| Hotline: 0983.970.780

Ước mơ ông Bí thư Tỉnh ủy

Thứ Bảy 09/02/2013 , 13:47 (GMT+7)

'Ước mơ từ thủa bé chỉ cần đủ ăn, nay tôi luôn mơ ước nông dân vừa có đủ ăn, vừa có tích lũy, lại được tiếp cận nhiều hơn với văn minh thời đại'.

Chủ tịch UBND huyện Đông Triều Vũ Văn Học kể rằng, có lần 12 giờ đêm ông nhận được tin nhắn của Bí thư Tỉnh ủy xuống... làm việc. Hạ Long cách Đông Triều 60 cây số. Hay, chuyện Bí thư Tỉnh ủy triệu tập họp thường vụ lúc 9 giờ đêm..., đã khiến chúng tôi chọn ông - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính để thực hiện cuộc trò chuyện cho số báo đặc biệt này.

Khát vọng, trái tim lửa và tâm sáng

Thưa ông, độc giả rất muốn biết một vị tướng đi làm Bí thư Tỉnh ủy thế nào?

Cái quan trọng nhất, theo tôi, đó là con người phải có khát vọng sống, trái tim lửa và tâm sáng.

Có những cái đó, tôi nghĩ là làm việc gì, khó mấy cũng có thể vượt qua được, không kể anh là tướng, là sĩ, hay là nhà kinh tế, nhà làm luật... Tất nhiên, không loại trừ trường hợp những gì mình đã được học, được làm nhiều năm thì sẽ có kinh nghiệm hơn; nhưng mặt hạn chế, nếu có kinh nghiệm thì thường người ta cũng hay chủ quan. Như vậy cuộc đời luôn có cơ hội và kèm theo đó là thách thức.

Ngược lại, anh đi từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác cũng có cái bất cập, nhưng cũng có thuận lợi, đó là hai mặt song song của một quá trình; vì anh không bị đi theo đường mòn, dễ sửa đổi, nhân cơ hội đấy để làm mới mình, “tái cơ cấu” lại chính mình. Một ví dụ rất đơn giản thế này, kinh tế đang “hăng”, đang “phất” thì rất khó để nhìn ra nhược điểm. Tuy vậy, nền kinh tế đang có khó khăn, khủng hoảng như hiện nay chính là cơ hội để chúng ta nhìn lại và tái cơ cấu từng ngành, từng lĩnh vực và tại các địa phương. Vấn đề là anh biết nắm bắt cơ hội thế nào và loại trừ thách thức ra sao?

Dẫu sao thì địa bàn, con người, công việc mới... cũng có nhiều bỡ ngỡ, gây nhiều khó khăn phải không ông? Cho nên, ông thường xuyên có những cuộc làm việc ngoài giờ?

Thực ra, do đặc thù công việc, từ công việc của Bộ Công an đến công việc làm Bí thư Tỉnh ủy có rất nhiều cái khác nhau. Ví dụ như công việc ở Bộ Công an là chuyên ngành; ngành thì hẹp, nhưng phạm vi thì toàn quốc; nhưng ở Quảng Ninh, ngành thì rộng (bao hàm các lĩnh vực) nhưng phạm vi thì thu hẹp chỉ trong một tỉnh. Có cái khác nhau như vậy, nhưng cũng có cái giống nhau, đó là làm công an là thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng và công tác chính trị; ngược lại Bí thư Tỉnh ủy cũng là làm công tác chính trị và vận động quần chúng. Tất nhiên là 2 cái đó nó có yêu cầu khác nhau, chức năng nhiệm vụ cũng khác nhau, nhưng bản chất thì rất giống nhau.

Về câu chuyện làm việc sớm hay muộn, thì tôi nghĩ rằng cũng tùy tình hình. Ai chả muốn làm việc ít mà hiệu quả cao, nhưng có thể trong một bối cảnh nào đó, trong thời điểm nào đó cần có nhiều thông tin hơn, dành nhiều công sức hơn, phải trao đi đổi lại nhiều hơn, nhất là những cái mới, những cái khó, những cái phải làm thí điểm mà thời gian đòi hỏi gấp gáp, thì có thể phải làm việc thêm ngoài giờ. Cái đó cũng là hết sức bình thường. Trong một chừng mực nào đó, cán bộ phải chia sẻ với nhau. Còn tất nhiên, người lãnh đạo phải điều chỉnh cho đúng giờ giấc, khoa học và hiệu quả cao, được như vậy là lý tưởng nhất.

Ông nói công việc cơ bản vẫn là vận động quần chúng. Vậy muốn thực hiện tốt thì phải làm gì?

Muốn vận động tốt quần chúng phải chịu đi, chịu tìm hiểu mới biết được người dân cần gì. Ví dụ thế này, tôi đi thăm thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, đến một bản có khoảng 400 nhân khẩu, diện tích canh tác hơn 12 ha trong một thung lũng. Đất rừng của họ thì bị thu để cho Cty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Bình Liêu tiến hành trồng rừng. Nông dân ở đó từ chỗ làm chủ rừng chuyển thành người đi “mót” rừng. Tôi có hỏi đồng bào là có đủ ăn không? Họ nói thẳng rằng thiếu ăn mỗi năm khoảng 3 tháng, bởi chỉ có 12 ha đất, vừa ở vừa canh tác, rừng thì bị thu rồi. Đói là phải. Vì vậy, tôi phải bàn với các đồng chí trong Thường vụ, bàn với HĐND rằng chúng ta phải điều chỉnh cái này, để nông dân có rừng.

Như vậy, phải đi sâu đi sát dân mới hiểu được rằng, à thì ra là người dân sống bằng nghề rừng, chứ không phải sống bằng diện tích đất canh tác kia. Mà sống bằng rừng lại không được làm chủ rừng, thì đương nhiên phải điều chỉnh cho họ...

Hay như ở đảo Cô Tô, có 3 vấn đề cốt lõi là điện, nước và tàu khách cao tốc ra đảo. Nếu giải quyết được những chuyện này Cô Tô sẽ trở thành điểm du lịch thu hút khách. Ngoài ra, còn đời sống nhân dân, cán bộ chiến sĩ, bộ đội biên phòng trên đảo nữa. Như vậy, điện, nước không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn mang ý nghĩa quốc phòng và an ninh. Thế thì phải khẩn trương làm, trước mắt là tập trung chỉ đạo, quyết liệt làm hồ nước. Nếu dự kiến làm trong 2 năm, thì phải bàn lại với huyện, nhà đầu tư thay đổi biện pháp thi công để rút ngắn thời gian xuống còn 1 năm; trên thực tế đã hiện thực hóa được còn 1 năm và đã lãi được rất nhiều thứ nhờ rút ngắn tiến độ còn một nửa, nhân dân, bộ đội trên đảo được thêm bao nhiêu thứ thuận lợi từ khi có nước ngọt...


Làm đường xây dựng NTM
 

Cốt lõi là nâng thu nhập của nông dân

Quảng Ninh tuy là tỉnh công nghiệp nhưng vẫn còn có tới gần 50% dân số sống ở khu vực nông thôn. Như vậy, nông nghiệp được xác định thế nào trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thưa ông?

Tiềm năng của ngành nông nghiệp Quảng Ninh, nếu đánh giá chính xác, là rất lớn, vì diện tích rừng và đồi lớn, chiếm hơn 70% tổng diện tích toàn tỉnh. Ngoài ra, chăn nuôi cũng là một thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, Quảng Ninh mạnh nhất về tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Không có tỉnh nào trên cả nước có tới hơn 40 nghìn ha bãi triều và 20 nghìn ha eo vịnh để nuôi trồng và chế biến thủy sản. Tất nhiên, đi kèm với lợi thế đó là xung đột với phát triển du lịch, nếu không biết bảo vệ môi trường. Nói tóm lại, kinh tế biển là một trong những thế mạnh mà chúng tôi chưa tận dụng được.

Tuy nhiên, cơ cấu nông nghiệp của Quảng Ninh năm 2012 mới chỉ chiếm 5,4% GDP toàn tỉnh. Đây là con số tương đối thấp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng xác định giảm dần nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, nhưng hiện chúng tôi đang nghiên cứu lại mục tiêu này để điều chỉnh giảm như thế nào cho hợp lý, vì tiềm năng lớn như vậy, thị trường cho nông sản có sẵn như vậy, mà không được chú trọng thì sẽ lãng phí tài nguyên do thiên nhiên ban tặng.

Như tôi đã nói, muốn tăng tỉ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế cần thiết phải tăng năng suất lao động, năng suất nông, lâm, thủy sản. Nhất là kinh tế biển hiện Quảng Ninh đang yếu, mặc dù Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa X) đã xác định tỉnh là trọng điểm về lĩnh vực này. Tất nhiên, việc đầu tư của Nhà nước cũng chưa chú trọng đúng mức.

Chúng tôi xác định số dân sống ở khu vực nông nghiệp cao, cho nên vẫn phải phát triển nông nghiệp với cơ cấu hợp lý, tức là phát huy được tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp để từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của đồng bào khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Để làm được điều này, chúng tôi xác định phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và kinh tế biển. Nó phù hợp với định hướng phát triển kinh tế chung của đất nước ta.

Ông có thể nói cụ thể hơn về Chương trình xây dựng NTM tại Quảng Ninh, vì tỉnh hiện được đánh giá là có nhiều sáng tạo trong cách thực hiện?

Chúng tôi xác định ngay từ Nghị quyết số 01/2011, là nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa này. Qua 2 năm thực hiện, chúng tôi cũng phải vừa làm vừa điều chỉnh. Lúc chưa khó khăn về kinh tế, chúng tôi xác định đầu tư cho NTM một cách toàn diện, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường học, kênh mương, hệ thống giao thông... sẽ được dứt điểm trong vài năm tới đây. Nhưng khi tình hình kinh tế khó khăn bắt buộc chúng tôi cũng phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư.

Tất nhiên là mục tiêu thì chưa thay đổi, nhưng cơ cấu đầu tư có thay đổi. Khẩu hiệu “Chung tay xây dựng NTM, lấy nông dân làm chủ thể” được xác định. Chúng tôi tăng cường đầu tư cho SX và mở rộng phát triển DN nông nghiệp. Ví dụ, năm 2012 chúng tôi chỉ dành 15% số tiền xây dựng NTM để đầu tư cho SX, thì năm 2013, số tiền sẽ lên đến 50%, gấp 10 lần so với năm 2010. Đầu tư cho SX để kích thích SX, khi SX phát triển thì thu nhập của nông dân sẽ được nâng lên, từ đó họ, tức là chủ thể xây dựng NTM, mới có điều kiện để tái đầu tư cho hạ tầng. Tóm lại đầu tư SX là đầu tư cho động lực, đầu tư cho “gốc” của Chương trình xây dựng NTM.

Cách làm của Quảng Ninh là đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho SX hàng hóa, đầu tư để lan tỏa; quan tâm phát triển DN nông nghiệp, ứng dụng KHCN vào phát triển nông nghiệp và tăng năng suất lao động tổng hợp ở khu vực này.

Nghĩ tới thời thơ ấu nghèo khổ

Quảng Ninh là một tỉnh phát triển mạnh công nghiệp nhưng hẳn nhiên là còn nhiều huyện nghèo, xã nghèo, có những gia đình còn đứt bữa. Khi trực tiếp đi cơ sở, cảm xúc của ông thế nào?

Đây là cảm xúc của con người với con người, cảm xúc của một người đi ra từ nông thôn. Tôi chia sẻ và đồng cảm với họ. Đây là cảm xúc dễ nhận thấy nhất, bởi tôi liên tưởng đến thời kỳ thơ ấu của mình, mình nghèo khổ như thế nào, và mình phải làm việc như thế nào.

Bây giờ, có thể nói là sau 30 năm, trở lại khu vực miền núi thì đời sống người dân cũng có cải thiện hơn so với thời của mình, nhưng họ vẫn còn nghèo, canh tác vẫn còn đơn sơ lắm, đầu tư chưa có gì nhiều, đời sống văn hóa tinh thần vẫn còn thiếu thốn lắm. Cái nghèo của họ thể hiện ngay trên nét mặt, trong suy nghĩ của họ, trong những câu chuyện mà họ nói với mình.

Nhưng tâm hồn của họ thì cực kỳ hay, trong sáng và vô tư lắm. Tôi đi huyện Bình Liêu, nói chuyện với bà con, rằng giờ đói như thế thì đồng bào có dám ra biên giới giữ cột mốc không? Bà con nói ngay, rất sẵn sàng, cho dù có phải hy sinh tôi vẫn phải ôm được cột mốc.

Đấy cũng là điều khiến mình trăn trở, và phải làm thế nào để đời sống của họ khấm khá dần lên. Đây là nhiệm vụ của lãnh đạo tỉnh, của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới.

Trong năm vừa qua, ở nông thôn xảy ra một số vụ việc rất đáng để suy nghĩ, như chuyện ở Tiên Lãng hay Văn Giang… Là một vị tướng công an, nay làm công tác lãnh đạo một tỉnh, ông có suy nghĩ và rút ra bài học gì?

Chúng ta đã có rất nhiều bài học xung quanh câu chuyện giải phóng mặt bằng. Khi đã tiến hành thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp thì câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng mà nó liên quan đến nhiều vấn đề khác, trong đó có pháp luật về đất đai, chủ trương chính sách, giá cả và hỗ trợ đền bù, nhất là các vùng giáp ranh. Pháp luật về đất đai thì cũng chưa hoàn thiện, chính sách vừa áp dụng vừa chỉnh sửa, bổ sung...

Do đó, có nhiều vấp váp trong quá trình thực hiện. Nếu xử lý không khéo dễ bị các phần tử xấu kích động, lợi dụng. Ở đây có 2 việc phải giải quyết, một là quyền lợi chính đáng của người dân phải công bằng, công khai, hợp lý; hai là xử lý nghiêm những phần tử lợi dụng gây rối, mất trật tự địa phương, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu không xử lý nghiêm, dứt điểm sẽ dẫn tới mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền. Bài học về giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi trên đất nước ta là dẫn chứng. Tất nhiên, để giải quyết cơ bản thì phải làm rõ quy hoạch, sử dụng đất đai thế nào cho có hiệu quả, rồi nghệ thuật xử lý của từng địa phương nữa, rồi tuyên truyền vận động, tức là lại trở lại với câu chuyện về công tác vận động quần chúng.


Mô hình nuôi bồ câu Pháp ở Quảng La, Hoành Bồ, Quảng Ninh

Trăn trở

Được biết ông sinh ra ở nông thôn, có mẹ là nông dân, vậy khi nghĩ về nông thôn và những người nông dân, ông có gì trăn trở?

Trăn trở nhất của tôi là tăng năng suất lao động và giảm bớt số người lao động chân tay ở nông thôn. Mình sinh ra ở nông thôn, mình rất hiểu người nông dân đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, bản thân những người sinh ra ở thế hệ chúng tôi đều phải vào HTX, đều phải cày bừa cấy hái, nhưng vẫn không đủ ăn. Sáng đi học, chiều đi làm, tối vẫn làm, mà trong nhà vẫn thiếu ăn.

Bây giờ thì đỡ hơn nhiều. Tôi về quê, thấy mọi người ai ai cũng đủ ăn cả, nhưng vẫn còn nghèo lắm. Vì vậy, cái trăn trở nhất của tôi vẫn là tăng năng suất lao động, trong đó có tái cơ cấu cây trồng, đưa giống mới, đầu tư khoa học công nghệ và cải tiến phương thức canh tác.

Ngoài ra, hiện lao động dôi dư ở nông thôn rất nhiều, giải quyết thế nào đây để họ chuyển đổi nghề nghiệp và sống được. Đây cũng là bài toán khó cần phải có nhiều lời giải đồng bộ. Chúng tôi đang tiến hành mở nhiều trường dạy nghề, tập trung đào tạo lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại để chuyển dần lao động nông thôn ra thành thị và sang khu vực dịch vụ, công nghiệp.

Khi còn bé, ở vùng quê nghèo thì ông ước mơ điều gì? Và nay đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy, ông mơ ước điều gì?

Ước mơ từ thủa bé chỉ cần đủ ăn, bởi thường trực là đói, nhưng nay, tôi luôn mơ ước nông dân vừa có đủ ăn, vừa có tích lũy, lại được tiếp cận nhiều hơn với văn minh của thời đại. Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn giảm dần đi.

Một thống kê cho thấy, ở Quảng Ninh, khoảng cách giữa 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất vẫn là 8 lần. Và, thách thức lớn nhất vẫn là đảm bảo an sinh xã hội. Khi xã hội phát triển nhanh, thì khoảng cách giàu nghèo càng lớn, và đây là mối lo bất ổn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

    Tags:
Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Kiên Giang Giữa mùa nắng, hạn gay gắt, nhiều nơi nước quý như vàng. Được trao tặng bồn nước, người dân cảm động bảo: 'Đây là bồn chứa đựng những giọt nước nghĩa tình, yêu thương'.