| Hotline: 0983.970.780

Vải là loại quả an toàn, không nên quan ngại

Thứ Ba 20/06/2017 , 08:37 (GMT+7)

Đó là khẳng định của BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). 

Theo ông, quả vải là một loại thực phẩm tương đối lành và ở Việt Nam chưa có bằng chứng khẳng định chuyện ngộ độc gây tử vong do ăn vải.

Quả lành

Trước thông tin ngày 8/6, có 4 em bé, trong đó có 3 em bé tử vong tại Cao Bằng nghi liên quan đến ngộ độc do ăn vải rừng gây hoang mang dư luận. Một tuần sau, BS Lục Văn Đại - Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng khẳng định, các nhà chuyên môn loại trừ nguyên nhân các cháu bé ngộ độc do vải mà nghi viêm não, viêm màng não. Song kết quả xét nghiệm ban đầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong ngày 15/6 cho thấy các mẫu bệnh phẩm của ba bé tử vong tại Cao Bằng âm tính với virus viêm não Nhật Bản B và vi khuẩn não mô cầu.

15-32-56_y_te_bs_nguyen
BS Nguyễn Trung Nguyên

Đồng thời, BS Nguyễn Thị Quỳnh Mai (TP Hồ Chí Minh; tốt nghiệp Trường Y khoa Sài Gòn năm 1975) đã chia sẻ lại bài đã viết trên trang Facebook cá nhân thông tin cảnh báo về ngộ độc quả Ackee ở Ấn Độ và Jamaica, với triệu chứng ói mửa, co giật, hạ đường huyết. 

Theo BS Nguyễn Thị Quỳnh Mai chia sẻ: “Các bác sĩ bên Ấn Độ thấy triệu chứng ngộ độc quả Ackee ở Jamaica giống các triệu chứng của trẻ bị viêm não vào mùa vải ở xứ mình. Và họ tìm ra bệnh "viêm não" mùa vải là do trẻ con ăn quả vải ương, sau một đêm ngủ đói meo vì bỏ cơm tối".

Thủ phạm chính được BS Quỳnh Mai chỉ rõ là “chất hypoglycin trong quả vải ương có tác dụng ức chế quy trình chuyển chất đường dự trữ trong gan, trong mỡ thành đường trong máu để cân bằng đường huyết giảm do nhịn đói. Hậu quả là đường huyết của trẻ bị hạ thấp quá mức cho phép và trẻ có triệu chứng tổn thương thần kinh giống như bệnh viêm màng não do siêu vi hay viêm não Nhật Bản B”. 

Những thông tin nêu trên càng khiến dư luận lo lắng về việc sử dụng quả vải trong bữa ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, trước những nghi vấn về độc từ quả vải, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, vải là một loại quả tương đối lành và an toàn tại Việt Nam. Việt Nam chưa có bằng chứng về những chất độc do ăn phải thịt quả vải.

BS Nguyên khẳng định: “Việt Nam từng xảy ra những trường hợp bị bệnh nghi ngờ do quả vải nhưng chưa có bằng chứng về ngộ độc mà thiên về virus nhiều hơn”.

Theo phân tích của BS Nguyên, cũng giống như nhiều loại thực phẩm khác, việc xảy ra ngộ độc do nguyên nhân vi sinh, hóa chất từ thực phẩm đều giống nhau. Do đó, với quả vải, nếu trên vỏ quả có hóa chất do phun hoặc hoặc có lẫn các vi sinh vật trong tự nhiên thì không tránh được những ngộ độc như ngộ độc thực phẩm khác.

Còn về chất hypoglycin A và methylcyclopropylglycin trong quả vải được các tài liệu nước ngoài đề cập đến, các chất này có tác dụng làm giảm glucose máu, được cho là nguyên nhân gây ngộ độc, bác sĩ Nguyên cho hay, theo Viện Dược liệu Việt Nam cũng đã phân tích thì chất methylcyclopropylglycin nằm ở hạt vải, chứ không phải trong cùi vải.
 

Không nên lo ngại

Trước các thông tin cảnh báo về nguy cơ ngộ độc vải ở nước ngoài, ông Nguyên cho biết bản thân với các nước đó vẫn còn phải nghiên cứu tiếp. “Tôi nghĩ ở nước ta cần có thêm những nghiên cứu, khảo sát trong điều kiện cây cỏ và con người của Việt Nam, có sự tham gia của các ngành sinh học, nông nghiệp, khoa học và công nghệ và y tế", BS Nguyên nói.

Trước kết luận của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 bệnh nhi âm tính với virus viêm não Nhật Bản và vi khuẩn não mô cầu, BS Nguyên cho hay, vừa qua các cơ quan mới tính đến hai vi trùng phổ biến, trong khi còn nhiều virus khác không xét nghiệm được.

BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Ở Việt Nam hiện nay, có nhiều virus chưa xét nghiệm được, kể cả là virus cổ điển hay virus mới. Có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc viêm não không thể phát hiện ra do ngộ độc hay do virus”.

Cho tới hiện tại, cũng chưa có kết luận nào khẳng định những sự việc đã gặp do quả vải gây ra. Với khẳng định vải là loại quả an toàn, BS Nguyên khuyến cáo người dân không nên quan ngại khi vải đang vào mùa.

Theo phân tích của BS Nguyễn Trung Nguyên, cây cỏ, động vật có các chất dinh dưỡng, các chất có hoạt tính sinh học có lợi cho sức khỏe con người, nhưng đồng thời có thể có chất có thể ảnh hưởng theo hướng ngược lại. Ví dụ quả na có coclaurin và nornuciferin có tác dụng độc với tế bào, hạt quả na có chất độc là các glycerid dùng để diệt chấy, sắn hay măng có cyanua… Vì thế, vấn đề là hàm lượng các chất này bao nhiêu, có ở các bộ phận nào, ở giống hoặc loài cụ thể nào, trồng ở nơi đâu, cơ thể chúng ta và cách chúng ta ăn vào ra sao… mới là việc cần đánh giá hay nghiên cứu tiếp.

 

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.