| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên vốn

Thứ Sáu 02/12/2011 , 11:51 (GMT+7)

Vụ đông xuân năm nay, các ngân hàng vẫn đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ nông dân vay sản xuất.

Nông dân đang tập trung xuống giống
Mặc dù vào thời điểm cuối năm các ngân hàng luôn gặp khó trong việc huy động vốn. Tuy nhiên vụ đông xuân năm nay, các ngân hàng vẫn đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ nông dân vay sản xuất.

Gia hạn nợ vùng vỡ đê

Đây là một thông tin đáng mừng cho nông dân những vùng bị thiệt hại do lũ trong thời gian vừa qua ở vùng ĐBSCL. Bởi lẽ trên thực tế, trận lũ lịch sử đã khiến hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh nợ nần vì lúa bị mất trắng do vỡ đê. Chỉ riêng hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, tổng thiệt hại do lũ vừa qua lên đến hơn 1.600 tỉ đồng. Trong đó, phần thiệt hại về sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và vườn cây ăn trái khoảng 390 tỉ đồng. Nhiều nhất là Đồng Tháp với 251 tỉ đồng và An Giang khoảng 141 tỉ đồng.

 Đây chính là thách thức lớn cho vụ kế tiếp khi nông dân phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều nông dân cũng tỏ ra vui mừng vì hay tin các ngân hàng đã đồng ý gia hạn nợ và tiếp tục cho vay mới để sản xuất. Tổng số nợ mà nông dân hai tỉnh được gia hạn trong đợt này khoảng 77 tỉ đồng.

Ngân hàng đồng ý cho gia hạn nợ quả là tin vui. Tuy nhiên, theo nguyện vọng nhiều nông dân, nếu được Nhà nước hỗ trợ lãi suất lúc này thì sẽ giảm bớt khó khăn hơn. Bởi lẽ việc gia hạn nợ mà vẫn phải chịu lãi thì khó khăn cũng chẳng giảm bớt là bao. Nếu giá lúa còn giữ được ở mức như hiện nay thì vụ tới thu hoạch xong còn có cơ hội trả nợ ngân hàng, còn ngược lại thì không biết bao giờ mới trả xong.

Ông Trần Văn Kì, một nông dân ở ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết, trong vụ 3 vừa qua, gia đình ông đã bị mất trắng 6 ha lúa với số tiền thiệt hại gần 90 triệu đồng. Trong đó, phần nợ ngân hàng là 60 triệu, số còn lại là nợ ở cửa hàng VTNN. “Ngân hàng cho gia hạn nợ nhưng vẫn tính lãi thì cũng không giúp được gì nhiều. Trong khi đó ở các cửa hàng, đại lí phân bón, thuốc trừ sâu, họ cũng tính lãi nữa thì cho dù mùa sau có bán sạch lúa cũng trả chưa hết nợ. Phải chi Nhà nước hỗ trợ phần lãi ngân hàng cho dân mình lúc này thì đỡ khổ biết mấy” - ông Kì hy vọng.

Không để thiếu vốn

Thông thường vào thời điểm cuối năm các ngân hàng luôn gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Tuy nhiên, qua trao đổi với một số ngân hàng đều khẳng định rằng, đối với lĩnh vực nông nghiệp quyết không để cho nông dân thiếu vốn sản xuất. Không chỉ riêng về trồng lúa mà việc nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái cũng được ưu tiên.

Tại tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự kiến số nợ cần được gia hạn cho nông dân ở các vùng bị vỡ đê làm mất trắng về lúa, cá và cây ăn trái khoảng 55 tỉ đồng. Trong đó, Tân Hồng là huyện có số hộ bị thiệt hại và cần được gia hạn nợ nhiều nhất với trên 20 tỉ đồng. Mặc dù thời điểm này nông dân chưa đến hạn trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, nếu nông dân gặp khó khăn mà không thể trả nợ khi đúng hạn với lí do khách quan thì ngân hàng sẵn sàng đồng ý gia hạn và tiếp tục cho vay mới để sản xuất.

Đó là tính riêng ở những vùng bị thiệt hại về lũ. Còn trên phạm vi toàn tỉnh, vụ đông xuân năm nay, Đồng Tháp cần số vốn khoảng 400 tỉ đồng. “Điều quan trọng là ngân hàng sẽ phục vụ theo nhu cầu của nông dân chứ không như quy định trước đây chỉ có 20 triệu đồng/ha. Hiện tại một số ngân hàng trực thuộc ở các huyện đã triển khai cho nông dân vay vốn mới được khoảng 50% nhu cầu, khoảng 200 tỉ đồng” - một vị lãnh đạo Ngân hàng NN- PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Tương tự như Đồng Tháp, năm nay nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất của nông dân tỉnh An Giang cao hơn cùng kì năm trước khoảng 10%. Đặc biệt tại các vùng bị thiệt hại do vỡ đê, số hộ dân cần được gia hạn nợ vào khoảng 20 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Phước, PGĐ Ngân hàng NN- PTNT An Giang cho biết, qua khảo sát nhu cầu vốn cho vụ đông xuân năm nay, dự kiến toàn tỉnh cần khoảng 300 tỉ đồng. Hiện tại các ngân hàng trực thuộc trên địa bàn đã thực hiện cho vay đạt khoảng 50% nhu cầu. Số còn lại sẽ tập trung giải ngân dứt điểm trong tháng 12 theo lịch xuống giống của nông dân.

Ông Phước cho biết thêm, nếu so với các ngân hàng khác thì lãi suất của ngân hàng NN- PTNT là thấp nhất, khoảng 17-18%/năm. “Mặc dù hiện tại việc huy động vốn của chúng tôi có giảm so với năm 2010 khoảng 120 tỉ đồng. Tuy nhiên không vì thế mà để nông dân thiếu vốn sản xuất. Phần thiếu hụt do huy động vốn bị giảm, chúng tôi cũng đang đề nghị Trung ương hỗ trợ để tiếp tục giải ngân bổ sung cho nông dân ở những vùng nước lũ rút chậm” - ông Phước nói.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.