| Hotline: 0983.970.780

Ủy thác XNK điều tập trung - Lợi dăm bảy đường

Thứ Năm 16/09/2010 , 14:30 (GMT+7)

Việc tập trung hàng hóa vào những đầu mối để tiến hành giao dịch dưới hình thức ủy thác XNK, trong đó sự thống nhất về mẫu mã hàng hóa và những thông tin về giá cả chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng.

Ngành điều VN vẫn chưa có được một tổ chức nghề nghiệp thống nhất như nhiều tổ chức nghề nghiệp khác. Trong bối cảnh mà sự thống nhất của toàn ngành đã và đang trở thành một đòi hỏi bức thiết thì sự ra đời của câu lạc bộ G20 trong lòng của Vinacas khiến cho dư luận trong ngành thấy sự phân liệt chỉ càng trở nên sâu sắc hơn. Dường như Vinacas chỉ còn là tổ chức của một nhóm các đại gia, hàng trăm doanh nghiệp hội viên bé nhỏ còn lại trở nên thừa.

Đã nhiều năm nay, vấn đề không thể thống nhất trong nội bộ ngành này luôn luôn chỉ xoay quanh vấn đề giá cả và chất lượng hàng hóa. Những cuộc họp mặt chỉ là để “phiếm đàm”, xả stress. Tan hội rồi, ai về nhà nấy, không ai nghe ai, mạnh ai nấy làm.

Thu mua nguyên liệu hạt điều thô nhiều năm nay là một cuộc chiến gay gắt giữa các nhà máy, bao gồm cả các doanh nghiệp chỉ làm thương mại thuần túy. Những doanh nghiệp này – mà đa phần là doanh nghiệp Nhà nước hoặc cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước, không có nhà máy, không trực tiếp sản xuất chế biến, nhưng thừa tiền - thậm chí là có quá nhiều tiền, bởi họ vay tiền không cần thế chấp. Những doanh nghiệp đó mạnh gấp hàng nghìn lần các doanh nghiệp tư nhân – những doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi ai cũng biết rằng, tiền là máu, là sức mạnh của doanh nghiệp.

Tuy nhỏ bé nhưng không phải lúc nào các doanh nghiệp nhỏ này cũng yếu thế. Không thiếu những trường hợp cuộc chiến không cân sức này diễn ra thật ngoạn mục mà kẻ “dính đạn” lại là những “ông lớn”. Chỉ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé đưa ra giá mua nguyên liệu 10.000đ/kg, lập tức các ông lớn tăng lên thêm 200, 300, thậm chí 1000đ. Rồi vài con cá nhỏ lại tăng thêm 1200, 1300…cứ vậy. Khi hàng rớt giá những con cá nhỏ sẽ không chết vì họ chỉ mua vài chục tấn, các ông lớn mới “dính” nặng vì các ông lớn phải mua hàng nghìn tấn. Khi đó cái chết của các ông lớn thật thê thảm. Ngành điều đã từng chứng kiến sự sụp đổ của nhiều ông lớn. Tôi đã có bài về tấn bi kịch này (bài: Nghịch lí Ngành điều VN – cá bé rỉa chết cá lớn).

Nhưng hai năm nay, ngành điều lại đã xuất hiện những “luồng đạn” khác nhau. Cuộc chiến giữa cá bé và cá lớn đã và đang diễn ra thật ngoạn mục. Những con cá lớn dường như đã mệt mỏi với cuộc chiến trong nước. Cả nước có hàng nghìn cơ sở chế biến, từ quy mô siêu nhỏ đến siêu lớn. Nhu cầu nguyên liệu toàn ngành để thỏa mãn công suất cho hàng nghìn cơ sở này đã vượt quá mức triệu tấn nguyên liệu/năm, trong khi đó, sản lượng điều do VN làm ra mỗi năm một giảm. Nguyên nhân là vì một hec-ta điều mỗi năm chỉ thu được 20 -30triệu là tối đa, trong khi nếu trồng cây khác, mức thu nhập sẽ cao hơn từ 2 – 3 lần.

Bởi vậy, từ 3-4 năm nay, diện tích sản lượng điều mỗi năm một giảm, từ 450.000T/năm (cao nhất) vào năm 2006, nay chỉ còn khoảng 350.000T/năm và chắc chắn sản lượng này sẽ còn giảm nữa. Với sản lượng chỉ có chừng đó, đại đa số các ông lớn không dại gì lao vào cuộc nội chiến với chủ trương “mua bằng mọi giá” để rồi có thể bị những con cá nhỏ rỉa chết. Những con cá lớn đã chuyển hướng ra nước ngoài.

Mua hàng nước ngoài có nhiều cái lợi:

Không cần phải chiến tranh với nhau. Không cần một hệ thống sân bãi mênh mông với hàng ngàn các chi phí, những sự nhũng nhiễu của những người làm công phơi phóng, thu nhặt, bốc dỡ… Giảm đến thấp nhất nỗi lo mưa gió. Không phải lo về chuyện hàng hóa bị xào chẻ, gian lận vì đã có cơ quan kiểm định chất lượng quốc tế và trong nước làm trọng tài. Luôn chủ động được nguồn hàng nhập về phù hợp với tiến độ giải ngân và kế hoạch sản xuất. Ngân hàng cũng yên tâm hơn khi xem xét hồ sơ cho vay, vì nguồn vốn vay này chắc chắn được sử dụng “đúng mục đích”

Nhưng mua hàng nước ngoài không hề dễ dàng, không phải ai cũng có thể.

Nhiều năm nay, vẫn xảy ra trường hợp người bán hủy hợp đồng giữa chừng dù LC đã được phía bên mua mở theo hợp đồng. Trường hợp này thường xảy ra khi giá thị trường điều thô tại thời điểm giao hàng tăng cao hơn so với giá đã ký, khiến người bán thiệt thòi khá lớn. Hiện tại giá điều thô trên thị trường nằm ở mức 900 – 1500USD/T, trong khi đó, những hợp đồng đã ký từ tháng 3,4,5/2010 chỉ dao động trong khoảng 700 -860USD/T. Như vậy, nếu thực hiện giao hàng, phía người bán sẽ thiệt thòi khoảng 30 -40% trên giá bán, từ 300 - 600USD/T. Mỗi hợp đồng mua bán thường từ 200 -1000T, nghĩa là số thiệt hại sẽ khoảng từ 60.000 – 300.000USD cho mỗi hợp đồng.

Thực trạng này tất yếu dẫn đến hệ quả người bán “xù” hợp đồng. Nhưng ai sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân?

Với những doanh nghiệp Việtnam đã và đang là khách hàng lớn, sức mua mạnh và ổn định, có uy tín với người bán ở nước ngoài từ nhiều năm thì khả năng bị xù là khá thấp. Người bán không dại gì làm mất uy tín với khách hàng lớn, vốn có tầm ảnh hưởng rộng trong ngành. Đối tượng dễ dàng để “xù” chỉ còn lại là những con cá nhỏ hoặc là mới lớn. Đa số những doanh nhân này do thiếu thông tin, thiếu quan hệ, uy tín thương hiệu còn ở mức bình thường, đặc biệt là không có trình độ ngoại ngữ để giao dịch trực tiếp mà phải thông qua người môi giới nhỏ lẻ - những người thường chỉ biết tiếng Anh nhưng kinh nghiệm và uy tín trong quan hệ giao dịch còn hạn chế.

Đối tượng này, khả năng bị xù là hoàn toàn có thể. Theo thông tin nội bộ, hiện đã có hàng chục ngàn tấn điều thô đã ký, thậm chí đã mở LC từ tháng 5/2010 nhưng đến nay đã bị “xù” hợp đồng, gây thiệt hại cho người mua VN hàng chục triệu USD. Nghiêm trọng hơn là vì vậy, nó đã đẩy các nhà máy này vào tình trạng thiếu nguyên liệu, có khả năng phải đóng cửa chờ niên vụ mới. Việc kiện tụng không hề dễ dàng vì những hạn chế của người mua VN. Trình độ ngoại ngữ, sự am hiểu pháp lý, tiền thuê mướn luật sư, những chi phí tốn kém về đi lại từ VN đi Singapor, thậm chí phải theo hầu kiện ở mãi tận Tòa Phúc thẩm Luân đôn… là những thách thức quá lớn, đến mức người mua VN hiểu rằng việc khởi kiện dường như là bất khả thi.

Về mặt xuất khẩu, ngành Điều VN cũng càng ngày càng bộc lộ sự yếu kém trong điều hành vĩ mô mà rõ nét nhất vẫn là việc thống nhất về giá bán ra, cùng với nó là sự hỗn loạn về chất lượng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một kiểu. Chính sách khuyến khích xuất khẩu trực tiếp đã khiến ngành điều nở rộ các giao dịch trực tiếp. Hàng trăm doanh nghiệp – thông qua các nhà môi giới nhỏ lẻ, dù mỗi năm chỉ xuất được một vài “công” cũng trực tiếp ký hợp đồng “để lấy tiếng’ khiến tình trạng phân tán, hỗn loạn về giá cả và rủi ro trong giao nhận, thanh toán … càng phát triển. Sự hạn chế về năng lực giao dịch, uy tín thương hiệu hàng hóa của hàng trăm doanh nghiệp này tất yếu dẫn đến những rủi ro như với trường hợp nhập khẩu trực tiếp. Với những doanh nghiệp này, khả năng bị “xù” hợp đồng, chậm trễ trong thanh toán quốc tế, thậm chí bị phạt vì những vi phạm về tiêu chuẩn VSATTP… là những cạm bẫy luôn rình đón họ.

Trong bối cảnh đó, việc tập trung hàng hóa vào những đầu mối để tiến hành giao dịch dưới hình thức ủy thác xuất nhập khẩu, trong đó sự thống nhất về mẫu mã hàng hóa và những thông tin về giá cả chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng.

Vinacas – tổ chức lớn nhất của ngành điều VN, tổ chức chính thống của ngành điều VN, lẽ ra phải là người phát ngôn có uy tín nhất về giá cả thị trường, nhưng đáng tiếc là thông tin giá cả thị trường của cơ quan này thường sai lệch khá lớn với thực tế. Chỉ đơn cử một bản tin ngày 09/09/10. Tại thông tin này, giá DW bán ra là 6,8USD/kg, WS/WB cũng tương đương 6,7USD/kg. Theo thông tin chúng tôi nắm được, đó chỉ là giá bán ra của một doanh nghiệp không phải là hội viên Vminacas nên lâu nay không theo mẫu của ngành, nghĩa là loại DW của họ chính là LBW, loại hàng có mức giá cao hơn loại DW của thị trường chung từ 60 -70cens. Bởi vậy, cùng lúc đó, một kênh thông tin khác (QUANGVINH- cũng là nhà môi giới VN) thu hút gần như toàn bộ ngành điều cập nhật mỗi ngày, cho biết giá bán ra của hai loại hàng này chỉ là 6,1 – 6,15, thấp hơn thông tin của Vinacas tới 70 – 80cens/kg, nghĩa là chênh lệch đến gần 16.000đ/kg.

Ngành Điều VN đã và đang là tổ chức có lợi thế hơn tất cả các tổ chức khác đã và đang xây dựng sàn giao dịch điều. Tuy vậy, để có thể tạo dựng được những đầu mối đó, VINACAS lại đang thiếu những điều kiện cần và đủ.

Trước hết, với tư cách là một tổ chức, nó thiếu một chỗ dựa về Tài chính đủ mạnh và sự tin cậy lẫn nhau để thực hiện việc mở LC đúng hạn. Và cao hơn hết, đó là, cần phải có những nhà tổ chức có tâm và có tài, có uy tín để doanh nhân doanh nghiệp cũng như Tổ chức Tín dụng có thể an tâm ký gửi niềm tin, cơ hội và tiền bạc của mình.

Tại thời điểm đó, loại hàng này trên thị trường vẫn chỉ đang giao dịch thực tế ở mức giá 6,2USD. Đọc mấy thông tin này, một doanh nhân đã và đang giao dịch mua vào – bán ra mặt hàng điều nhân với doanh số xuất khẩu 200 -300T (15-20cont)/tháng, nói vui: giá của Vinacas thông báo chắc là giá của mấy người đi mua hàng làm quà biếu Trung Thu, chớ nếu ai cũng tin vào giá này thì tụi tui chắc chết luôn, khỏi mua được hột hàng nào nữa.

Thông tin về giá cả là vô cùng quan trọng. Đưa tin đúng sẽ khiến thị trường ổn định, đưa tin sai, thậm chí sai lệch quá lớn sẽ tạo ra tình trạng hoảng loạn.

Sự hỗn loạn của thị trường xuất nhập khẩu trong ngành điều dẫn đến một đòi hỏi tất yếu : cần phải tập trung hoạt động này vào càng ít đầu mối càng tốt. Chỉ là những đầu mối chứ không phải là một Câu lạc bộ G20 riêng rẽ với “phần còn lại của thế giới” điều VN. Khi đã hình thành các đầu mối này, các nhà máy nhỏ sẽ chỉ cần giao dịch với những đầu mối đó để ủy thác xuất nhập khẩu cho mình. Chỉ như vậy, mẫu mã chất lượng và giá cả hàng hóa mới có thể được kiểm soát và đi dần đến sự thống nhất, ổn định thị trường. Cũng như vậy, các hợp đồng nhập khẩu cũng sẽ được đảm bảo về tính khả thi, khả năng bị xù hợp đồng sẽ được giảm thiểu. Tránh tình trạng bấp bênh trong giao dịch mua bán như đã và đang xảy ra.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất