| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó biến đổi khí hậu- mô hình Kiên Giang

Thứ Tư 08/06/2011 , 10:54 (GMT+7)

Dự án bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu do 2 tổ chức Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế CHLB Đức và AusAID tài trợ đã kết thúc giai đoạn 1.

Một góc rừng tràm tái sinh tại VQG U Minh Thượng
“Biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo tồn hệ sinh thái ven biển: Các giải pháp thực tiễn từ Kiên Giang” là chủ đề cuộc hội thảo mới đây do Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế CHLB Đức, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc gia Australia (AusAID) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Dự án bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu do 2 tổ chức nêu trên tài trợ đã kết thúc giai đoạn 1. Ông Lương Thanh Hải, GĐ Sở Khoa học-Công nghệ Kiên Giang đánh giá, dự án đã áp dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật mới về trồng rừng ngập mặn chống xói lở, quản lý đất sinh học. Đặc biệt mô hình trình diễn trồng cây ngập mặn tại Vàm Rầy (Kiên Giang) được các nhà khoa học trong và ngoài nước công nhận là giải pháp tối ưu nhất. Chương trình quản lý nước cũng được áp dụng tại VQG U Minh Thượng từ tháng 11/2009 làm đa dạng sinh học quần thể chim ở vườn tăng 15%.

“Chúng tôi cũng thực hiện mô hình quản lý vùng bờ biển như nhân giống và trồng 9 loài cây ngập mặn khác nhau ở khu vực xói lở cao. Có đến 50% diện tích rừng trồng ven biển trong tỉnh trước đây không thành công, từ khi áp dụng kỹ thuật do dự án xây dựng đã giúp nâng cao tỷ lệ cây sống sau trồng rừng lên đến 100%”- ông Hải khẳng định.

Ngoài ra dự án còn triển khai chương trình sinh kế như áp dụng hệ thống canh tác nông nghiệp rau màu, lúa tổng hợp giúp người dân tăng thu nhập gấp đôi so với trước kia. Nhiều hộ dân đã tăng thu nhập lên 40% từ mô hình nuôi cá sặc rằn dưới tán rừng tràm và nuôi sò huyết. Chương trình đã giúp tăng tỷ lệ nhận thức về môi trường ở địa phương từ 3% trong năm 2008, lên 77% vào năm 2011.

Bà Tư Ánh ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất cho biết, năm 2007 khoảng 1 km đê biển ở đây bị vỡ do dòng chảy thay đổi, sóng đánh bạt từng khoanh rừng ngập mặn, cuốn trôi cả phù sa lẫn cây mọc tự nhiên. Sau khi mất đê, đất đai bị nhiễm mặn khiến gia đình bà và các hộ xung quanh không thể canh tác được. “Gia đình tôi và 13 hộ khác đã tham gia dự án triển khai trồng rừng ngập mặn, được trả tiền công 100 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên cái được lâu dài là việc nâng cao nhận thức gìn giữ và bảo vệ rừng, giảm thiểu nguy cơ từ BĐKH".

Ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á bao gồm VQG U Minh Thượng, VQG Phú Quốc, rừng phòng hộ ven biển An Minh- An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Hải. VQG U Minh Thượng là khu vực đầm lầy trên than bùn còn sót lại của Việt Nam. VQG Phú Quốc có rừng cây họ dầu, rừng tràm và rừng ngập mặn, các thảm thực vật biển và rạn san hô quý.

Theo ông Nam, Kiên Giang có 200 km bờ biển với các rừng ngập mặn phong phú. Vành đai rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của mực nước dâng do BĐKH. Đây cũng là tỉnh bị ảnh hưởng lớn của BĐKH và nước biển dâng.  Ảnh hưởng thiên tai đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của cộng đồng dân cư ven biển.

Năm 2008, UBND tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với tổ chức Tổ chức Phát triển quốc tế Đức GTZ (nay là GIZ) triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang” với nguồn kinh phí 1,64 triệu euro do Chính phủ Úc tài trợ. Sau gần 3 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng kể như đánh giá hiện trạng bờ biển và rừng ngập mặn để xác định xói lở, mất rừng ngập mặn, thực hiện mô hình phục hồi rừng ngập mặn…

“Qua thực tiễn nhiều năm khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ, sạt lở và những kinh nghiệm quý báu rút ra từ dự án bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là cơ sở để Chính phủ Úc và Đức quyết định mở rộng thành Chương trình BĐKH với nguồn kinh phí tài trợ trong giai đoạn tới (kéo dài 5 năm) cao gấp hơn 20 lần so với giai đoạn đầu”- ông Nam nói.

Ông Michael Wilson, Tham tán công sứ Australia tại Việt Nam nhận định, Việt Nam được Uỷ ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) xác định là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Đặc biệt ĐBSCL là nơi có mật độ dân số cao nằm trong khu vực trũng bị đe doạ bởi nước biển dâng, cũng như việc gia tăng tần suất và cường độ các thảm hoạ thiên nhiên như gió, bão, lũ lụt.

Ông Michael Wilson mong muốn từ những mô hình ứng phó BĐKH ở Kiên Giang sẽ được Chính phủ Việt Nam thực hiện nhân rộng ra các tỉnh khác ở khu vực ĐBSCL, nơi chịu ảnh hưởng BĐKH nặng nề nhất.

“ĐBSCL là vựa lúa và thuỷ sản nhưng đang phải chịu áp lực từ sự gia tăng dân số, chất lượng nước đang bị xấu đi vì mực nước ngầm đang giảm dần do việc sử dụng quá mức. Chương trình BĐKH và các hệ sinh thái ven biển (CCCEP) do Chính phủ Australia tài trợ, uỷ thác cho tổ chức GIZ thực hiện sẽ triển khai tại Việt Nam từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2016. Chính phủ Úc sẽ đóng góp 24,3 triệu USD vào chương trình này. Chương trình CCCEP sẽ được thực thi bởi Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhằm hỗ trợ Bộ NN-PTNT xây dựng chính sách ở cấp quốc gia, và triển khai các mô hình trồng tái sinh rừng, phòng hộ đê biển tại 5 tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu”, ông Michael Wilson khẳng định.

Bà Birgit Fisel Roesle, Tổng lãnh sự sứ quán Đức tại TP HCM cho biết, ngoài khoản tài trợ của nước Australia cho chương trình này, Chính phủ Đức cam kết tài trợ 14,1 triệu USD cho hợp tác kỹ thuật. Ngoài ra, Đức cũng cam kết tài trợ 25,3 triệu USD vào hợp tác tài chính cho chương trình phục hồi đê biển thông qua Ngân hàng tái thiết Đức (KFW).

Ông Juegen Hess, Giám đốc CCCEP cho biết, chương trình sẽ cung cấp các giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết một loạt các nguy cơ về môi trường đang đe doạ các hệ sinh thái ven biển. Các tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch thích ứng với BĐKH gồm phục hồi rừng ngập mặn và biện pháp bảo vệ rừng ven biển, tạo sinh kế mới cho người dân sống phụ thuộc vào rừng ven biển, giới thiệu mô hình canh tác nông nghiệp thay thế và xây dựng và quản lý đê biển…

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm