| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó tình địch giấu mặt

Chủ Nhật 30/04/2017 , 15:30 (GMT+7)

Trong chuyện tình cảm của người phụ nữ, có những tình huống gây trở lực cho mối tình. Có thể đó là mối tình một chiều, hoặc phải rất gay go vất vả mới chinh phục được trái tim của chàng trai mình yêu, hoặc trở lực đến từ phía gia đình của anh ấy.

Ở phương diện sau này, có không ít những hình thức ngăn trở, chẳng hạn như bà mẹ của anh ấy, hoặc chị hay em gái anh ấy, theo lối người ta vẫn nói là “bà cô bên chồng”, mối nguy này thật là đa dạng đồng thời gây không ít nỗi ngán ngẩm cho các cô nào lỡ yêu phải một chàng trai có cả chị lẫn em gái, người nào cũng có tính xét nét ưa bắt bẻ, bới lông tìm vết, thử hỏi làm sao có thể chịu đựng hoặc vượt qua được? Nhưng trong trường hợp ở đây, lại là một mối nguy khác, đó là kẻ tình địch, hơn nữa lại là kẻ giấu mặt, công hề công khai chống phá cô gái, do đó lại càng hiểm độc hơn.

Vả lại, nào chỉ có một tình địch không mà thôi. Nói chung, chuyện đời vốn không thiếu những tình huống trắc trở, và tình huống nào trên đời này cũng đều xảy ra được. Ai có qua cầu mới hay. Đó là câu chuyện của Yến. Cô là một cô giáo mầm non. Ở trường, Yến được tiếng là giáo viên cần mẫn, yêu trẻ hết mực và rất yêu nghề của mình.

Tâm là một bà mẹ đơn thân. Cô đã ly dị chồng không bao lâu sau khi sinh bé Loan. Thường ngày Tâm thường đến đón bé Loan sau giờ học tại trường của cô giáo Yến. Nhưng thấy chị bận bịu nuôi con lại vừa đi học thêm, nên Tuấn - em trai Tâm thường thay chị đưa đón cháu đi học. Cũng chính vì thế mà vẻ hiền dịu, sự siêng năng, ưu ái dành cho các cô cậu nhỏ của Yến đã dần dần chiếm nhiều cảm tình của Tuấn.

Và rồi anh đã nảy sinh tình cảm sâu đậm dành cho cô giáo Yến mà bản thân anh cũng không ngờ tới. Sau một thời gian tìm cách làm quen, trò chuyện, đến thăm nhà cô giáo. Tuấn đã không che giấu được tình cảm của mình đối với Yến. Gần một năm sau đó, trước những theo đuổi, quan tâm chăm sóc và tìm hiểu lẫn nhau. Yến nhận thấy cô cũng dành nhiều cảm tình cho Tuấn và đáp lại mối tình của anh.

Lại thêm nửa năm quan hệ nữa, cuối cùng họ đã tính đến chuyện thành hôn với nhau. Nhà ba má Tuấn ở miền Tây, anh đưa người yêu về ra mắt song thân. Cha mẹ Yến mất sớm. Cô ở chung nhà với bác ruột, ngoài gia đình bà bác ra, cô cũng không còn ai là thân thích. Vì thế, Yến đã sớm xem ba má của Tuấn như cha mẹ ruột của mình, như một hình thức để khỏa lấp nỗi niềm mồ côi từ thuở bé của cô.

Gia đình Tuấn và cả em gái Tuấn ở dưới tỉnh, mọi người đều mở rộng vòng tay với Yến. Kể cả Hoa, cô bạn gái của Thúy - em gái Tuấn, cũng trở thành một trong những khuôn mặt thân quen chào đón Yến mỗi lần cô theo Tuấn về thăm nhà và dùng chung những bữa cơm gia đình. Nói chuyện bếp núc, Tuấn vẫn thường khoe tài nghệ nấu ăn của Yến với gia đình. Một hôm nhà Tuấn có giỗ, theo đề nghị của cả nhà, hôm ấy Yến đứng ra đảm nhiệm làm bếp thết đãi mọi người.

Thật là trời không chiều lòng người. Trong khi Yến rất tự tin về khả năng nấu tiệc của mình, thì sự kiện cỗ bàn ngày hôm ấy lại là một biến cố đại thất bại. Chỉ có thể tóm tắt một câu: “Món nào mặn thì mặn quá, món nào ngọt thì ngọt quá”. Dù nhà trai đã tế nhị, không chê, nhưng mọi người ít nhiều cũng phải nhăn mặt mỗi khi nếm thử. Thật là một thảm họa nấu ăn.

Yến đã khóc thật nhiều mỗi khi nhớ lại kỷ niệm không may đó. Suy đi ngẫm lại, cô hiểu rằng bản thân cô quyết không bao giờ có chuyện đáng tiếc đó xảy ra. Hẳn phải có một tác nhân khách quan nào đó. Một tháng sau, Yến khẩn khoản Tuấn và gia đình cho cô được có cơ hội làm lại một bữa tiệc tương tự. Lấy lý do là kỷ niệm ngày hai người quen nhau. Tuấn nể lời người yêu và đồng ý, anh chỉ khéo léo dặn dò cô nên cẩn thận mới được. Yến tự xuất tài chính và trổ tài vào bếp lần nữa.

Duy lần này khác với lần trước, Yến không để một ai khác đứng phụ bếp, nhưng vì có Hoa nhiệt tình muốn giúp cô một tay nên cuối cùng Yến cũng chiều ý. Nấu bếp xong, Yến cẩn thận nêm nếm vừa vặn từng món một. Lại có Tuấn theo sát bên giúp đỡ cho cô. Đến giai đoạn bê các món ăn lên bốn bàn tiệc. Trong lúc đi tới đi lui coi các công việc, Yến vẫn rất cảnh giác, không rời khỏi nhà bếp lúc nào. Thế rồi có một lần, khi Thúy gọi cô lên nhà trên vì có ông bác của Tuấn muốn gặp Yến, cô bèn kín đáo nhờ Tuấn “canh chừng” hộ nhà bếp, cô vẫn cảm thấy không an lòng chút nào.

Đang thưa chuyện với ông bác, Yến chợt cảm thấy lo lắng kinh khủng, cô đột ngột xin phép xuống bếp với lý do: “Cháu sợ nồi lẩu sôi cạn hết nước”. Chạy vội xuống bếp cũng là lúc cô và Tuấn bắt gặp Hoa đang lén lút vội vàng trút cả hũ muối vào nồi nước nấu lẩu của Yến. Bị bắt quả tang, Hoa sượng sùng bối rối và quay ngoắt bỏ đi mất tăm. Vậy đã rõ ai là thủ phạm phá đám.

May mà Yến xoay xở cứu được nồi lẩu không bị mặn chát vì Hoa. Về sau căn cứ trên những dò hỏi và điều tra, mọi người mới biết chính Hoa cũng là người đã gây ra sự cố ở lần tiệc tùng kỳ trước. Hơn nữa, Tuấn còn phát hiện ra kẻ “nối giáo cho giặc” lại chính là Thúy, em gái của anh.

Đầu đuôi xuất phát từ mối tình Hoa đã thương thầm Tuấn từ lâu, Thúy cũng là người tán thành chuyện tương lai nếu Hoa được thành hôn với anh trai của cô. Phá hỏng vụ nấu bếp của Yến là một cách để triệt hạ uy tín của Yến với gia đình Tuấn vẫn ưu ái dành cho Yến. Nếu Yến không cảnh giác và có sự trợ giúp của Tuấn, có thể cuộc hôn nhân trong tương lai của họ sẽ còn gặp không ít những trắc trở bất ngờ.

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?