| Hotline: 0983.970.780

Ước mơ "sea-food" của chàng trai quê lúa

Thứ Hai 05/05/2014 , 11:03 (GMT+7)

Xuất thân từ quê lúa Thái Bình, sau khi tốt nghiệp ĐH Thủy sản Nha Trang, Bùi Xuân Hải đã tự lập và trở thành ông chủ cơ sở chế biến hải sản uy tín ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cơ sở của anh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 250 lao động.

“Chắc cái tên Hải (nghĩa là biển) nó vận vào hay sao ấy. Hồi nhỏ trót mang tiếng nghịch ngợm, thích phiêu lưu, khám phá nên trong khi bạn bè đồng lứa hầu như đều chọn thủ đô để thi đại học vừa gần vừa oai nhưng mình thì lại nộp đơn vào ĐH Thủy sản Nha Trang.

Bốn năm học xa nhà cũng ít có cơ hội dựa dẫm nên nó cũng tạo cho mình tính tự lập. Tôi làm đủ thứ nghề để kiếm tiền trang trải, nhưng cái chính là để mình trải nghiệm, hiểu biết cuộc sống thực nó như thế nào", Hải kể.

Bén duyên với miền đất phương Nam đầy nắng và gió biển, tốt nghiệp chuyên ngành chế biến thủy sản và chính những ngày lang thang khắp các làng chài xem ngư dân đánh bắt, thu mua và bảo quản tôm cá đã giúp Hải hiểu sâu cũng như thấy được những tồn tại cần phải vào cuộc.

Nhưng ngặt nỗi là tiền vốn không có, quan hệ gần như số không, từ Nam Trung bộ, Hải tiếp tục hành trình “Nam tiến” một mình vác tập hồ sơ vào TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu tìm việc.

Và cơ may đã đến với Bùi Xuân Hải khi một doanh nghiệp chế biến của Nhật Bản ở TP Vũng Tàu gọi Hải đến phỏng vấn vào vị trí nhân viên KCS, tức là kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Như cá gặp nước, Hải đã nhanh chóng phát huy được sở trường nhờ kiến thức đã thu nạp từ nhà trường và chỉ sau vài tháng chàng trai ngoài 20 tuổi đã được ông chủ người Nhật giao cho chức quản đốc phân xưởng.

Suốt bốn năm ròng, gần như Hải dành hết thời gian cho công việc ở nhà máy nhưng có một “âm mưu” mà không ai có thể đoán biết là Hải đã âm thầm nghiên cứu toàn bộ dây chuyền công nghệ chế biến hải sản hiện đại của Nhật và thậm chí còn thấy được những nhược điểm của nó để “làm vốn” sau này.

Sản phẩm mực và bạch tuộc của Cty được ứng dụng bằng công nghệ hiện đại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

“Tại sao lại không nhỉ? Trong nhiều chuyến khảo sát xuyên quốc gia, tôi thấy người Việt mình thiệt thòi quá nhiều. Ở ngay gần vựa thủy hải sản trời phú mà có khi lại không được thưởng thức chúng do cách thức vận chuyển, bảo quản và chế biến lạc hậu, thô sơ nên hải sản không giữ được lâu hoặc biến chất.

Và điều nguy hiểm hơn phổ biến hiện nay là việc lạm dụng hóa chất để bảo quản hay phơi sấy thủ công, lộ thiên ở nhiều làng biển có khi lại vô hình trung “đầu độc” chính người tiêu dùng”, Hải nói.

Hải kể tiếp: “Đến năm 2002, mình xin nghỉ công ty của Nhật để tìm đối tác làm ăn mà mục đích chính là tìm nguồn vốn và cơ sở để lập công ty làm theo ý tưởng của mình.

Nhờ có kinh nghiệm cộng với kiến thức vừa rộng vừa sâu và phải nói là cũng “gặp may nữa” nên chỉ sau 2 năm Công ty Hải Dương ra đời, chủ yếu là thu mua sản phẩm trực tiếp của ngư dân mang về chế biến xuất khẩu.

Vừa điều hành phân xưởng chế biến vừa kiêm luôn các công việc thuế má, tờ khai hải quan và kết nối thị trường để xuất khẩu những lô hàng đầu tiên ra nước ngoài, tôi phải trực tiếp đi lựa chọn nguyên liệu, hướng dẫn công nhân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mới giữ chân được khách hàng Hàn Quốc và Nhật Bản vốn rất khắt khe”.

Khởi nghiệp khá suôn sẻ nhưng công ty của Hải luôn xác định khẩu hiệu là “không ôm đồm” nhiều thứ mà chỉ chuyên tâm vào hai sản phẩm là chế biến bạch tuộc và mực xuất khẩu. Không chỉ giữ vững uy tín với bạn hàng nước ngoài về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà doanh nghiệp của Hải luôn nghiên cứu đầu tư, ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất vào nhà máy.

Cụ thể là việc ứng dụng công nghệ sấy lạnh đầu tiên, tức là dùng nhiệt độ thấp để xử lý làm khô hải sản trong môi trường vô trùng nhưng vẫn đảm bảo giữ được các chất dinh dưỡng ở mức cao nhất có thể mà không hề phải nhờ đến bất kì một loại hóa chất nào.

Hỏi về chiến lược sắp tới của vị doanh nhân chưa tới 40 tuổi này, Hải cho biết lại vừa mở thêm một công ty nữa mang tên Biển Giàu để hợp tác với tập đoàn phân phối và bán lẻ khổng lồ Lotte của Hàn Quốc với mong muốn mở rộng thị trường nội địa giúp người Việt có nhiều cơ hội được sử dụng đa dạng các mặt hàng thủy hải sản ngay trên quê hương.



Công nhân Công ty Hải Dương đóng gói sản phẩm

Và bằng chứng là sau chuyến tham dự hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế AgroViet hồi trước Tết Giáp Ngọ 2014 tại thủ đô Hà Nội, ông chủ doanh nghiệp hải sản quê lúa đã cho ra mắt hệ thống cửa hàng bán lẻ đầu tiên để phục vụ người tiêu dùng thủ đô với ba cơ sở và sẽ dần dần “bành trướng” sang các tỉnh thành lân cận với hàng trăm mặt hàng thủy hải sản được vận chuyển hàng ngày từ Nam ra Bắc.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất