| Hotline: 0983.970.780

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam sẽ chạm đỉnh năm 2016

Thứ Năm 12/02/2015 , 08:48 (GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP.

Tuy nhiên, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn đại biểu Quảng Trị) nêu ra tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng khẳng định, nợ công của quốc gia là vấn đề hệ trọng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Vì sao nợ công tăng nhanh?

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, từ bình quân 7%/năm giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015.

Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đề ra chủ trương giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng chi cho bảo đảm xã hội. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm tương ứng từ 24,8% xuống còn 21%.

Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn.

Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%.

Chi cho an sinh xã hội tăng khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10%/năm của thu, 12%/năm của chi ngân sách. Từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) với 6,3 triệu người được hưởng từ ngày 1/1/2015.

Do đó, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011 - 2015.

Thủ tướng cho biết, trước thực tế này, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, trên cơ sở bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước - chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý nợ công, quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Theo Nghị quyết của Quốc hội, trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP.

Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.

Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006 - 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng). Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu.

Theo Thủ tướng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.

Việt Nam đã có kế hoạch và trả nợ đầy đủ, đúng hạn

Mặt khác, do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần. Cùng với thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang vay trong nước, tỷ trọng vay trong nước tăng từ 40,3% tổng số nợ vay năm 2010 lên 54,5% năm 2014.

Nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm. Nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao (do chỉ số giá năm 2011 - 2012 tăng mạnh) dẫn đến áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%).

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Việt Nam còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.

Cụ thể, năm 2012, phát hành trái phiếu Chính phủ 144 nghìn tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân là 2,97 năm, lãi suất bình quân 9,8%/năm.

Năm 2013, phát hành gần 182 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn bình quân là 3,21 năm, lãi suất bình quân khoảng 7,79%/năm. Năm 2014, phát hành trên 330 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn bình quân là 4,85 năm, lãi suất bình quân là 6,62%/năm.

Ngày 7/11/2014, tiếp tục phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010) với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay, đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế.


Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng

Quản lý chặt, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công

Theo nhìn nhận của Thủ tướng, nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%).

Rất nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và nhiều công trình đang xây dựng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.

Tuy nhiên, cũng theo Thủ tướng, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao.

Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công...

Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ năm 2014 khoảng 25,9%, trong đó có 11,32% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng cơ hội vay ngoại tệ ngắn hạn, lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu.

Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm).

Dân trí

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất