| Hotline: 0983.970.780

Ước nguyện Hòn Bương

Thứ Tư 04/08/2010 , 08:30 (GMT+7)

Họ mong có được tấm bia tưởng niệm nơi trận địa năm xưa để sưởi ấm linh hồn của người nằm xuống, nhưng đến nay, ước vọng của những người lính vẫn xa vời.

''Cần lắm một tấm bia tưởng niệm trên đồi Hòn Bương''- ông Nguyễn Thuận (ảnh) Chủ tịch UBND xã Hương An, nói.
Hơn 40 năm trôi qua, những người lính của Đại đội 1 đặc công thành đội sống sót trở về sau trận đánh vào đồi Hòn Bương (thôn An Hoà, xã Hương An, huyện Hương Trà, Huế) vẫn đau đáu hướng về những đồng đội đã ngã xuống.

Họ mong có được tấm bia tưởng niệm nơi trận địa năm xưa để sưởi ấm linh hồn của người nằm xuống, nhưng đến nay, ước vọng của những người lính vẫn xa vời.

Quá khứ oanh liệt

Trở lại vùng chiến địa năm xưa, cái màu cháy xém của chiến tranh đã lùi xa trên những cánh đồng, triền đồi, thôn dân Hương An đã tay cày tay cuốc mang màu xanh sức sống mới trở lại cho quê hương. Đồi Hòn Bương - nơi ghi dấu trận chiến đấu oai hùng nhưng bi thương khốc liệt của 70 chiến sỹ thuộc Đại đội 1 đặc công Thành đội tấn công vào Bộ chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 ngụy, nay nằm im lìm trong lòng bóng núi chiều hôm.

Dẫn chúng tôi lên trận địa năm xưa, dấu chân người lính nay đã bước sang tuổi lục tuần không còn leo lên được lừng chừng đồi. Chỉ tay lên phía đồi Hòn Bương, ông Dương Văn Hùng, Đại đội phó Đại đội 1 đặc công Thành đội, một trong những người tham gia trận đánh nhớ lại: "Năm 1968, sau khi bộ đội ta dạt ra khỏi thành phố Huế để trở về căn cứ, gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở địa phương bị địch phá vỡ, anh em thiếu ăn, phải cầm cự với sắn trong nhiều ngày liền. Để giữ vững tinh thần, có sức chiến đấu lâu dài gầy dựng lại cơ sở, chúng tôi gồm 70 chiến sỹ phải men theo đường rừng, thậm chí qua Mường Noòng (Lào) để kiếm lương thực. Dù trong muôn vàn khó khăn, đôi đặc công chúng tôi cũng xác định dù có hy sinh đến người cuối cùng cũng phải đánh một trận quyết định, lấy lại niềm tin cho cơ sở sau trận lui quân thất bại năm 1968 từ thành thị. Sau khi đã có đủ lương thực, chúng tôi trở lại căn cứ An Hoà. Tại đây, nhờ sự đùm bọc, nuôi giấu cán bộ chiến sỹ của nhân dân địa phương khi thì nắm cơm vắt, hạt muối, nhờ thế phong trào kháng chiến nhanh chóng được tạo dựng. Đồi Hòn Bương là căn cứ tiền phương của ngụy, kiểm soát cả một vùng rộng lớn tây nam huyện Hương Trà với hệ thống hàng rào thép gai đặt mìn dày đặc đến 4 lớp, có cả pháo binh và thiết giáp yểm trợ. Xác định vị trí chiến lược quan trọng như thế nên chúng tôi quyết định đánh chiếm đồi, phá vỡ căn cứ án ngự kiểm soát cả vùng kháng chiến của địch”.

Đại đội phó đại đội 1 đặc công thành đội Dương Văn Hùng- người tham gia trận đánh trên đồi Hòn Bương hồi ức về đồng đội.
Tháng 8/1969, cuộc tiến quân của đội đặc công ta diễn ra trong đêm tối giữa núi rừng đen như mực. Nhiều chiến sỹ của ta len lỏi vào được trong lớp thép gai bị địch phát hiện bắn pháo dữ dội nên hy sinh rất nhiều.

Ông Hùng xúc động: “Lúc đi anh em đã thống nhất là người nào sống sót thì phải mang nhau về. Vì đặc công chỉ mang đúng cái quần nhỏ, người bôi sơn đen dày đặc, khi hy sinh thì cũng chẳng xác định được tên tuổi, quê quán. Từ hoà bình đến nay, tôi đã tham gia nhiều đoàn tìm hài cốt liệt sỹ, nhưng vẫn không tìm thấy những đồng đội còn nằm lại trên đồi Hòn Bương”.

Cần lắm một tấm bia

Sau khi bộ đội ta rút quân khỏi đồi Hòn Bương, nhân dân xã Hương An đã đến nhận mặt các chiến sỹ đã hy sinh để mang về chôn cất nhưng không được chấp nhận. Ông Nguyễn Đăng Nghiêm (thôn An Hoà, xã Hương An), một người dân địa phương chứng kiến trận đánh nhớ lại: “Bộ đội ta rút lui, nhiều chiến sỹ bị thương nặng khi băng qua cánh đồng để lại những vết máu loang lổ. Những chiến sỹ đã hy sinh thì người dân tới nhận mặt mang chôn cất thì bọn lính ngụy không cho, còn doạ bắn. Trong 20 chiến sỹ hy sinh tại đồi Hòn Bương, thi thể 17 chiến sỹ bị địch dùng xe ủi lùa xuống nhiều hố chôn ở dưới chân đồi, 3 chiến sỹ còn lại hy sinh ở vòng ngoài trận địa không tìm thấy xác".

Trong nhiều năm liền, những người lính đặc công năm xưa đã đi lại mòn gót chân trên đồi Hòn Bương, trong trí nhớ đã già nua mong tìm lại chút dấu vết nơi đã “lấp ba tấc đất” của đồng đội mình năm xưa nhưng đều vô vọng. Ông Hùng nói giọng đầy xúc động: “Sau nhiều năm tìm kiếm, đến năm 1995, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương xã Hương An và nhiều nhân chứng là người dân trên địa bàn, lực lượng dân quân xã đã phối hợp cùng trung đoàn 176 Bộ đội Quân khu 4 đang đóng quân tại xã, thuê xe múc, dò tìm từng tấc đất trong mấy ngày liền và phát hiện được 17 hài cốt của các chiến sỹ đặc công. Sau khi làm lễ truy điệu, hài cốt của các anh đã được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ xã. Ba đồng chí hy sinh ở vòng ngoài trận địa pháo, năm 2009 vừa qua mới chỉ tìm được hài cốt một người đưa về quê an táng mà thôi”.

Những người đã hy sinh có chiến sỹ đã được đưa về nghĩa trang với nấm mồ vô danh, có chiến sỹ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thân xác các anh đã hoá thân thành cây cỏ, hoà vào lòng đất mẹ Hương An. Điều mà những chiến sỹ đặc công năm xưa còn sống sót cũng như nhân dân, chính quyền địa phương nơi đây mong muốn là có một tấm bia tưởng niệm trên đồi Hòn Bương- nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của đội đặc công mệnh danh là “quả đấm thép”.

Ông Nguyễn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hương An cho hay: “Trong những năm qua, nguyện vọng của chính quyền xã cũng như những đồng chí từng chiến đấu trên quê hương Hương An thiết tha đề nghị được dựng nhà bia chứng tích ở đồi Hòn Bương tưởng niệm những anh hùng đã ngã xuống, nhằm giáo dục truyền thống cho con em địa phương, lấy nơi tổ chức sinh hoạt cho thanh niên, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì vấn đề kinh phí xã còn hạn hẹp”.

Nhìn xa xăm ra phía ngọn đồi, bóng chiếu đã sụp xuống trong đôi mắt buồn rười rượi của lính già, ông Hùng tâm tư: “Đã hơn 40 năm qua rồi, mấy đồng chí đặc công có kẻ còn, người mất. Dù đi đâu, ở phương trời nào chúng tôi vẫn ngóng về nơi đồng đội đã ngã xuống. Có những nấm mồ không tên đưa về nghĩa trang hương khói, nhưng cũng cần lắm tấm bia chứng tích để đồng đội chúng tôi nằm lại không còn cô quạnh trên đồi Hòn Bương”.

Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Kiên Giang Giữa mùa nắng, hạn gay gắt, nhiều nơi nước quý như vàng. Được trao tặng bồn nước, người dân cảm động bảo: 'Đây là bồn chứa đựng những giọt nước nghĩa tình, yêu thương'.