuồng ở Khương Hà có từ lâu rồi. Hồi tui còn con nít cũng đã được đi xem người làng diễn.

Vở “Ông già cõng vợ đi xem hội” do đội tuồng làng Khương Hà biểu diễn

Cụ Trần Linh người làng Khương Hà (xã Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) năm nay đã trên 80 tuổi cho hay: “Hát tuồng ở Khương Hà có từ lâu rồi. Hồi tui còn con nít cũng đã được đi xem người làng diễn. Nghe các cụ trước đó kể lại thì tuồng có từ hàng trăm năm nay. Rứa mà vẫn được người làng lưu giữ để lại cho con cháu bây chừ".

Cũng có thời gian hát tuồng ở Khương Hà lắng xuống vì các “diễn viên” cũng phải lo chuyện áo cơm đến bạc mặt nên đành lòng gác lại đam mê. Hơn chục năm trở lại đây, tuồng Khương Hà bắt đầu bén duyên trở lại và được nhiều nơi biết đến thông qua các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng các cấp.

Đội tuồng được các xã khác trong huyện mời đến diễn, rồi diễn cả cho khách tham quan ở Trung tâm Văn hoá Phong Nha - Kẻ Bàng xem. Dấu ấn để lại đầu tiên là vào năm 2008, đội tuồng Khương Hà được Bộ VH-TT-DL mời tham gia đợt tập huấn 20 ngày về nghề hát tuồng tại Nhà hát tuồng Trung ương ở Hà Nội, nhằm phục hồi làng hát tuồng có tiếng từ xa xưa này. Khương Hà cũng là làng duy nhất ở Quảng Bình hiện vẫn có đội tuồng làng biểu diễn phục vụ người dân địa phương, và kinh phí hoạt động do người dân địa phương tự đóng góp.

Theo ông Trần Xuân Định, Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ làng Khương Hà thì: “Hiện đội tuồng có 16 thành viên, gồm 13 diễn viên nghiệp dư và ba nhạc công. Gần như kinh phí của đội do đóng góp của bà con trong thôn và một số nhà hảo tâm hỗ trợ thêm chứ không có nguồn thu nào. Vậy nhưng yêu nghề, mến nghiệp nên các anh, các chị trong thành phần của đội không quản ngại vất vả, tốn kém để dựng những vở tuồng nổi tiếng như: Hồ Nguyệt Cô hoá cáo, Đào Tam Xuân đệ cờ, Ông già cõng vợ đi xem hội”.

Cụ Linh vẫn thường tự hào về lịch sử hát tuồng ở vùng quê xa xôi này. Mà không chỉ cụ Linh, gần như các cụ cao niên của làng khi ngồi với nhau bên ấm trà xanh đều gật gù cho rằng hát tuồng như là lẽ tự nhiên của người dân ở làng Khương Hà.

Diễn viên của đội tuồng đều là những nông dân chân lấm tay bùn. Bây giờ, nhiệm vụ đội trưởng được giao cho ông Phạm Ngọc Phấn, đội phó là bà Trần Thị Phiến. Cả hai người đều đã trên tuổi năm mươi. Lớp người đi trước trong đội hiện còn các cụ: Lê Thị Hiền, Lê Thị Huề, Trần Hữu Nghị, Trần Võ... cũng đã trên 70 tuổi.

Khó quên được hình ảnh ông Võ, ông Nghị trên sân khấu thật oai nghiêm với vai phó soái, tướng soái, nhưng sáng hôm sau hai ông vác cày lên vai, dắt trâu ra đồng thì chỉ còn lại là hai ông nông dân thật thà như đếm. Chị Nữ, mỗi lần đi tập hát tuồng đều phải bế con đi theo. Hay là chị Trần Thị Lý, sáng ngày tranh thủ việc đồng áng, chiều về nhà bắc vội nồi cơm, dặn chồng kho cá, cho con ăn rồi tất tả ra chiếu tập.

Xem tuồng làng mình diễn, người Khương Hà thấy rất thú vị, vì khi chị Nữ đóng vai mỹ nhân kế chuốc rượu cho tướng giặc say mèm, rồi vung gươm quyết trả thù nhà đền nợ nước thì ai cũng cười hả hê vì tướng giặc bị chém chết, và biết tỏng tướng giặc (là ông Võ) thường ngày... không biết uống rượu, vậy mà giả say khéo thế. Khi hỏi vì sao đạt mức đóng tuồng say như thật, ông Võ mới cười hể hả: "Thì không biết uống rượu nhưng trước khi vô vai là tui giấu mẹ nó chạy ra quán nhắm mắt nhắm mũi uống chén rượu. Rứa là diễn say như thật”.

Tuồng Khương Hà cứ thế được người làng giữ gìn và biểu diễn với nhau trong các buổi lễ hội của làng. Làng, xã đều nghèo. Diễn viên tự góp tiền túi ra mua sắm trang phục, đạo cụ, hay nhặt nhạnh vật dụng rồi tự chế. Một chiếc cặp sách cũ chế ra mũ chánh tướng, vải áo màu tận dụng khâu thành yếm cô đào...

Người làng giúp đội tuồng bằng cách làm thêm việc đồng áng cho họ có thời gian tập tành, thưởng tiền trong các buổi diễn để đội tuồng mua sắm thêm trang phục. Lớp diễn viên tuồng mới của làng Khương Hà đã đảm đương được trọng trách giữ gìn nét truyền thống tuồng mà cha ông họ đã cất công lưu giữ.

Ông Đỗ Văn Tình,  Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, cho hay: “Tuồng Khương Hà tiếp tục được gìn giữ và phát triển trong đời sống xã hội ở địa phương hiện nay. Mới đây, đội tuồng đã tranh thủ tập hai trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” và “Đào Tam Xuân đệ cờ” để tham gia hội diễn “Tiếng trống sông Son” nhân Tuần lễ Văn hoá du lịch Quảng Bình và được đánh giá rất cao. Trong tuần tập luyện đó, tối nào bà con địa phương cũng đến xem đông nghịt, nhiều người còn mang nước chè xanh, cam chuối... đến cho các diễn viên luyện tập”.

Chị Phạm Thị Tuệ, sau đợt tập huấn ở Hà Nội về, nhanh chóng trở thành một diễn viên tuồng như chuyên nghiệp. Với vở diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội”, chị Tuệ (vai ông già cõng vợ) và các anh Phạm Hồng Lĩnh (vai cậu), Trần Văn Quý và Phạm Hồng Phấn (vai hầu) đã làm cho khán giả cười nghiêng ngả. Hay vở “Đào Tam Xuân đệ cờ” được thể hiện qua diễn xuất của các chị: Lê Thị Huề, Lý, Thị, Nữ... mà người xem cứ say như là xem diễn viên tuồng tận ngoài Trung ương thực thụ được chiếu trên ti vi.

"Bây giờ, mỗi lần đội tuồng Khương Hà tập duyệt vở là người xem đông nghìn nghịt. Không chỉ người thôn Khương Hà mà người trong xã cũng đến rất đông”, trưởng thôn Định cho hay. Người Khương Hà bây giờ phần lớn đều ít nhiều thuộc các tích tuồng cổ. Họ thường dạy cho nhau diễn nên hầu như ai cũng có thể làm diễn viên... đột xuất khi trên sân khấu có diễn viên chính bị sự cố không thể diễn tiếp được.

Đến bây giờ, đội tuồng làng Khương Hà đang được mọi người biết đến với những lần được mời diễn cho dự án du lịch cộng đồng tại xã Phúc Trạch hay phục vụ cho du khách nước ngoài và trong nước ở lại các nhà nghỉ của người dân trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. “Diễn để cho mọi người biết rằng có đội tuồng cổ từ làng Khương Hà chứ không có chuyện tiền nong ở đây mô", đội trưởng Phạm Ngọc Phấn bộc bạch.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất