| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú thành tay trắng

Thứ Năm 03/10/2013 , 09:58 (GMT+7)

Bão tan, những rừng cây cao su đang trong độ tuổi khai thác (người dân ví von như một thứ “vàng trắng”) tiêu điều. Những cây cao su sum suê cành lá bật gốc nằm bẹp, san sát. Những hàng cây bị bão phạt gãy ngang thân, nhựa trắng ứa ra chảy ròng ròng...

Bão tan, những rừng cây cao su đang trong độ tuổi khai thác (người dân ví von như một thứ “vàng trắng”) tiêu điều. Những cây cao su sum suê cành lá bật gốc nằm bẹp, san sát. Những hàng cây bị bão phạt gãy ngang thân, nhựa trắng ứa ra chảy ròng ròng quanh vết thương.

Bà Nguyễn Thị Huệ (thị trấn Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình), nói như nấc: “Cả 4 ha cao su của nhà tôi giờ chỉ còn lại mấy xe củi tươi mất rồi”.

Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh đi ngược ra phía huyện Bố Trạch là những rừng cao su khai thác nhựa chạy ngút ngàn qua những triền đồi thoai thoải. Vùng đất Bố Trạch được trời phú cho là thứ đất đỏ ba zan màu mỡ hợp với cao su nên mấy năm qua, diện tích cao su ở huyện này cứ tăng lên vùn vụt. Nhiều vùng quê nhờ cao su trở nên trù phú, thay da đổi thịt. Bây giờ, cả rừng cao su gục ngã, nhìn héo hắt.

Bên đường, hai bố con ông Nguyễn Quốc Tuân (thị trấn Việt Trung) đang hì hục cưa cắt mấy cây cao su đã bị gãy đổ bật hết rễ phơi lên trời. Cưa được chừng vài chục cây thì ông Tuấn bảo cậu con trai dừng tay.


Ông Nguyễn Quốc Tuấn: “Rừng cao su của tôi bị nhổ lên như thế này”

Ông đứng lên, lấy ống tay áo gạt lau mồ hôi trên mặt rồi chán nản: "Tiếc công, xót của thì làm vậy thôi chứ cứ ngồi cưa cọ thế này biết bao giờ mới dọn xong vườn cao su. Nhà tôi có tất thảy gần 9 ha đã cho thu hoạch mấy năm rồi. Mỗi năm, trừ chi phí công cán, phân cỏ thì còn lại cũng được mấy trăm triệu đồng. Bây giờ hơn 5 ha bị bão cắt sạch, số diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng gần đến phân nửa. Diện tích bị ảnh hưởng này cắt đi thì tiếc, mà để lại cũng chẳng bù được công sá”. Gần như những hộ dân ở ven đường Hồ Chí Minh đều có rừng cao su và cũng hầu hết bị thiệt hại nặng. Người nhiều tới vài chục, người ít cũng vài ba ha.

Chị Nguyễn Thị Huệ (Nông trường Việt Trung) đi hết gốc cây cao su này đến gốc cây cao su khác, lẩm bẩm: “Hết sạch rồi, mất thiệt rồi. Cả mấy trăm triệu đồng đổ vô đây chỉ còn được mấy xe củi”. Sát với diện tích cao su của chị Huệ là 4 ha cao su của ông Phạm Văn Đức. Ông thần người, tay cầm cây rựa cứ đưa lên hạ xuống chứ không nỡ chặt vào thân cây cao su dù nó đã đổ gãy lăn dưới đất.

Xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch) vốn trước đây là vùng nghèo khó nhất huyện. Đói ăn và khốn khó cứ đè lên người dân vùng gò đồi này. Vậy rồi, từ vài ha cao su trồng ven nhà, người dân Tây Trạch giúp nhau tạo vốn đầu tư vào cây “vàng trắng” để xác định đó là hướng làm giàu. Bây giờ, toàn xã có trên 1.200 ha cao su đã cho khai thác. Mỗi năm, Tây Trạch thu từ cao su trên trăm tỷ đồng. Đời sống người dân cứ thay đổi dần theo và Tây Trạch như một điểm sáng cho phát triển kinh tế, xây dựng bộ mặt NTM ở vùng miền tây Bố Trạch. Ông Nguyễn Hữu Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tây Trạch buồn bã: “Thống kê sơ bộ thì cao su Tây Trạch đã bị gãy đổ, ảnh hưởng từ 80% trở lên là hơn 1.000 ha. Chỉ tính thiệt hại trước mắt là mỗi năm dân xã chúng tôi mất đứt cả trăm tỷ đồng. Nếu khắc phục để trồng lại cũng phải gần chục năm nữa”.

Nhà chị Lê Thị Ngọc (xã Tây Trạch) có hơn 7 ha cao su. Rừng cao su của chị xanh tốt vượt lên, nhìn thấy mát cả mắt. Hai vợ chồng còn quây lưới thả gà, ngan dưới tán cao su để tăng thêm thu nhập. Bão lướt qua, xoáy lại, từng hàng cây cao su gãy gục, bị nhổ gốc ngược lên. Từ sáng đến chiều, chị Ngọc cứ xoa tay vào thân cây cao su mà khóc mãi không thôi. Vốn liếng, hy vọng của hai vợ chồng dốc hết cả vào đây. Rừng cao su mới được cạo mủ được 3 năm nay, thu nhập cũng kha khá. Nợ nần chưa trả hết nhưng cũng chỉ gắng thêm vài năm nữa là nhẹ gánh và sau đó là kiếm dành dụm cũng được vài trăm triệu đồng mỗi năm. “Bây giờ chỉ còn lại cơn đau tiếc, của đã nhìn thấy mà chẳng được ăn”, chị Ngọc nấc lên.


Chị Ngọc: “Bây chừ thì đã trắng tay”

Ông Trần Viết Lượng (thị trấn Việt Trung) được bình chọn là một trong những 64 nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2013. Ông có trang trại 25 ha (trong đó có 20 ha cao su; còn lại là tiêu và cây trồng khác) và một nhà máy chế biến mủ cao su. Mỗi năm thu từ 22 - 25 tỷ đồng. Cơn bão đã làm công sức của ông và người thân sau hơn 10 năm gây dựng trở lại vạch xuất phát!

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.