| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú thanh long từ 5 triệu

Thứ Sáu 29/03/2013 , 09:31 (GMT+7)

Từ khi cây thanh long xuất hiện đã làm thay đổi bộ mặt nhiều làng quê nơi cực Nam dải đất miền Trung. Bây giờ, nông dân tỷ phú ở Bình Thuận không phải hiếm.

Từ khi cây thanh long xuất hiện đã làm thay đổi bộ mặt nhiều làng quê nơi cực Nam dải đất miền Trung. Bây giờ, nông dân tỷ phú ở Bình Thuận không phải hiếm.

Sau mấy năm mới có dịp quay trở lại xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, địa phương có diện tích thanh long lớn nhất huyện, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng. Những ngôi nhà cao tầng, thiết kế theo phong cách biệt thự mọc lên san sát hai bên đường vào trung tâm xã, đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa hết.

Anh Nguyễn Duy Vũ, Chủ tịch UBND xã Hàm Thạnh phấn khởi cho biết: Hơn 10 năm về trước đời sống của bà con nông dân xã chúng tôi chỉ nhìn vào cây lúa, bắp, sắn…, nghèo lắm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Nhưng khi cây thanh long xuất hiện, đặc biệt từ 2005 cây thanh long phát triển mạnh như luồng gió mát làm thay đổi toàn bộ diện mạo làng quê trong xã.

Theo anh Vỹ, diện tích cây thanh long trong xã đã đạt 1.560ha, nhờ thanh long, Hàm Thạnh chỉ còn 34 hộ nghèo/tổng số 1.700 hộ (dưới 3%), thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu những hộ có thu nhập cao từ thanh long, anh Vỹ nói ngay: Số hộ có thu nhập hàng năm từ 500 triệu – 1 tỷ đồng trong xã rất nhiều, người từ Hà Nội, TP.HCM… cũng đã về địa phương mua đất lập trang trại phát triển thanh long.

Chúng tôi ngược lên thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh, hỏi thăm gia đình anh Trần Ninh Hiệp, một tỷ phú trồng thanh long thì được người dân cho biết, ngôi nhà nào to nhất thôn mới xây xong, thiết kế theo kiểu biệt thự đó chính là nhà anh Hiệp.

Dẫn khách thăm trang trại thanh long rộng 8ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Hiệp kể: Trước đây gia đình tôi ở ngoài thị trấn Hàm Thuận Nam, năm 1989 sau khi hết nghĩa vụ quân sự, tôi đã đưa vợ con vào đây lập nghiệp. Hồi đó kinh tế gia đình khó khăn nên chỉ mua được 0,5ha đất để trồng bắp. Đến năm 1991, khi cây thanh long xuất hiện, tôi làm đơn vay vốn tại phòng giao dịch Ngân hàng NN-PTNT Hàm Thuận Nam, thời đó vay vốn còn khó khăn bởi mình không có tài sản thế chấp nên chỉ được vay 5 triệu và trồng được 47 trụ thanh long.


Nhờ thanh long, anh Hiệp đã trở thành tỷ phú

Tiếp năm sau đó thấy thanh long phát triển mạnh, giá bán lại cao anh Hiệp vay tiếp ngân hàng trồng thêm 100 trụ thanh long. Sau hai năm đầu tư chăm sóc, hồi hộp chờ đợi thành quả lao động và cây không phụ lòng người, những quả ngọt đầu tiên đã giúp gia đình anh Hiệp dần dần cải thiện đời sống, trả nợ ngân hàng.

Đến năm 1995, sau khi tích cóp được 15 triệu đồng và vay thêm ngân hàng 10 triệu đồng, anh Hiệp mua tiếp 2ha đất để phát triển thanh long. Tuy nhiên không còn vốn nên đến năm 1997 anh mới trồng được 2ha (2.000 trụ). Khi cây thanh long đã cho thu hoạch ổn định, năm 2000 anh Hiệp tiếp tục mua đất và trồng thêm 1ha thanh long nữa.

Thời gian này, 3ha thanh long của anh Hiệp đã áp dụng phương pháp dùng bóng điện chiếu sáng vào ban đêm kích thích ra quả trái vụ nên bán được giá cao, nhờ vậy mỗi năm anh Hiệp có lãi 300– 400 triệu đồng. Đến năm 2010, khi đã có vốn, anh tiếp tục đầu tư phát triển thêm 2ha thanh long hết 600 triệu đồng (tiền mua đất và trồng mới).

Không chỉ có vốn đầu tư, nhờ thanh long anh Hiệp còn xây được căn nhà trị giá 1,2 tỷ đồng và nuôi 3 đứa con đang theo học đại học ở TP.HCM. Anh Hiệp Kể: Khi trái thanh long của Bình Thuận xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các nước khó tính khác chúng tôi đã áp dụng trồng thanh long theo VietGAP, ban đầu cũng thấy khó chịu vì mọi công đoạn chăm sóc thu hoạch đều phải ghi chép đầy đủ, nhưng thấy lợi ích lâu dài nên chúng tôi làm cũng thành quen.

Do hiệu quả cao, những năm qua diện tích thanh long của Bình Thuận đã tăng đột biến, người dân phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, đến nay đã đạt trên 19.000ha, vượt 4.000ha theo quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2015. Trước tình hình này, Ngân hàng NN-PTNT Ninh Thuận đã có những điều chỉnh cho vay để phù hợp với chủ trương chung của tỉnh.

Không bằng lòng với những gì đã có, cuối năm 2011, cơ hội lại đến với anh Hiệp khi có một đại gia ở TP.HCM rao bán 3ha thanh long với giá 1,2 tỷ đồng (giá khá rẻ so với đầu tư mới). Do vốn không đủ, anh Hiệp vay thêm 600 triệu đồng của phòng giao dịch Ngân hàng NN-PTNT Hàm Mỹ để mua, nâng diện tích thanh long lên 8ha (8.000 trụ).

Theo anh Hiệp, thanh long là loại trái cây ăn tươi, mặc dù giá cả lên xuống thất thường nhưng trồng thanh long lãi vẫn rất cao. Mỗi 1 năm thanh long cho thu hoạch 4 lứa (2 chính vụ, 2 trái vụ), năng suất bình quân 1 trụ đạt 50kg/năm, giá bán bình quân cả năm từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Theo anh Hiệp, với 8ha thanh long cho thu hoạch ổn định, năm nay anh dự kiến thu khoảng 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,5 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Hai, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Thuận cho biết: Thanh long là loại cây trồng trọng điểm của tỉnh nhưng do suất đầu tư ban đầu rất lớn, khoảng 200 triệu đồng/ha (không kể tiền đất), do vậy những năm qua chúng tôi đặc biệt quan tâm giải ngân để người dân tiếp cận nguồn vốn phát triển loại cây trồng này. Hiện nay dư nợ của Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Thuận cho vay cây thanh long đã đạt 980 tỷ đồng/tổng dư nợ toàn tỉnh là 6.332 tỷ đồng.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.