| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên chăn nuôi: Nói nhiều, chưa làm bao nhiêu

Thứ Năm 02/12/2010 , 09:32 (GMT+7)

Dự báo ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp những khó khăn gì? Cần phát triển gia cầm hay lợn? Nên ưu tiên đầu tư giống hay thú y trong thời gian tới?...

Dự báo ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp những khó khăn gì? Cần phát triển gia cầm hay lợn? Nên ưu tiên đầu tư giống hay thú y trong thời gian tới? Những vấn đề trên đã được mổ xẻ tại Hội nghị đánh giá kết quả chăn nuôi 2010 và định hướng phát triển những năm tiếp theo do Cục Chăn nuôi tổ chức hôm qua 1/12 tại Hà Nội.

Nhiều chính sách xa rời thực tiễn

Bài tổng hợp hơn 50 trang giấy dường như chưa đủ để đại diện ngành Chăn nuôi, ông Đỗ Kim Tuyên, Trưởng phòng Gia súc lớn (Cục Chăn nuôi) dựng lại bức tranh của ngành này. Những số liệu về lợn và gia cầm đều tăng hơn so với năm 2009, nhiều công ty chăn nuôi đang đầu tư mạnh với việc đưa KHCN vào sản xuất cũng không khiến ông bớt lo ngại về ngành chăn nuôi trong thời gian tới.

Nguyên nhân bởi dịch bệnh tai xanh ở lợn (PRRS) và cúm gia cầm (H5N1) tiếp tục bùng phát trên diện rộng và gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi với hàng chục ngàn con lợn mắc bệnh, trên 150 ngàn con bị tiêu hủy. Đặc biệt hai trận mưa lũ liên tục tại Bắc Trung bộ đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi trên 200 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tuyên, những tồn tại như chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành ngày càng cách xa thực tiễn. Mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá nguyên liệu thức ăn phụ thuộc vào NK vẫn là nguyên nhân khiến hiệu quả chăn nuôi thấp, giá thành chăn nuôi hiện nay bị đội lên nhiều lần. Rồi các dịch bệnh nguy hiểm chưa thể kiểm soát có hiệu quả, chứa đựng nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh cao gây tâm lý bất ổn cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Đặc biệt các mặt hàng thực phẩm NK có giá thành thấp khi Việt Nam gia nhập WTO cũng đang là thách thức đối với chăn nuôi Việt Nam. Chưa hết, sữa bột và các sản phẩm sữa, các sản phẩm chăn nuôi và gia cầm loại thải từ Trung Quốc nhập lậu vào nước ta gây rủi ro cao về dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi vốn của nhà nước đầu tư cho chăn nuôi hàng năm còn rất thấp, chưa bao giờ được xem là ngành chính trong nông nghiệp.

Đây sẽ là những khó khăn, bất cập khiến cho ngành chăn nuôi năm tới khó đạt 30 triệu con lợn với tổng sản lượng thịt hơi đạt trên 3,3 triệu tấn/năm; trên 337 triệu con gia cầm với hơn 600 ngàn tấn thịt…

Phải cơ cấu lại

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chăm chú nghe từng lời, từng ý của đại diện Bộ NN- PTNT trình bày. Song, theo ông Thiện, mục tiêu phát triển của ngành chưa nêu ra được điều quan trọng là: Chăn nuôi phải gắn chặt với xóa đói giảm nghèo. Đó là trên 10 triệu hộ chăn nuôi hiện nay sẽ phải có cuộc sống ngày càng tươm tất hơn. Phương thức chăn nuôi phải gồm ba dạng: công nghiệp 100%, bán công nghiệp và chăn nuôi cổ điển. Ở mỗi dạng, nhà nước sẽ hỗ trợ ra sao để có động lực phát triển?

Đặc biệt, quy mô và phương phức chăn nuôi phải được lồng ghép, kết hợp chặt chẽ với nhau. Ông Thiện ấn tượng với một chủ trang trại cách đây ba ngày đã nói rằng “để có một trang trại chăn nuôi phát triển, họ sẽ chọn 1 bà vợ đảm đang (khoa học công nghệ) rồi mới áp dụng các phương thức quản lý”. Đây chính là cách làm mà Thái Lan đã áp dụng để phát triển ngành chăn nuôi được như hiện nay. “Chúng ta đừng để có một Vinashin tồn tại trong ngành chăn nuôi” - Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN nói.

Đồng quan điểm với ông Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch kiến nghị, thời gian tới cần phải chuyển đổi lại cơ cấu trong chăn nuôi, không ưu tiên phát triển thịt lợn mà thay vào là thịt gia cầm. Có như vậy mới bớt được chi phí về nguyên liệu thức ăn. “Chúng ta cần mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu và kiện toàn lại cán bộ thú y. Thú y và chăn nuôi phải được coi là quan trọng ngang nhau” - ông Lịch đề nghị.

"Chính phủ cứ bảo sẽ hỗ trợ, bù cho người chăn nuôi bị thiên tai, địch họa 13.000 đồng/kg thịt nhưng khi tiếp xúc với người dân, tôi thấy họ có được hưởng số tiền đó đâu. Nhiều gia đình chỉ biết nghểnh cổ lên mà nhìn… ông trời thôi”. (Ông Lê Bá Lịch)

Hơn 40 năm gắn bó với ngành chăn nuôi, người đứng đầu Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cũng cho hay, hiện nay thủ tục hành chính đối với thức ăn chăn nuôi quá rườm rà, chỉ tạo điều kiện cho con buôn có lãi. Ông thủng thẳng: “Tôi thấy nghi ngờ về cách quản lý của ta, lúc nào cũng nói đến việc có giống tốt nhưng nếu thức ăn không tốt, không tránh được dịch bệnh thì giống có phát triển được không? Theo tôi, số thứ tự cần quan tâm là: thú y số 1; thức ăn số 2 và thứ 3 mới là giống vật nuôi".

Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam còn bức xúc hơn khi nói 10 năm nay, ông chỉ thấy lãnh đạo bảo phải quy hoạch chăn nuôi để bình ổn nhưng chỉ nói mà không làm hay làm chưa hiệu quả. Chính vì vậy, có rất nhiều DN chăn nuôi đã tự phá sản vì không được nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí như đã “hứa”. Ông cũng e ngại khi thấy số tiền xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi từng được coi là mũi nhọn để phát triển kinh tế đã bị giảm liên tục trong những năm qua.

TRƯỚC MẮT, LO PHÁT TRIỂN GIA CẦM

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT trao đổi nhanh với NNVN một số vấn đề chăn nuôi trước mắt.

Thưa ông, người dân các tỉnh miền Trung đang phải đối diện rất nhiều khó khăn trong chăn nuôi sau lũ. Bộ có giải pháp gì không?

Ngay khi hai đợt lũ rút, chúng tôi đã cử cán bộ xuống những vùng đó để giúp dân. Chúng tôi hiểu, con giống, trại chăn nuôi, thức ăn nhiều gia đình đã trôi hoàn toàn. Để khắc phục tình trạng này, công việc đầu tiên mà người dân phải làm là tránh dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng đến giống vật nuôi đang có. Chúng tôi cũng yêu cầu các công ty chuyên cung cấp con giống phải tiến hành cấp giống ngay tại địa phương và hạn chế chuyển giống từ địa phương khác vào. Có như vậy mới hạn chế được dịch bệnh.

 Ngay lúc này, người dân cũng phải tiêm phòng cho vật nuôi để phòng dịch sau lũ vì dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào. Đồng thời tập trung nuôi gia cầm nhiều hơn lợn vì loại này cung cấp thực phẩm nhanh nhất và tập trung vỗ béo để giải quyết được lượng thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán.

Năm nào cũng vậy, Tết là lúc thiếu nhiều thịt gia cầm, lợn. Với năm nay thì sao thưa ông?

Ngay khi tiếp nhận thông tin dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương hơn 1 tháng trước, chúng tôi ước lượng thịt sẽ thiếu khoảng 40.000 tấn. Còn bây giờ thì đã khác vì gia cầm phát triển rất nhanh. Còn mấy ổ dịch cúm gia cầm bùng phát vài nơi nhỏ lẻ nên cũng không ảnh hưởng nhiều.

Kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi năm 2011: Giá trị sản xuất tăng bình quân từ 7,5-8% so với năm 2010, đưa tỷ trọng chăn nuôi công nghiệp lên 30-32%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt xấp xỉ 4,3 triệu tấn (tăng 6,5%), trong đó lợn khoảng 30 triệu con, gia cầm 337 triệu con, bò sữa 155 ngàn con; sản lượng trứng là 6,5 tỷ quả; sữa đạt 330 ngàn tấn; mật ong là 19 ngàn tấn…

Tôi cũng từng cảnh báo, VN cần thay đổi cơ cấu, tập trung phát triển thịt gia cầm, rồi mới đến lợn, bò, dê… Gia cầm đầu tư ít, vòng quay nhanh nên sẽ tiết kiệm được thức ăn (tiêu tốn thức ăn cho lợn tốn gấp 1,3- 1,4 lần gia cầm). Sản xuất 500.000 tấn gia cầm sẽ tiết kiệm 250.000 tấn thức ăn/năm so với nuôi lợn.

Dư luận cũng rất hoang mang trước thông tin thịt gia cầm có nguồn gốc Trung Quốc đang được chuyển vào Việt Nam rất nhiều?

Trực tiếp đi khảo sát hơn 1 tuần nay tôi thấy Trung Quốc nhập vào Việt Nam chủ yếu là lòng, mề gà theo đường tiểu ngạch. Ngược lại lợn VN bán sang TQ ồ ạt đấy chứ. Khoảng 10 ngày trước đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 xe tải vận chuyển lợn, gà sang đó.

Kế hoạch dài hạn hơn sẽ là gì, thưa ông?

Người dân phải thay đổi nhận thức, quan điểm nhìn nhận về chăn nuôi với nhiều mặt tích cực. Họ phải hiểu rằng, chăn nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đối với an sinh xã hội. Ngoài ra phải thay đổi về cơ cấu, phương thức chăn nuôi, con giống, nguồn thức ăn và có quy hoạch ổn định. Chính các địa phương phải thực hiện những điều này.

Tôi cũng xin nhắc lại, từ nay đến Tết người dân có thể yên tâm về lượng thịt gia cầm có đủ. Thế nhưng, muốn thực hiện được điều đó thì cần chính quyền tham gia để quản lý vấn đề lưu thông an toàn, không dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất