| Hotline: 0983.970.780

Ưu đãi lao động nghèo "xuất ngoại"

Thứ Ba 02/07/2013 , 10:11 (GMT+7)

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu các địa phương phải tổ chức các lớp đào tạo tay nghề cho người lao động, nhất là lao động nghèo.

Trao đổi với NNVN, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung triển khai các đơn hàng XKLĐ có trình độ tay nghề chất lượng cao và ưu đãi cho các dự án đưa lao động nghèo "xuất ngoại" ở thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Nga, Bungari, Slovakia, các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE)… Vì vậy, Cục yêu cầu các địa phương phải tổ chức các lớp đào tạo tay nghề cho người lao động, nhất là lao động nghèo.


Nhiều lao động XKLĐ chủ yếu làm thợ may

Riêng với thị trường đang cần nhiều lao động như Angola, Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp với Đại sứ quán nước bạn thẩm định và đã cho phép thí điểm thực hiện một hợp đồng đưa lao động sang Angola với số lượng 50 người.

Hiện nay, Cục đang phối hợp nhiều bộ, ngành liên quan sang để tiếp tục khảo sát, đề xuất các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của công dân ta làm việc tại Angola. Trong thời gian chưa ký được Hiệp định hợp tác lao động giữa VN và Angola, Bộ LĐ-TB&XH vẫn chỉ đạo các doanh nghiệp XKLĐ tìm các hợp đồng bảo đảm các điều kiện đối với người lao động để đưa họ đi.

Việc đưa lao động đi phải bảo đảm chủ sử dụng lao động có tư cách pháp nhân tại Angola và được cơ quan có thẩm quyền của Angola cấp giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài và trực tiếp sử dụng người lao động khi họ sang làm việc.

Người lao động phải được bảo đảm về việc làm và thu nhập ổn định, các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động và các điều kiện sinh hoạt cơ bản khác theo pháp luật của Angola và VN. Theo quy định về xuất cảnh, công dân có hộ chiếu hợp lệ, được phía Angola cấp visa thì được xuất cảnh hợp pháp.

Việc bảo hộ, quản lý công dân ở nước ngoài đối với các đối tượng đi theo các hình thức trên đây thuộc trách nhiệm của cơ quan đại diện VN tại nước sở tại. Công dân phải đăng ký tại cơ quan đại diện để được theo dõi và bảo vệ. Mặc dù phần lớn số công dân này không đăng ký công dân với Đại sứ quán VN tại Angola nhưng Đại sứ quán vẫn thông qua cộng đồng để nắm tình hình và bảo vệ khi công dân gặp khó khăn.

Cũng theo ông Hải, hiện có khoảng 40.000 công dân VN đang sinh sống và làm việc tại nước này. Họ được một số người Việt tại Angola chuyển nhượng lại giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài của các chủ thầu xây dựng (chủ yếu là chủ thầu Trung Quốc) để đưa lao động sang đây.

Tuy nhiên, khi sang đến Angola, những người này lại không làm việc cho chủ sử dụng là các nhà thầu đứng tên trong visa lao động mà làm việc cho các cá nhân và doanh nghiệp khác. Như vậy, theo quy định của luật pháp Angola, họ thành lao động bất hợp pháp và khi phát hiện sẽ bị phạt 1.000 USD và bị trục xuất.

Bên cạnh đó, có nhiều công dân sang Angola bằng visa hợp pháp với mục đích du lịch hoặc thăm thân nhân, nhưng khi sang đến Angola thì tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ để ở lại kiếm việc làm. Đây chính là lý do khiến cho hai nước VN - Angola chưa bắt tay nhau trong việc cho phép doanh nghiệp đưa lao động sang nước này.

Trước tình trạng XKLĐ chui, bỏ rơi lao động gia tăng trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng xong để trình Chính phủ ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó đề xuất nâng mức xử phạt tối đa với vi phạm trong XKLĐ lên 200 triệu đồng (mức hiện hành là 40 triệu đồng).

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm sẽ ban hành Quy định về mức trần tiền ký quỹ của người lao động và quy định chung về mẫu hợp đồng trong hoạt động đưa lao động VN đi làm việc ở nước ngoài.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.