| Hotline: 0983.970.780

Vài mẩu chuyện nhỏ về nghề giáo

Thứ Năm 20/11/2014 , 09:35 (GMT+7)

Đó là chuyện của thầy tôi, của em tôi và của chính bản thân tôi.

CHUYỆN VỀ THẦY TÔI

Thầy Huỳnh Minh Hùng dạy tôi lớp 5. Nhà thầy ở thôn Mỹ Trung (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Mặc dù là đồng bằng nhưng cách đây đã gần bốn mươi năm, vậy nên trường lớp lúc đó còn tuềnh toàng lắm: Mái tranh, vách đất, bàn ghế cũng lởm khởm, chắp vá.

Quanh trường không có tường rào, chỉ những học sinh lớp 4, lớp 5 một năm vài lần, đi lao động lên núi chặt cây về làm hàng rào bao quanh trường. Tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi heo gà, kể cả trâu bò cũng húc đổ.

Nhiều buổi học, ngoài cửa lấp ló một vài chị (lúc ấy không quá mười lăm, mười sáu tuổi) ẵm con lén nhìn vào. Có khi một con heo to tướng chạy xộc vào lớp học bằng cái lỗ mà chính nó vừa mới ủi hôm qua dưới chân tường.

Duy chỉ có cái bảng đen là nguyên vẹn. Mà cũng phải thôi, chúng tôi ngày ấy học những kiến thức của thầy viết lên bảng là chính, chứ có học gì nhiều ở hình thức ngôi trường!

Tôi còn nhớ nhiều kỷ niệm về thầy Hùng và lớp 5 với 14 học trò hồi ấy. Ngày ấy, mỗi khi đến giờ học môn Văn là tôi rất vui. Đặc biệt là những tiết trả bài kiểm tra, tôi học giỏi Văn nhất lớp nên bài của tôi thường được đọc trước lớp.

Thầy Hùng đưa ngón trỏ của bàn tay phải cong vút lên, chỉ về phía tôi, nói: “Trò Lâm đứng lên đọc bài của mình cho cả lớp nghe!”. Tôi mừng rơn, đứng lên đọc dõng dạc, rõ ràng.

Ấy vậy mà lần nào 13 đứa còn lại cũng ôm bụng cười ngặt nghẽo. Hóa ra chúng nó cười cái giọng “Bắc kỳ” còn mới rợi của tôi ngày ấy, chúng nào nghe tôi đọc được chữ nào đâu! Mỗi lần như vậy, thầy Hùng lại bước đến, cầm bài của tôi lên, đọc lại cho cả lớp nghe.

Quay lại chuyện tấm bảng: Hồi ấy, rất nhiều lần mà chủ yếu là trong giờ sinh hoạt cuối tuần, thầy Hùng cầm viên phấn vẽ chiếc thuyền nhỏ đi ngược dòng nước. Thầy nói: “Đời học sinh các em giống như con thuyền nhỏ đi ngược dòng nước này vậy: Chỉ một chút nghỉ tay chèo, dòng nước sẽ cuốn ngược con thuyền lại ngay”.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ nguyên văn, không sai một chữ.

CHUYỆN CỦA EM TÔI

Em tôi là cô giáo bậc tiểu học, dạy ở một trường vùng hai của huyện Chư Prông (Gia Lai). Cách đây 3 năm, cũng vào ngày 20 tháng 11, sau khi liên hoan ở trường, cô về nhà ở phố. Lúc ấy tôi đang tiếp mấy học trò cũ: Với hoa, với quà, và cả rượu nữa.

Xóm tôi cũng có mấy thầy cô giáo nên dập dìu học trò đến thăm.

Em tôi có vẻ chạnh lòng, kể: “Sáng nay, lần đầu tiên sau mười năm đi dạy, em nhận được quà 20 tháng 11 của học trò”. Tôi hỏi quà gì, em nói: “Có hai em học sinh lớp 3 dân tộc J’rai, ôm đến hai bó hoa… dã quỳ tặng cô, kèm lời chúc mộc mạc”.

Tôi hỏi lúc ấy em nghĩ gì, em nói: “Lúc ấy em rất vui, lần đầu tiên được học sinh tặng quà mà!”.

Tuy nhiên ngay sau đó em hạ giọng: “Lúc nãy đi trên phố, em thấy học sinh các cấp đi thăm thầy cô thật đông. Trên tay em nào cũng ôm những bó hoa rực rỡ đủ màu, đủ loại, còn có cả những món quà kỷ niệm nho nhỏ xinh xinh, em cũng thấy chạnh lòng”.

Bây giờ em đã chuyển về dạy ở một trường tiểu học trung tâm thành phố. Có lẽ lát nữa thôi, cũng sẽ dập dìu học sinh đến nhà thăm em với những bó hoa rực rỡ, với những món quà kỷ niệm nho nhỏ xinh xinh…

VÀ CỦA TÔI

Tôi cũng đã có một thời gian làm nghề “gõ đầu trẻ”. Hết “gõ” những em học sinh người dân tộc Ba-Na, dân tộc Chăm ở xã vùng cao của huyện miền núi Vân Canh (tỉnh Bình Định) lại ra đảo, “gõ” những em nhỏ ở làng chài Cồn Chim (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Ngày ấy, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khó khăn vô cùng: Cơm ăn còn khó, nào dám mơ gì đến ngày 20 tháng 11.

Tôi chưa một lần được nhận quà hay lời chúc của học trò nhân ngày thiêng liêng này. Tuy nhiên, ngày ấy, tôi và cả những đồng nghiệp của tôi chưa một lần chạnh lòng như em tôi bây giờ.

Cũng phải thôi bởi ngày ấy quê tôi còn quá khổ, nên chúng tôi chưa biết đến việc học sinh phải tặng quà và chúc mừng thầy cô nhân ngày Nhà giáo.

Song có sao đâu, bởi tất cả các ngày trong năm, chúng tôi đều được học sinh, và cả phụ huynh, dành cho những tình cảm quý mến nhất, chân thành nhất: Những ông bố, bà mẹ người Ba-Na, người Chăm buổi chiều đi rẫy về, thường ném vào nhà thầy bó lúa, củ sắn đầu mùa hay con sóc bẫy được trong rừng, con cá bắt được dưới suối.

Ngày ấy làng làm cho tôi một căn nhà sàn nhỏ giữa làng. Và nghiễm nhiên, tôi cũng là một thành viên của làng, vậy nên tất cả những lễ hội, những khi làng săn được con thú trong rừng, tôi cũng được chia phần bằng một ít thịt tươi được xẻo từ tất cả các bộ phận trên cơ thể con thú, giống như bất cứ một nóc nhà nào của làng.

Ra đảo, tôi cũng thường xuyên được học sinh, được ba mẹ các em mang đến cho hôm thì con cua bể, hôm vài con tôm sú hoặc túm sò huyết, cho một cách vô tư, không hề mưu lợi…

20 tháng 11, nhớ đến thầy Hùng, tôi lại nghĩ đến mình: Trong cuộc đời, đã có không ít lần tôi mỏi tay chèo, dòng nước cuộc đời cũng đã kéo tôi lùi lại nhưng may thay, tôi kịp ra sức chèo lại. Bài học của thầy, tôi mãi không quên, dẫu cho đến suốt đời.

20 tháng 11, tôi nghĩ đến em tôi: Em tôi giờ đã vui, không chỉ vui vì những món quà mang tính vật chất lớn hơn hai bó hoa dã quỳ với lời chúc mộc mạc, mà vui vì những tình cảm chân thành mà học trò mang đến tặng em nhân ngày thiêng liêng này.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất