| Hotline: 0983.970.780

Tuyên án phiên phúc thẩm "siêu lừa" Huyền Như: Làm rõ trách nhiệm lãnh đạo Vietinbank

Thứ Năm 08/01/2015 , 10:07 (GMT+7)

Sáng 7/1, phiên tòa phúc thẩm “siêu lừa” Huyền Như đã kết thúc với phần tuyên án. Theo đó, HĐXX đề nghị điều tra thêm tội “Tham ô” đối với bị cáo Huyền Như./ Huyền Như có thể nhận án tử

Đồng thời, kiến nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 nguyên Phó giám đốc Vietinbank là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc Vietinbank TP.HCM) và bà Vũ Hồng Hạnh (nguyên Giám đốc Cty Phương Đông).

Về số tiền 1.085 tỷ đồng của 5 Cty Toàn Cầu, Hưng Yên, An Lộc, Phương Đông và SBBS mở tài khoản tại ngân hàng Vietinbank, HĐXX nhận định là hợp pháp, đúng pháp luật, Vietinbank cũng đã hạch toán số tiền các doanh nghiệp này gửi vào. Huyền Như lợi dụng chức vụ, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của 5 Cty.

Trong hành vi này, Như có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Hợp đồng tiền gửi của các Cty là do Huyền Như làm giả. Tuy nhiên, hồ sơ của họ có chữ kí thật, con dấu thật… Vietinbank cũng đã xác nhận việc mở tài khoản của 5 doanh nghiệp này là hợp lệ, hợp pháp và có số tài khoản thật. Các doanh nghiệp cũng đã nhiều lần gửi tiền vào các tài khoản của mình. Như lập lệnh chi giả, đóng dấu giả sau đó chuyển hồ sơ giả cho nhân viên của mình.

Hành vi này có dấu hiệu của tội tham ô, do đó HĐXX đã quyết định hủy một phần án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho VKSNDTC và Bộ Công an điều tra làm rõ tội “Tham ô tài sản” với Huyền Như. 

Điều này đồng nghĩa Vietinbank là nguyên đơn dân sự, có trách nhiệm bồi thường số tiền 1.085 tỷ đồng cho 5 Cty nói trên. HĐXX cũng yêu cầu Vietinbank xem xét lại quy định trưởng phòng giao dịch có quyền ký giao dịch đến 50 tỷ nhưng không có cơ chế giám sát phù hợp.

Kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Vietinbank vì đã để xảy ra sai phạm kéo dài. Nếu kết quả điều tra cho thấy Huyền Như phạm tội tham ô thì cần làm rõ trách nhiệm hình sự của các cá nhân trong Vietinbank.

Tại phiên tòa, Huyền Như xin lại căn biệt thự trị giá 43 tỷ ở Quảng Nam cho mẹ ruột. Tuy nhiên, HĐXX nhận định, căn nhà này do Huyền Như thanh toán nên không có căn cứ xem xét yêu cầu của Huyền Như và kháng cáo của bà Lang, mẹ ruột Huyền Như.

Về việc bồi thường thiệt hại, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo của một số đơn vị, công ty, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Buộc Huyền Như phải trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của bà Giã Thị Mai Hiên, ông Phạm Anh Huấn và các ngân hàng Navibank, ACB, VIB; buộc một số bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính là Nguyễn Thiên Lý 1.296 tỷ, Nguyễn Thị Lành hơn 900 tỷ, Đào Thị Tuyết Dung 440 tỷ, Hùng Mỹ Phương 218 tỷ và Phạm Văn Trí 23 tỷ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hủy bỏ quy định về lãi suất vượt trần, hủy bỏ quy định về ủy thác đầu tư vốn vì những quy định này khi áp dụng dễ bị lạm dụng, biến tướng. 

Có 8 cá nhân có hành vi giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tiền của VIB và một số cá nhân khác cho Như vay với lãi suất cao hơn nhiều lần so với quy định bị HĐXX kiến nghị khởi tố. Đồng thời, kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có sai phạm tại ngân hàng Navibank.

Trong khi Huyền Như và một số cá nhân khác bị điều tra thêm tội thì một số cá nhân khác được HĐXX xét giảm án vì có những tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, phạm tội trong trường hợp bất khả kháng…

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất