| Hotline: 0983.970.780

Út đã sống như thế

Thứ Ba 06/05/2014 , 07:27 (GMT+7)

Căn bệnh sốt bại liệt đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của Út, nhưng anh không chỉ vượt qua tất cả mà còn sống tốt, mang lại cho đời những bức tranh đẹp mê hồn.

Chân teo tóp, lưng cong vênh

Chúng tôi tìm đến căn phòng trọ nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Út nằm sâu trong con hẻm ở ấp 4 xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP. HCM) lúc anh vừa kết thúc một ngày làm việc.

Căn phòng bề bộn đồ nghề khắc gỗ, những tác phẩm đang làm dở. Trên tường, treo hàng chục bức tranh khắc gỗ với chủ đề chính là phong cảnh làng quê, dòng sông, con đò, những cánh đồng, những đứa trẻ…

Trong bếp, chị Phạm Thị Thủy, vợ anh, đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều. Nghe tôi giới thiệu, anh Út nở nụ cười rất tươi chào rồi bẽn lẽn: “Thôi anh ơi, em cũng như mọi người thôi, có gì đâu mà lên báo ạ?”.

Khi yên vị trên chiếc ghế nhựa nhỏ, Út rót nước mời tôi và trầm ngâm một lúc lâu. Rồi anh bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình bằng câu: “Ngót 30 năm qua, phải dùng từ chính xác là tôi đã lăn lộn giữa cuộc đời”.

Út sinh năm 1983, trong một gia đình nghèo có đến 11 anh chị em ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Năm 4 tuổi, cơn sốt ác tính đã khiến cơ thể anh ngày một tiều tụy, đôi chân teo tóp, lưng biến dạng, cong vênh lên.

18-32-33_nh-2
Ước mong của Út là được truyền đạt kiến thức làm tranh gỗ cho những người tàn tật khác

Từ đây, anh phải dựa hẳn vào chiếc xe lăn. Trước đó, bao nhiêu ruộng vườn đều bán rẻ để lấy tiền chữa bệnh cho cha. Ngày cha mất cũng là ngày gia đình Út lâm vào túng quẫn, nợ nần. Gia tài lớn nhất còn lại là căn nhà nhỏ trống trước trống sau nằm sâu trong đồng hiu quạnh.

Đến tuổi đi học, mỗi lần nhìn các bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến trường, Út lại ứa nước mắt. Nhà nghèo, lại tàn tật nên không có điều kiện đến trường như các bạn, nhưng Út vẫn khát khao được học, nên ở nhà tự mày mò học chữ.

Thế nhưng, khi biết đọc, biết viết thì cũng là lúc mẹ ngày càng già yếu, không còn đủ khả năng kiếm tiền nuôi con. Và, Út bắt đầu lăn vào cuộc mưu sinh bằng công việc nhặt ve chai, bán vé số, phụ việc lau dọn ở quán ăn.

Rong ruổi trên chiếc xe lăn khắp nơi, từ Rạch Giá lên Cần Thơ, đến Đồng Tháp và TP. HCM, nếm trải đủ các vị ngọt, bùi, cay, đắng. “Khi đó, dù kiếm đủ tiền sống qua ngày, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, nếu không có một cái nghề ổn định, một người bình thường còn khó sống chứ nói gì đến người tật nguyền như mình”, Út nói.

Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười khi có người quen giới thiệu anh đến học nghề ở Trung tâm Dạy nghề Hóc Môn. Lúc đầu, nhìn cơ thể của Út, giáo viên lớp tranh ghép gỗ mỹ thuật không khỏi ái ngại nhưng anh đã chinh phục mọi người bằng sự cố gắng, kiên trì.

Sau mỗi buổi học, Út xin giáo viên mang gỗ về nhà để tập vẽ mẫu rồi mang đến phòng học cắt. Những mẫu của Út có tính sáng tạo, mới lạ... được giáo viên ứng dụng vào bài thực hành cho học viên.

Mối tình vượt giông bão

Chỉ người vợ đang nấu ăn trong bếp, Út xúc động nói: “Có được hạnh phúc ngày hôm nay, tất cả là nhờ các thầy cô, bạn bè ở Trung tâm Dạy nghề yêu thương, hết lòng chỉ dạy”.

Qua lời kể của Út, tôi mới biết, vợ anh cũng là một học viên của trung tâm. Mối tình lãng mạn của họ đơm bông kết trái từ những năm tháng học nghề cùng nhau. Sau khi được các thầy cô trong trung tâm động viên, giúp đỡ, 2 người mới bỏ qua mặc cảm, quyết định đi tới hạnh phúc.

18-32-33_nh-6
Út đang rất hạnh phúc bên vợ con

Nhưng sau đó, cuộc tình của họ tiếp tục nếm trải sóng gió, khi anh quyết định về quê chị ở Lâm Đồng để thưa chuyện với gia đình, anh rất buồn khi nghe những lời dị nghị không thương tiếc từ họ hàng nhà gái chỉ vì anh bị khuyết tật nặng, mất cả hai chân, sức khỏe yếu ớt lại rất nghèo. Trong khi đó, chân Thủy bị teo cơ nhưng còn có khả năng đi lại được.

“Chứng kiến chàng rể tật nguyền khá nặng, trong khi con gái mình cũng không lành lặn, họ lo lắng và ngăn cản cũng phải”, Út nhớ lại.

Trước sự cấm cản của gia đình, Út không nản lòng mà luôn chứng minh cho mọi người thấy dù khuyết tật nặng nhưng có thể làm bất cứ việc gì. Chỉ sau một thời gian ngắn, Út đã làm thay đổi suy nghĩ của gia đình Thủy.

Bằng nghị lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh, không chỉ thế, Út luôn lạc quan, yêu đời bằng nụ cười thường trực trên khuôn mặt ưa nhìn, lối nói chuyện hóm hỉnh, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có thể... Út đã lọt vào “tầm ngắm”, trở thành một trong số 90 nhân vật trong bộ sưu tập ảnh “Họ đã sống như thế” của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Á.

Đám cưới được diễn ra ngay sau đó. Trung tâm cũng đặt vấn đề tổ chức đám cưới cho đôi bạn nhưng vì đường sá xa xôi, không tiện cho hai bên gia đình lui tới nên hai bạn quyết định chỉ tổ chức gọn nhẹ ở nhà gái. Đến nay, anh chị đã có 6 năm chung sống hạnh phúc, đã có 1 cậu con trai 5 tuổi khỏe mạnh, khôi ngô và rất thông minh.

Đôi tay tài hoa

Hiện nay, mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh cũng đang có nhiều dự định mới trong tương lai và hy vọng mọi chuyện đều diễn ra như mong muốn.

“Với mình, được như ngày hôm nay là một niềm hạnh phúc vô cùng to lớn. Trước đây, có nằm mơ mình cũng không nghĩ có được ngày này. Sắp tới, mình sẽ mở một tiệm tranh riêng để vừa trưng bày sản phẩm, vừa nhận một số học viên là những người đồng cảnh ngộ khuyết tật như mình. Tuy nhiên, đó vẫn còn là ý tưởng bởi hiện nay, mình vẫn đang vừa học nghề, vừa dạy nghề cho các học viên mới trong Trung tâm Dạy nghề Hóc Môn", Út chia sẻ.

18-32-33_nh-5
Những tác phẩm khắc gỗ của Út

Ngoài tiền bán sản phẩm mà mình làm ra, Út còn nhận được lương hỗ trợ hằng tháng của trung tâm. Trong số những học viên từng theo học nghề ở đây, Út là một trường hợp đặc biệt bởi nghị lực phi thường cũng như đôi bàn tay tài hoa bẩm sinh. Rất nhiều những bức tranh của Út được khách hàng thích thú, mua với giá cao, và đặt hàng ở những tiệm tranh trong thành phố dành cho khách du lịch.

Ước mong của Út là được truyền đạt kiến thức làm tranh gỗ cho những người tàn tật khác để có thể tự mưu sinh.

“Ngoài việc định hình bố cục của bức tranh, cái khó nhất với những người khuyết tật như mình là việc mài giũa, cưa những tấm gỗ đúng ý tưởng. Với người bình thường, việc sử dụng máy cưa, bào, tiện cũng khá dễ dàng nhưng với người tàn tật, đó là công việc rất vất vả.

Ngoài việc chế tác gỗ, người làm tranh phải biết ghép và phối tạo màu sắc sao cho chúng sinh động, có hồn. Nhiều khách hàng sau khi tới đây, nhìn mình chế tác đã bỏ ra vài triệu đồng mua một tác phẩm. Hy vọng, sau này mình sẽ đem những hiểu biết của bản thân truyền lại cho những người không may mắn khác để họ có một sinh kế chứ không phải nhọc nhằn như mình hồi xưa nữa”, Út bảo.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.