| Hotline: 0983.970.780

Ứng xử ra sao với vacxin CGC

Thứ Tư 29/02/2012 , 09:50 (GMT+7)

Trong khi chờ vacxin để triển khai chống dịch, thì đang có nhiều luồng quan điểm khác nhau xung quanh việc sử dụng vacxin CGC hiện nay.

Việt Nam đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong việc sử dụng vacxin CGC

Sau một năm tạm ngừng, BCĐ Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) đã quyết định nhập gấp vacxin CGC để phòng chống dịch khẩn cấp cho các tỉnh phía Bắc. Trong khi chờ vacxin để triển khai chống dịch, thì đang có nhiều luồng quan điểm khác nhau xung quanh việc sử dụng vacxin CGC hiện nay. 

Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của TS Bùi Quang Anh – nguyên Cục trưởng Cục Thú y về việc nên hay không nên, nên sử dụng và “ứng xử” với vấn đề vacxin CGC như thế nào? 

Việt Nam đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”  

Lật lại lịch sử về tình hình dịch CGC ở nước ta, những năm 2003 – 2005, Việt Nam từng là một tâm mà thế giới lo ngại về sự lây lan virus CGC sang người thành một đại dịch. Lúc đó, nhiều quốc gia cũng như các tổ chức thế giới đều khuyến cáo không ưu tiên sử dụng vacxin trong phòng chống dịch, bởi sợ virus CGC lây sang người, việc phụ thuộc vào vacxin sẽ làm tăng nguy cơ biến chủng virus theo hướng nguy hiểm hơn. Vì vậy trong các giải pháp phòng chống dịch, thì việc chẩn đoán và giám sát sự lưu hành của virus là một trong những giải pháp hàng đầu, còn việc sử dụng vacxin chỉ là giải pháp cuối cùng…

Về nguyên tắc của việc tiêm phòng, Dự án GETS (Thu thập bằng chứng cho việc chuyển đổi chiến lược tiêm phòng cúm gia cầm độc lực cao H5N1 ở Việt Nam) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cũng đã nói rất rõ: Một là việc tiêm phòng phải có trọng điểm; hai là phải ưu tiên duy trì tiêm cho vịt, bỏ dần cho gà; ba là phải có hệ thống giám sát dịch tễ liên tục theo định kỳ một cách liên tục và bài bản. Cụ thể thì sau tiêm phòng, chỉ nơi nào đó giám sát 3 lần liên tục mà không còn virus lưu hành thì mới không cần phải phải tiêm phòng nữa… Theo tinh thần và những chiến lược đối phó với dịch CGC đó, thì tiêm phòng vẫn chỉ là một giải pháp, còn các giải pháp đồng bộ khác phải được duy trì thường xuyên.

Những năm 2003 – 2005, chúng ta đã thực hiện các biện pháp đồng bộ rất tốt. Việc giám sát virus được triển khai có hệ thống từ TƯ tới địa phương, bên cạnh đó việc quy hoạch lại chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia cầm, vệ sinh tiêu độc, kiểm soát chợ giết mổ buôn bán gia cầm tập trung…, chúng ta đã triển khai rất rầm rộ. Và tới cuối năm 2006 thì dịch CGC đã được chặn đứng. Lúc đó, theo kế hoạch chúng ta đã đặt mục tiêu tới năm 2008, sẽ kiểm soát và dừng hẳn dịch CGC, và tới năm 2010 thì thanh toán hoàn toàn dịch và sẽ không tiêm phòng vacxin CGC nữa. Thực tế là tới năm 2008, chúng ta cũng đã rút xuống số tỉnh còn phải tiêm phòng là 38 tỉnh mà thôi.

Thế nhưng vấn đề là sau đó, các biện pháp giám sát dịch tễ và an toàn sinh học mang tính đồng bộ đã bị nhãng ra, không thực thi được và bỏ dở. Đến nay, kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam có thể nói đang bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi chủ trương là phải dần rút khỏi tiêm vacxin, nhưng chúng ta không thể dừng được, bởi dừng thì dịch sẽ quay trở ngay. Mà bằng chứng là cứ 2 năm thì dịch lại quay trở lại. Và chỉ khi dịch bùng lên thì mới hô hào chống dịch, còn hết thì lại thôi. 

“Không thể lúc nào thích tiêm là tiêm” 

“Vừa qua, các địa phương hùa nhau xin vacxin. Nếu cứ mãi thế thì họ ỉ vào đó, không triển khai giải pháp lâu dài, đồng bộ để kiểm soát dịch nữa. Bởi lúc bình thường thì tỉnh nào cũng không làm gì, lúc dịch thì tỉnh nào cũng kêu hỗ trợ, đòi xin vacxin là sao? Hơn nữa vacxin cũng không phải thích tiêm thì tiêm, tỉnh nào có tiền thì cứ bỏ ra mua về tiêm được, mà việc đó Cục Thú y, hay BCĐ quốc gia phải xác định và yêu cầu một cách rõ ràng, dứt khoát rằng tỉnh nào phải tiêm, tiêm loại gì, tiêm lúc nào? Chứ nếu ta cứ đối phó với dịch lởn vởn, quyết định lơ mơ theo kiểu hôm nay tiêm, ngày mai không tiêm, thì chẳng khác gì chọc tức virus, để nó bùng lên thêm”.

Ông Bùi Quang Anh – nguyên Cục trưởng Cục Thú y

Về việc sử dụng vacxin, mặc dù chủ trương phải giảm dần, nhưng giảm ở đây là giảm dần từng vùng, vùng nào nguy cơ dịch nghiêm trọng thì vẫn phải tiêm phòng. Chẳng hạn ở miền Bắc, đối với đàn vịt thì vẫn phải tiêm phòng. Vấn đề ở đây là muốn tiêm phòng hiệu quả và chính xác, thì cơ quan Thú y phải có điều tra dịch tễ bài bản và tỉ mỉ về thực trạng lưu hành virus, xem địa phương nào biến đổi hay chưa biến đổi, cần tiêm loại vacxin gì...? Nhưng trên thực tế, ngành Thú y tới nay lại không làm được việc này.

Năm 2011, đùng một cái chúng ta quyết định ngừng tiêm phòng trên toàn miền Bắc, như thế là không ổn. Bởi mặc dù Cục Thú y nói virus CGC ở miền Bắc biến đổi, vacxin không có hiệu quả bảo hộ, nhưng lại không xác định được cụ thể là virus biến đổi ở đâu, mà chỉ dựa vào một số mẫu xét nghiệm mang tính chất chung chung. Chỉ với một số mẫu xét nghiệm đó, mà lấy làm căn cứ để quyết định dừng tiêm phòng trên một diện rộng của toàn miền Bắc là hết sức lơ mơ và rất nguy hiểm. Bởi quyết định tiêm hay dừng cần phải có điều tra bài bản chi tiết tới từng địa phương. Cả miền Bắc có hàng mấy chục tỉnh, sẽ có những địa phương virus chưa biến đổi, vacxin vẫn còn hiệu lực và vẫn phải tiêm. Việc giám sát virus đó, cơ quan Thú y phải chỉ rõ địa phương nào cần dừng tiêm, dừng ở đâu và địa phương nào cần tiếp tục tiêm, tiêm vacxin gì.

Tóm lại, trong tình thế dịch bùng lên hiện nay, thì vẫn phải có vacxin để tiêm phòng chống dịch. Nhưng việc quyết định tiêm vacxin hay không lại là phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả giám sát lưu hành virus. Điều quan trọng này, ngành Thú y vẫn chưa làm được.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.