| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ mới vào cánh đồng lớn

Thứ Sáu 24/02/2017 , 14:05 (GMT+7)

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng diện tích thực hiện mô hình cánh đồng lớn (CĐL) cùng các mô hình liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh An Giang không ngừng tăng lên. 

Bên cạnh tăng cường tính ràng buộc của hợp đồng liên kết, doanh nghiệp và nông dân còn chú trọng ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
 

Liên kết tạo bền vững

Sau khi UBND tỉnh An Giang ban hành hợp đồng mẫu trong liên kết sản xuất nông nghiệp, việc tuân thủ hợp đồng được thực hiện tốt hơn, hạn chế đáng kể tính trạng nông dân hoặc doanh nghiệp tự ý phá vỡ hợp đồng như những năm trước đây. Việc tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL kích thích DN tham gia liên kết.

10-00-51_nh-ung-dung-cnc-trong-nuoi-heo-o-n-ging
Trang trại nuôi heo theo hướng công nghệ cao của Cty Hoàng Vĩnh Gia tại huyện Tri Tôn, An Giang
 

Năm 2016, đã có 20 DN thực hiện hợp đồng với nông dân thông qua 14 hợp tác xã nông nghiệp, 21 tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích 48.764ha. Có 18 DN thu mua 36.220ha, sản lượng 307.213 tấn, đạt 74,28% diện tích hợp đồng. Nhìn chung, chương trình CĐL được triển khai mạnh mẽ, nông dân ủng hộ, chính quyền địa phương tích cực thực hiện.

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, cùng với cây lúa, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu cũng được đẩy mạnh. Tại huyện Châu Phú, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu bắp Nhật được nâng lên 44,85ha năm 2016.

Trong đó, Cty Phát triển kinh tế Duyên Hải (tập đoàn SaTra) thu mua 28,85ha, Cty Thủy sản Bạc Liêu thu mua 16ha, tổng sản lượng thu hoạch gần 524 tấn. Đối với dưa lưới, nhờ sử dụng nhà màng nên sản xuất được 3 vụ/năm, năng suất bình quân từ 3 - 3,5 tấn/1.000m2/vụ. Tất cả sản phẩm đều được Cty Vuông Tròn (TP.HCM) ký hợp đồng tiêu thụ với giá 30.000 đồng/kg. Tính ra, nông dân tham gia chuỗi liên kết đạt lợi nhuận mỗi vụ từ 50 - 60 triệu đồng/1.000m2, gấp 20 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Năm qua, Cty TNHH Phan Nam tiếp tục xúc tiến hỗ trợ liên kết và tiêu thụ các sản phẩm an toàn thông qua hệ thống cửa hàng nông sản an toàn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công ty đã mở được 4 cửa hàng nông sản an toàn ở Long Xuyên, Phú Tân, Tân Châu và Thoại Sơn, 1 cửa hàng chuẩn bị mở ở Châu Thành.

Ngoài ra, còn có các điểm bán ở chợ, khu dân cư, kết nối vào nhà hàng, quán ăn, trường học… Đối với những hộ liên kết trồng đậu nành rau với Cty CP Rau quả thực phẩm An Giang, lợi nhuận đạt ổn định từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Năm 2016, công ty nâng diện tích hợp đồng lên 150,8ha, tăng 24,58ha so năm 2015.
 

Chú trọng công nghệ

Đây là vấn đề được nhiều DN quan tâm. Tại huyện Tri Tôn, Cty TNHH Dich vụ - Thương mại - XNK Hoàng Vĩnh Gia đã liên kết với Cty Cổ phần CP (Thái Lan) thả nuôi 6.000 con heo theo hướng công nghệ cao và đã xuất chuồng.

Trong khi đó, Cty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao An Khang cũng đang đầu tư xây dựng 4 trại nuôi heo với công suất thiết kế 9.600 con. Đối với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối cấy mô, Cty SD đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Cty Cổ phần đầu tư Chuối Việt, triển khai trước mắt 160ha, dự kiến sắp tới sẽ tăng lên 600ha.

Đối với ngành hàng lúa gạo, nhiều tiến bộ KH-KT đã được nông dân và DN áp dụng rộng rãi như: Sử dụng máy cấy lúa, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, nấm xanh, công nghệ sinh thái, công nghệ sau thu hoạch… góp phần giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng và nâng cao thu nhập nông dân.

Đối với rau màu, nhiều công nghệ mới cũng được áp dụng như: Sản xuất dưa lưới trong nhà màng bằng hệ thống tưới nhỏ gọt, ươm giống cây con trong nhà màng bằng phương pháp cải tiến dụng cụ ép giá thể và nhổ cây giống từ vỉ ươm cây con… đã góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả trong sản xuất.

Đối với cá tra, việc triển khai dự án nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tác động khâu quản lý thức ăn nhằm giảm hệ số chuyển hoá thức ăn trong nuôi cá tra thương phẩm (dự án Supa) giúp giảm giá thành sản xuất cá tra. Dự kiến, mô hình này sẽ được tổ chức tập huấn nhân rộng, ứng dụng cho các cơ sở, vùng nuôi cá tra, vùng quy hoạch sản xuất ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2018.

An Giang đang hợp tác với Tập đoàn Tiran (Israel) để sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực trên cơ sở nhập đàn tôm cái giả từ Israel về An Giang và tổ chức sản xuất giống tại trại Bình Thạnh cơ sở 1. Tôm càng xanh toàn đực cho năng suất cao, kích cỡ khi thu hoạch đều và to (trung bình 20 con/kg, trong khi sử dụng con giống thường chỉ đạt 40 con/kg). Mô hình này giúp tăng lợi nhuận từ 30 - 50% so với nuôi truyền thống.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.