| Hotline: 0983.970.780

Vacxin sản xuất trong nước chưa cạnh tranh được

Thứ Tư 27/08/2014 , 10:11 (GMT+7)

Việt Nam hoàn toàn sản xuất được vacxin, nhưng phải thừa nhận một thực tế là sản phẩm chưa cạnh tranh được bởi chất lượng chưa cao, tiếp thị kém./ "Chúng ta vào cuộc quá chậm"

Đầu tư một dây chuyền SX vacxin rất tốn kém, trong khi đó sản phẩm bán ra không được bao nhiêu, thu hồi vốn chậm nên không mấy DN đầu tư.

Đây là chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Đức Tân (ảnh), Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung (Viện Thú y, Bộ NN-PTNT) với PV NNVN.

19-02-44_nh-1

VẪN CHUỘNG NGOẠI

Việt Nam sản xuất được nhiều vacxin phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm nhưng một số DN vẫn cứ nhập khẩu vacxin ngoại, mặc dù giá đắt hơn rất nhiều vacxin nội. Ông có thể cho biết lý do?

Ở nước ta không phải là không SX được vacxin thú y, hiện chỉ một số vacxin chưa SX được như vacxin lở mồm long móng (LMLM). Các loại vacxin khác như vacxin tai xanh đang trong quá trình thử nghiệm và sắp được ra thị trường, vacxin cúm gia cầm (CGC) đã SX rồi. 

Nhưng tại sao lại phải nhập? Theo tôi, vacxin ngoại có chỗ đứng trong thị trường chúng ta được là nhờ marketing tốt. Nhiều công ty sản xuất vacxin có thương hiệu trên toàn thế giới, chất lượng tốt, mẫu mã tốt thì luôn tồn tại và chiếm lĩnh thị phần.

Thực tiễn cho thấy, các trang trại, công ty chăn nuôi có quy mô lớn, họ thường sử dụng vacxin ngoại vì các lý do nêu trên. Bởi họ đã đầu tư lớn vào con giống, chuồng trại thì khoản vacxin đâu có thấm tháp gì. Nên cứ dùng hàng ngoại cho yên tâm.

Ông đánh giá gì về tình hình SX và cung ứng vacxin thú y trong thời gian qua? Có bất hợp lý gì không?

Việc SX vacxin ở trong nước hiện nay chủ yếu là 3 đơn vị gồm: Navetco, Vetvaco và Phân viện Thú y miền Trung. Các đơn vị này đều SX được các loại vacxin phòng chống dịch bệnh thông thường trên gia cầm, gia súc, trừ vacxin LMLM.

Hiện nay việc SX cung ứng vacxin nội địa ra thị trường phục vụ ngành chăn nuôi không thiếu, hằng năm 3 đơn vị luôn có chương trình khuyến mãi và giảm giá để khuyến khích người chăn nuôi.

Những vacxin phục vụ công tác phòng chống các loại dịch bệnh thông thường SX trong nước có giá thành thấp hơn vacxin ngoại nhiều, có loại còn rẻ hơn nhiều lần và chất lượng vẫn đảm bảo. Hệ thống cung ứng vacxin cũng đã xuống tận người tiêu dùng qua các Chi cục thú y, đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Như tôi đã nói do khâu tiếp thị chưa tốt, nên hiện nay sử dụng vacxin trong nước chủ yếu vẫn là những hộ gia đình, trang trại chăn nuôi nhỏ và vừa, còn những trang trại quy mô lớn thì tỷ lệ sử dụng vacxin trong nước không nhiều. Các trang trại này sử dụng vacxin rất nhiều và họ chọn những thương hiệu lớn của nước ngoài.

Ngoài 3 đơn vị chủ yếu đã nói trên cung ứng vacxin trong nước thì thời gian tới có thêm một số đơn vị nữa, như RTD, Hanvet, Vinavetco... do vậy việc cung ứng vacxin thông thường ở VN không thiếu và chắc chắn đảm bảo đầy đủ phục vụ ngành chăn nuôi.

 Ngoài ra, nguồn vacxin ngoại lưu thông trên thị trường rất nhiều, nguồn vacxin đa dạng, hiện đã có vài chục Cty đưa vacxin vào thị trường VN. Vacxin ngoại đang chiếm lĩnh thị phần bởi mẫu mã, nghiệp vụ marketing họ làm rất tốt nên được nhiều người chăn nuôi sử dụng.

Việc này không có gì bất hợp lý cả, bởi SX và cung ứng vacxin hoàn toàn là do thị trường điều tiết. Nhưng thẳng thắn mà nói nhìn vào cơ sở vacxin nội địa chưa thể ngang tầm với các công ty lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó về quy mô, sản phẩm, mẫu mã chưa được như họ. Đặc biệt vấn đề tiếp thị, marketing không bằng được nước ngoài, do đó quá trình cạnh trạnh cần một thời gian nữa mới khẳng định được chỗ đứng của vacxin nội.


Ảnh minh họa

Phân viện Thú y miền Trung - Viện Thú y những năm qua đã tập trung nghiên cứu các đề tài mang tính ứng dụng cao, trong đó chủ yếu là vacxin. Phân viện đang sản xuất 14 loại vacxin, trong đó có nhiều loại vacxin mới như: Vacxin kép tụ huyết trùng - phó thương hàn; tụ huyết trùng – đóng dấu lợn, tụ huyết trùng dê cừu, E.coli…, đã khẳng định được thương hiệu. Mỗi năm Phân viện cung ứng cho người chăn nuôi hàng trăm triệu liều vacxin.

Để vacxin nội địa muốn “đứng chân” được thì các DN phải đầu tư kỹ thuật và cơ sở vật chất, lúc đó mới cạnh tranh bền vững được với sản phẩm của nước ngoài.

CẦN ĐƠN GIẢN THỦ TỤC

SX vacxin thú y không quá khó, DN VN hoàn toàn có thể làm được. Bằng chứng cụ thể là nhiều năm qua, cùng với nhiều DN khác, Phân viện Thú y miền Trung vừa tiến hành nghiên cứu, vừa SX vacxin cung ứng cho người chăn nuôi.

Vậy theo ông, VN có thể hoàn toàn tự chủ (nghiên cứu, SX, cung ứng) vacxin cho ngành chăn nuôi được không?

Như trên đã nói, vấn đề này không khó. Hiện nay VN hoàn toàn tự chủ làm được, phần lớn những vacxin thông dụng ở trong nước SX được rồi, còn một số loại vacxin như tai xanh thì đang sản xuất thử nghiệm, vacxin cúm gia cầm thì đã sản xuất được, riêng LMLM đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm.

Thực tế có một số loại vacxin SX được nhưng các đơn vị không muốn SX, vì vacxin này không thông dụng. Mặc khác, đầu tư một dây chuyền SX vacxin rất tốn kém, trong khi đó sản phẩm bán ra không được bao nhiêu nên khó thu hồi vốn, do vậy nhiều đơn vị không đủ vốn và chưa sẵn sàng đầu tư.

Vậy Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích như thế nào với DN sản xuất vacxin trong nước?

Theo tôi, để khuyến khích các đơn vị tham gia nghiên cứu, SX vacxin thì phải có những quy chuẩn, đúng về mặt pháp lý, nhưng phải thông thoáng hơn.

Hiện nay từ khi nghiên cứu ra vacxin đến khi có sản phẩm ra thị trường phục vụ chăn nuôi còn quá lâu, có khi đến trên 2 năm. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước phải có những hướng dẫn cụ thể, rà soát, rút gọn thủ tục và tạo điều kiện để cơ quan nghiên cứu, DN làm hồ sơ đăng ký. Mẫu mã hồ sơ đăng ký đơn giản để sản phẩm sớm được đưa ra thị trường.

Ví dụ, hiện muốn đánh giá một sản phẩm vacxin thì phải thông qua nhiều hội đồng, mất rất nhiều thời gian. Để giải quyết việc này chỉ cần đưa ra các tiêu chí đánh giá ngắn gọn do cơ quan quản lý xem xét, quyết định thì bớt được rất nhiều thời gian.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất