| Hotline: 0983.970.780

Tường trình từ cửa khẩu

Thứ Sáu 16/05/2014 , 10:11 (GMT+7)

Cách đây gần 1 tháng, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) ở biên giới tỉnh Lạng Sơn hết sức sôi động. Những ngày đầu tháng 5 này, không khí có vẻ im ắng hơn.

Đang có mặt tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam và Hữu Nghị của tỉnh Lạng Sơn, PV NNVN đã có một vài ghi nhận...

Ông Chu Bá Toàn – Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết: Thời điểm vụ dưa hấu, anh em đơn vị căng mình làm việc suốt ngày đêm. Có ngày, Hải quan làm thủ tục XK hơn 300 xe tải với hàng ngàn tấn dưa hấu sang Trung Quốc. Số lượng đó cứ duy trì hơn chục ngày như vậy.

Trong khi đó, các mặt hàng như táo, lê, cam, quýt được nhập về Việt Nam với lưu lượng chỉ từ 50 – 70 xe mỗi ngày.

Cũng theo ông Toàn thì sau vụ dưa hấu, các hoạt động XNK vẫn diễn ra bình thường. Đến nay chưa có biến động nào. So với cùng kỳ năm ngoái, lưu lượng không tăng hay giảm. Còn so với thời điểm vụ dưa hấu thì có giảm đáng kể.

Các mặt hàng XK chủ lực hiện nay của ta vẫn là chuối, thanh long và một ít dưa hấu. Mặt hàng NK gồm táo, lê, cam, quýt. Kim ngạch XK chiếm tỷ trọng lớn hơn NK. Cụ thể, kim ngạch XK đạt 64,33 triệu USD, còn NK đạt 7,64 triệu USD.

Có mặt tại bãi tập kết xe chở hàng XK sang Trung Quốc trước cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi thấy lượng xe không nhiều như những lần trước. Bãi tập kết rất thoáng, không ùn ứ, không xe nọ nối đuôi xe kia rầm rập kéo vào bãi tập kết. Mọi hoạt động có vẻ im ắng hơn nhiều, kể cả khu vực làm thủ tục hải quan.

Trao đổi nhanh với anh Nguyễn Tiến Dũng – nhân viên thuộc Cty CP Đầu tư Thăng Long, đơn vị trực tiếp quản lý bãi đỗ xe, được anh cho biết: “So với tuần trước lượng xe chở hàng XK mấy ngày đầu tuần nay có giảm. Cụ thể, trung bình mỗi ngày của tuần trước có đến 200 xe chở hàng sang Trung Quốc thì mấy ngày qua, lượng xe đã giảm 40%”.

Khi được hỏi về lượng hàng hóa NK, anh Dũng cho hay, đơn vị không được giao quản lý bãi xe hàng NK nên không biết cụ thể. Song qua quan sát thực tế thì nhận thấy lượng xe hàng NK những ngày qua cũng không nhiều. “Có lẽ số lượng tiêu thụ trong dân có phần chững lại” – Dũng chia sẻ.

Vừa hoàn tất thủ tục hải quan và đang chờ lấy phiếu cho lái xe đưa hàng sang Trung Quốc, một chủ DN nói với chúng tôi rằng: “Hiện đơn vị đang tập trung nguồn hàng để hoàn tất các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Thời gian này chưa ký hợp đồng mới. Lượng hàng cung ứng có giảm so với mấy tuần trước”.

Tại cửa khẩu Cốc Nam, hơn 98% mặt hàng là XK và đều là hàng nông sản. Chỉ có một số ít rất nhỏ đồ gia dụng là hàng NK. Qua quan sát của chúng tôi, một lượng lớn hàng nông sản được tập kết ở đây đang chờ hoàn tất thủ tục để XK.

Theo ông Trần Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam, thời điểm này, mận là mặt hàng chiếm số lượng lớn nhất của Việt Nam được tập kết từ các tỉnh phía Bắc về đây XK. Cùng với mận, nhiều mặt hàng nông sản, hải sản với số lượng lớn thời gian qua cũng được XK sang Trung Quốc.

“Mấy ngày gần đây có hiện tượng tồn trên bãi 40 xe hàng các loại. Việc tồn này không kéo dài. Những lần như thế là do chưa thống nhất được giữa các thương lái và DN hai bên với nhau mà thôi. Tuy thế giá cả không có gì thay đổi” – ông Hùng cho biết.

Có một vài biến động về tình hình XNK ở biên giới Lạng Sơn chính là tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Nếu như tại cửa khẩu Cốc Nam, mỗi năm doanh thu thuế thực hiện được khoảng 40 tỷ đồng thì cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là khoảng 2.200 tỷ đồng. Con số đó cho thấy lượng hàng hóa qua lại ở cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị rất lớn.

15-12-20_phi-truoc-to-nh-hq-tn-thnh-khong-khi-im-ng-hn-bi-tp-ket-xe-hng-xk-ben-cnh-to-nh-thong-dng-hon
Phía trước tòa nhà Hải quan Tân Thanh, bãi tập kết xe hàng XK bên cạnh tòa nhà thoáng đãng hơn

Có mặt tại bàn giao dịch Hải quan Hữu Nghị, gặp anh Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng phòng NXK của Cty CP XNK máy Sao Việt (địa chỉ 461 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), anh cho biết: “Chúng tôi vẫn theo dõi sát sao các thông tin thời sự hàng ngày. Hiện Cty đang gấp rút giải quyết các hợp đồng đã được ký kết. Mọi giao dịch vẫn được thực hiện. Nếu có khách hàng thì chúng tôi vẫn tiếp tục
ký hợp đồng”. 

Tuy nhiên, hơn một tuần nay, các hoạt động XNK ở cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị có giảm đáng kể. Ông Nguyễn Quang Bách – Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: “Anh em lãnh đạo đơn vị liên tục nhận được điện thoại của các doanh nghiệp hỏi rằng có biến động gì ở khu vực cửa khẩu không? Liệu có xảy ra việc đóng hoặc dừng giao dịch tại cửa khẩu không?

Chúng tôi trả lời rằng, mọi hoạt động giao dịch XNK ở cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa được thông thương thuận lợi. Thế nhưng, lượng hàng hóa XNK trong 1 tuần qua có giảm”.

Hỏi về con số giảm cụ thể bao nhiêu thì ông Bách cho rằng, các bộ phận đang tập hợp để báo cáo nhưng khẳng định chắc chắn rằng có giảm về số lượng và số đầu xe. Vì công việc bây giờ không tất bật, sôi động như những tuần trước đó.

Theo ông Bách, các DN gọi điện thoại đến bày tỏ mong muốn mọi hoạt động XNK sẽ không có vấn đề gì bị tác động vì đó là cuộc sống của hàng triệu người lao động và người nông dân; là môi trường làm ăn của các DN. Thế nhưng những diễn biến căng thẳng trên biển Đông, có thể tác động gì chăng?

“Lý do DN chúng ta lo ngại là vì các hợp đồng ký kết với bạn hàng đều phải trả tiền trước hoặc đặt cọc với một lượng tiền lớn bạn hàng mới đồng ý chuyển hàng cho DN Việt Nam. Trong bối cảnh chung như thế, việc các DN lo ngại là điều không thể tránh khỏi, chúng ta hoàn toàn chia sẻ với các DN trong nước” – ông Bách nói.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm