| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú nơi biên viễn

Thứ Năm 18/04/2013 , 09:57 (GMT+7)

Những tỷ phủ chân đất thôn Na Lốc - Cốc Phương là những nông dân chính hiệu, họ chỉ quen uống rượu bằng bát, ngủ trên các nệm cỏ, không mấy người học hết cấp III, nhưng những gì họ đã làm khiến nhiều người phải kinh ngạc...

Những tỷ phủ chân đất thôn Na Lốc - Cốc Phương là những nông dân chính hiệu, họ chỉ quen uống rượu bằng bát, ngủ trên các nệm cỏ, không mấy người học hết cấp III, nhưng những gì họ đã làm khiến nhiều người phải kinh ngạc...

>> Nguyên lý miếng thịt trên cao
>> Nghị quyết lạ trên vùng cao Tủa Chùa
>> Để người miền núi có tiền

Những tỷ phú anh em nhà họ Thào

Đang vào mùa thu hoạch dứa, đường vào thôn Na Lốc - Cốc Phương (Mường Khương, Lào Cai) từng đoàn xe nối đuôi nhau chở đầy ắp dứa quả tươi khệ nệ vượt dốc. Thôn nằm sát biên giới Việt - Trung dọc theo dòng suối Na Lốc mới được hình thành từ năm 1989, bên kia dòng Na Lốc là đất Trung Quốc, từ bao đời nay dòng suối trở thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia. Trong số những người đầu tiên đến đây mở đất lập thôn có 3 anh em họ Thào từ Dìn Chin xuống, đó là Thào Minh, Thào Diu và Thào Dìn. Ba người anh em họ Thào này bây giờ đều là những tỷ phú chân đất.

Hút liền mấy điếu thuốc lào, ông Thào Minh mới chậm rãi kể: Nhà mình trước đây ở xã Dìn Chin nằm trên đầu nguồn sông Chảy, trên đó thiếu nước quá, nhất là vào mùa khô vợ con mình phải đi cả ngày mới cõng được can nước về dùng. Nước để làm ruộng cũng không đủ, năm nào mưa nhiều thì đủ nước cấy, năm nào mưa ít mất mùa thiếu đói quanh năm, mèn mén cũng không đủ ăn. Nhiều gia đình bỏ đất Dìn Chin sang Sơn La, Lai Châu rồi vào tận Tây Nguyên nơi có nhiều rừng để sinh sống. Năm 1989 ăn Tết xong mình đang chuẩn bị đưa vợ con di cư tự do thì gặp bác Hoàng Chúng, lúc đó bác đang là Chủ tịch huyện Mường Khương, bác bảo: Chúng mày đưa vợ con đi đâu xa cho khổ, đất Na Lốc - Cốc Phương còn nhiều, sao không về đấy mà ở. Người bên kia họ cũng ở như đất của mình, sao họ lại giàu có thế, chẳng lẽ mình lại không học họ làm giàu được à? Thế là mình cùng mấy anh em họ Thào đưa vợ con tới đây. Vùng đất này ngày xưa chưa có ai ở, nên người bên kia biên giới tràn sang bên này phát rừng làm nương, khi dân mình đến họ mới lui về bên kia suối Na Lốc.


Đồi dứa chín vàng thôn Na Lốc - Cốc Phương

Câu chuyện của ông trưởng tộc họ Thào thôn Na Lốc - Cốc Phương dài lắm. Khi đặt chân lên mảnh đất này bắt đầu từ chuyện phát rừng làm nương rẫy, nhưng chỉ trồng vài vụ lúa, vụ ngô đất trở nên hoang hóa, ngô lúa không mọc nổi, đói nghèo cứ quanh quẩn bên ông không thể nào rũ ra được. Phía bên kia dòng suối Na Lốc cũng đồi đất dốc như mình nhưng nương rẫy của những người Mông, người Nùng lại xanh rì chuối dứa, mùa thu hoạch tấp nập người tới thu hái, họ còn thuê bà con bên này sang làm giúp. Đêm nằm ông nghĩ: Cũng là người Mông sao họ làm được mà mình lại thua? Nghĩ vậy ông bàn với vợ bán bớt lợn, gà cùng với số tiền dành dụm được sang bên kia biên giới mua ba vạn chồi dứa và học cách trồng.

Năm đầu tiên trồng dứa chưa có kinh nghiệm trong thâm canh và sử dụng các chế phẩm sinh học nên dứa của gia đình ông chín không đều, quả không đẹp, khi bán cho các thương lái phía bên kia biên giới chỉ được 500 đ/kg, thu được trên 6.000 nhân dân tệ. Số tiền không lớn, nhưng ông được lãi mấy vạn chồi dứa con. Cứ thế, năm sau ông trồng thêm 6 vạn, rồi 8 vạn, 10 vạn... bây giờ thì gia đình ông Thào Minh đã có vài chục vạn gốc dứa Queen, thu vài trăm triệu đồng mỗi năm là điều chẳng khó khăn gì. Ông cười khà, nhả khói thuốc lào mù mịt: Ây dà, thằng cháu mình Thào Dìn đang là trưởng bản nó còn giỏi hơn mình đấy...

Tôi đi tìm Thào Dìn khó quá, mọi người bảo: Mùa thu hoạch dứa chẳng mấy khi gặp Thào Dìn ở nhà, từ sáng sớm nó đã lên đồi giúp người ta thu dứa rồi... Đúng như vậy, trưởng bản Thào Dìn đang có mặt ở khu vực thu mua dứa, rất nhiều khách hàng gọi điện thoại cho anh, người Trung Quốc có, người Việt Nam có, rồi người trong thôn hỏi giá bán bao nhiêu, thời gian nào thì đến lượt nhà họ bẻ dứa... Chuyện của trưởng thôn Thào Dìn tự nguyện sang bên kia biên giới làm thuê trồng dứa, trồng chuối mà chẳng lấy tiền công.


Trưởng thôn Thào Dìn

Thực ra Thào Dìn sang bên ấy học cách trồng, bón phân, phun thuốc kích thích... sau đó anh về áp dụng ở đồi dứa của nhà mình. Số tiền công anh xin đổi bằng phân bón và các chế phẩm sinh học để phun cho dứa chín đều, quả mọng. Bởi thế mà đồi dứa nhà anh chất lượng quả chẳng thua kém gì đồi dứa của người bên kia suối Na Lốc. Năm ấy, giá dứa nhà anh được thương lái trả chẳng kém mua của người Trung Quốc. Mọi người trong thôn học làm theo, họ sang bên kia biên giới mua phân bón và các chế phẩm sinh học phục vụ cho cây dứa. Để dứa chín rải đều trong thời gian thu hoạch Thào Dìn lên lịch cho các gia đình trong thôn trồng cách nhau 2 - 3 ngày, trồng lệch ngày như vậy để các gia đình thu hoạch đổi công cho nhau, dứa chín không dồn dập, thương lái không thể ép được giá.


Ô tô khắp nơi về thu mua dứa

Vụ dứa tháng 3 - 4 là vụ dứa trái vụ, các nhà máy chế biến trong nước và phía Trung Quốc đổ xô lên Mường Khương mua dứa, năm ngoái giá dứa rớt thảm hại, quả to từ 0,5 - 0,7 kg/quả cũng chỉ bán được với giá 2.100 - 2.200 đ/kg, có hôm chỉ bán được 1.800 đ/kg. Năm nay giá dứa đầu vụ cũng như cuối vụ đều bán được 5.500 đ/kg, còn bán cho thương lái phía Trung Quốc thì được 1,3 - 1,5 nhân dân tệ/kg. Với diện tích 700 ha dứa sẽ thu hoạch trong năm nay ước chừng 140.000 tấn, với giá 5.000 đ/kg thì nông dân thôn Na Lốc - Cốc Phương cầm chắc 70 - 72 tỷ tiền bán dứa. Thào Dìn cười vui: Vụ dứa này còn thu được đến cuối tháng 4, bà con trong thôn ai cũng vui vì dứa bán được giá. Nhà mình cũng thu được vài trăm triệu không đáng kể gì...

“Quái nhân” vùng dứa

Vàng Seo Dìn ở thôn Bãi Chuối là người đầu tiên xây nhà hai tầng và mua ô tô con để mỗi chủ nhật đưa vợ con lên thị trấn Mường Khương chơi chợ và ăn thắng cố. Dìn bảo: Mình sinh năm 1974, vợ mình là Sùng Thị Sừu hơn mình 2 tuổi, năm 1992 mình từ Pha Long xuống đây.


“Quái nhân” Vàng Seo Dìn

Cũng giống như anh Thào Dìn mình cũng sang bên Trung Quốc làm thuê, về nhà bắt chước họ trồng chuối. Mọi người ở đây trồng chuối nhiều hơn trồng dứa nên thôn mình có tên là thôn Bãi Chuối. Nhà mình trồng hơn 10 vạn gốc chuối, khoảng 8 vạn gốc dứa. Chuối chỉ bán cho người Trung Quốc, còn dứa thì người Trung Quốc mua và người Việt Nam cũng mua. Không nhớ mỗi năm thu mấy trăm triệu tiền đâu, có năm được 200 triệu có năm hơn 200 hay 300 triệu gì đó...


Đầy ắp niềm vui mùa thu hoạch dứa

Nhiều người lo cho anh và đặt câu hỏi: Sùng Vư có quá liều lĩnh đổ mấy chục tỷ để xây dựng nhà máy sơ chế dứa khi sản phẩm của mình chưa biết bán cho ai? Còn Sùng Vư thì đã tính toán kỹ rồi, nhiều nhà máy dứa của Việt Nam và Trung Quốc khi biết anh có ý định xây dựng nhà máy sơ chế dứa thì họ đã đăng ký tiêu thụ sản phẩm, có người còn ngỏ lời được góp vốn để cùng anh liên kết xây dựng nhà máy...

Có lẽ vì nhiều tiền quá Vàng Seo Dìn xây nhà hai tầng, còn thừa tiền mua ô tô hết 340 triệu. Dìn bảo: Mình biết lái chứ, lái đưa vợ con đi chơi chợ Mường Khương, Pha Long để ăn thắng cố, nó là con ngựa để cả nhà cùng cưỡi mà… Trong nhà Dìn không thiếu bất cứ vật dụng đắt tiền nào, từ ti vi, tủ lạnh, đến máy tính, máy Camera... Tôi hỏi Dìn mua máy tính và Camera để làm gì, Dìn cười: Để chơi thôi...

Trong thôn Na Lốc - Cốc Phương có một “quái nhân” Sùng Vư, anh chỉ ngoài ba mươi tuổi nhưng nổi tiếng trong việc làm ăn ở đây. Gia đình anh trồng cả chục vạn gốc dứa, sau vụ dứa anh ôm một bọc tiền lớn mấy chục vạn nhân dân tệ sang Trung Quốc mua phân bón và các chế phẩm sinh học phục vụ việc trồng dứa, chuối mang về sử dụng và bán lại cho bà con. Nhiều thương gia Trung Quốc nghĩ anh là đại gia Việt Nam, chứ không biết rằng anh chỉ là nông dân thôn Na Lốc - Cốc Phương.

Sau khi đến thăm một số nhà máy sản xuất dứa đóng hộp của Việt Nam và Trung Quốc, nhận thấy việc vận chuyển dứa quả tươi chi phí quá lớn, nên giá thu mua dứa thấp, từ đó Sùng Vư quyết định lập dự án thành lập công ty Phúc Tín, xây dựng nhà máy sơ chế dứa trị giá 50 tỷ đồng do anh làm giám đốc. Dự án xây dựng nhà máy sơ chế dứa quả tươi của Sùng Vư dự kiến đặt tại thôn Na Lốc 4. Hiện các ngành chức năng đang xem xét tính khả thi của dự án, nếu được phê duyệt thì cuối năm 2013 nhà máy sẽ được khởi công xây dựng.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.