| Hotline: 0983.970.780

Ước ao đời người

Thứ Hai 23/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hai phần ba đời người, chừng ấy thời gian để một người gốc Nam Định vào Sài Gòn rồi du học - sinh sống tại Hoa Kỳ hơn nửa thế kỷ, thay đổi đến chừng nào?

1. Năm 1964 một tổ chức giáo dục ở Hoa kỳ sáng lập ra School year abroad (Niên học ở nước ngoài - SYA) và các khóa học lần lượt mở ra ở Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Việt Nam. SYA tại Việt Nam được biết đến khi Giáo sư Vũ Đức Vượng dẫn dắt khóa sinh từ năm học 2010 đến 2013.

Chương trình này hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, những gia đình Việt Nam và các chuyên gia phát triển cộng đồng và các nhà báo.

Lần đầu tiên tôi đưa thầy Vượng và các khoa sinh thuộc De Anza College tới khu vườn trái cây Vàm Xáng ở huyện Phong Điền, ngoại ô TP Cần Thơ. Lần đầu tiên sau 40 năm tha hương, chính tay mình thầy Vượng đổ chiếc bánh xèo đúng gu Nam Bộ.

Wiwat Wuwong, người Thái Lan, làm theo hướng dẫn và biết cách đổ bánh xèo rất nhanh, so sánh: “Thái Lan cũng có những món ăn ngon như thế này”. Dõi theo Yvana Pham, Duy Phong Kevin, Nicole Diễm Kiều…, thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ hay như Anh Đào, mang dòng máu Pháp – Việt, tất cả đều là lần đầu cảm nhận hương vị rất riêng của món ăn Việt nhờ trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt chỉ có ở khu vườn trái cây này.

Bếp núc và sự truyền dạy nhẹ nhàng cũng khiến cho những chiếc bánh ngon lành hơn, những cuốn chả giò khéo tay hơn, cách thưởng thức có vẻ điệu nghệ hơn.

Sai Han Naw Fha, người Myanmar, thích lắm khi bưng dĩa bánh xèo tự tay mình làm ra “diễu hành”. Katherine Ja, vô địch cầu lông các đại học cộng đồng ở California, thật không ngờ được mình có thể tự tay làm bánh ở khu vườn này.

Có ai đó nói: “ Mẹ ơi, con làm được bánh rồi”.

Thầy Vượng đảm nhận việc giảng dạy môn lịch sử và văn hóa Việt Nam, tiếp tục phát triển và bổ túc giáo trình, các môn học trong lớp, chương trình du lịch học hỏi và phục vụ xã hội. Các nhà văn hóa, khoa học về môi trường, kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam cùng thầy nói về văn minh lúa nước, môi trường sông Mekong, lúa gạo và thủy sản ở ĐBSCL… cho các khóa sinh SYA.

Các khóa sinh có cách tiếp cận qua âm nhạc Việt Nam, cách bắt chuyện, làm quen với người dân địa phương bằng tiếng Việt, cùng hòa mình vào đời sống của người dân bản địa, hiểu hơn về mỗi vùng đất đã đi qua.

“Không biết thì không thể yêu mến được”, thầy Vượng nói tiếp: “Khi đã biết rồi thì càng thêm nhiều tình cảm”. Chính những chuyến dã ngoại và những câu chuyện về lúa gạo miền Tây, dòng sông Mekong với cá tôm tươi nguyên để có chiếc bánh xèo xèo với bột gạo, với tép đất… khiến cho mọi việc gần gũi hơn.

Nhiều gia đình người Việt ở Mỹ thay đổi cách nhìn về xứ sở và nhiều gia đình người Mỹ nhận ra giá trị của văn hóa Việt. Sâu lắng và thân thiện hơn nhiều. Còn những người Việt trong nước thì hiểu thêm về cách dạy cho học sinh biết cộng tác, biết tự tìm tòi, biết đánh giá, lựa chọn con đường đi cho chính mình.

Một lần thầy nói chuyện với các sinh viên trường Đại học An Giang về văn hóa giao thông và câu hỏi chúng ta có nền văn hóa ấy chưa? Một câu hỏi khiến nhiều sinh viên nói: “Giá mà được gặp thầy lần nữa, câu trả lời sẽ tốt hơn”.

“Gần 20 năm thầy Vượng dạy những môn học liên quan đến chính trị, xã hội học, chính sách an sinh xã hội và bang giao quốc tế ở các đại học. Tại De Anza và San José City College, mỗi mùa hè thầy đưa sinh viên về Việt Nam (SYA) để theo học bang giao quốc tế và liên hệ xã hội trong lĩnh vực toàn cầu hóa.

06-06-53_gs-vu-duc-vuong-ti-ngy-hoi-lng-tre-binh-duong-nh-cl
GS Vũ Đức Vượng tại ngày hội làng tre, Bình Dương

Thầy Vượng mang tới SYA lòng thắm thiết đối với quê hương và dân tộc ông, cũng như ý thức về sự quan trọng của một chương trình học vấn quốc tế đối với giới trẻ,” ông Nelson Chase, giám đốc điều hành SYA thừa nhận.

Thực ra, thầy Vượng đã đề xuất nhà nước nên lập khoảng 4- 6 phòng văn hóa trong vòng 10 năm tới tại Hoa Kỳ, nơi có gần hai triệu dân gốc Việt, với phòng đọc, với các lớp dạy Việt ngữ cho những ai muốn trau dồi tiếng Việt; các buổi trình diễn hoặc hội thảo về văn hóa Việt, giới thiệu các tài năng của người Việt trong và ngoài nước giúp người Việt, thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi có điều kiện hiểu biết văn hóa Việt và từ đó có thêm nhiều sứ giả giúp cho công cuộc bang giao của Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Và, thầy cũng đã nêu hai vấn đề then chốt của cải tổ giáo dục đại học tại Việt Nam: Nâng quyền tự trị về quản lý và tự do học thuật, xem đó là nhân tố quyết định sự thành công và hiệu quả của mọi trường đại học dù là công hay tư. Thầy đã hợp tác với một trường đại học tư ở TP.HCM để bản thân mình trải nghiệm…

2. Những lần chúng tôi gặp nhau đều là những ngày đa đoan của thầy và các học trò SYA khi về miền Tây. Tôi có một vài cơ hội chụp ảnh thầy. Một người bạn ở Hoa Kỳ nhìn thấy ảnh và nói về Trung tâm Tái định cư dành cho người tị nạn Đông Nam Á do ông Vũ Đức Vượng là giám đốc từ năm 1984 tới năm 1997 trước khi chuyển hẳn sang lĩnh vực giáo dục.

Có nhiều điều rất dễ hiểu nếu dòng chảy lịch sử trong suốt. Nhưng có nhiều điều chỉ có thể trả lời những sóng gió trong lịch sử khi trái tim cảm nhận sự bình yên.

Thầy Vượng đã nhìn lịch sử với trái tim viễn xứ trong trạng thái tĩnh tâm. Điều đó không đơn giản chút nào so với thực trạng khốn khó của những người sống lưu vong, chồng chất những thù hằn từ dòng người di tản.

Tháng 1/2007, cùng 40 người, gồm sinh viên người Mỹ gốc Việt, sinh viên người Mỹ và một số giảng viên của trường San Jose, thầy Vượng trở về Việt Nam theo chương trình Global Education Opportunity. Một số người Việt trẻ tại Hoa Kỳ muốn tìm hiểu cội nguồn thay vì nhìn bằng con mắt của cha mẹ về những số phận rách nát từ những năm 70 thế kỷ trước, nhìn Việt Nam bằng chính con mắt của mình.

06-06-53_ktherine-j-vo-dich-cu-long-cc-di-hoc-cong-dong-o-cliforni-khong-ngo-khi-tu-ty-do-duoc-bnh-xeo-nh-cl
Katherine Ja, vô địch cầu lông các đại học cộng đồng ở California, không ngờ khi tự tay đổ được bánh xèo

“Sau này những khóa sinh tốt nghiệp từ SYA sẽ trở lại Việt Nam, có thể là những đại sứ thiện chí giúp đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế” – mong muốn của thầy Vũ Đức Vượng.

Thầy Vượng nói rằng câu chuyện tình rất đẹp về huyền thoại Mẹ Âu Cơ, về Cha Lạc Long Quân – rất nhân bản và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy. Nhưng cũng có người nói đó là câu chuyện buồn về sự phân ly.

Lại cũng có người hỏi vì sao đất nước chỉ có 4.000 năm dù các nhà khoa học tìm ra bằng chứng của sự sống khẳng định tiền nhân của người Việt đã sống ở vùng đất này 7.500 năm, là trang văn hóa độc đáo trong lịch sử phát triển của nhân loại, và có thể đến 20.000 năm trước nữa, nhưng điều được biết chỉ giới hạn trong vòng 4.000 năm văn hiến, vì lịch sử của ta từng có những đêm dài và do cách nhìn từ người khác.

Thầy Vượng từng lấy bằng B.A về chính trị học, Master of Social Work và một bằng Luật, mỗi bằng được cấp bởi Washington University, St. Louis, Missouri; Bằng thạc sĩ về Khoa học Chính trị và bang giao quốc tế tại Đại học Missouri-St. Louis.

Hai phần ba đời người, chừng ấy thời gian để một người gốc Nam Định vào Sài Gòn rồi du học - sinh sống tại Hoa Kỳ hơn nửa thế kỷ, thay đổi đến chừng nào?

“Ước gì được trở lại tuổi 20 để học khảo cổ và nhân chủng học, làm rõ khác biệt văn hóa và gạt bỏ cái nhìn đồng hóa, ngay cả những học giả phương Tây chỉ vì họ nhìn Việt Nam từ góc nhìn của sách vở Trung Hoa”, thầy Vượng nói.

Hóa ra ước ao đời người của dân “Nam quốc Sơn hà Nam Đế cư”… từ thời cổ xưa tới nước Việt Nam thịnh trị hay người Việt ở đâu đó trên thế giới này đều muốn chính mình viết nên trang sử cho dân tộc chứ không ai khác.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất