| Hotline: 0983.970.780

Vai trò ban phát triển ấp

Thứ Sáu 20/12/2013 , 08:31 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã chọn “Ban phát triển ấp” làm bệ phóng cho phong trào SX trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Để giúp người dân đẩy mạnh phát triển SX, nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững trong việc xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã chọn “Ban phát triển ấp” làm bệ phóng cho phong trào SX trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Ông Huỳnh Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn (Trà Cú), nói: Việc quan trọng ban đầu của Ban phát triển ấp là phải chọn cho được trưởng ban xuất thân từ nông dân có sức thuyết phục bà con, nhất là với đồng bào dân tộc Khmer.

Vai trò trưởng ban là phải định hướng SX theo từng vụ mùa để cho bà con làm theo. Từ khi thành lập Ban phát triển ấp đến nay đã mang lại rất nhiều hiệu quả trong quá trình đẩy mạnh SX, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo trong quá trình xây dựng NTM.

Ông Kim Sầm Nang, Trưởng ban phát triển ấp Đôn Chụm A, xã Tân Sơn, chia sẻ: Sở dĩ bà con tin và tín nhiệm tôi làm Trưởng ban phát triển ấp là do tôi tiên phong trong phong trào SX lúa giống theo phương pháp sạ hàng đạt kết quả cao. Bây giờ kinh tế trọng điểm của ấp Đôn Chụm A là SX lúa giống, trồng màu, chăn nuôi bò.


Lộ giao thông do ông Kim Sầm Nang (áo sọc), Trưởng ban phát triển ấp vận động bà con hiến đất làm

Trong 3 năm qua ấp Đôn Chụm A đã thành lập được tổ hợp tác SX lúa giống trên diện tích 35 ha với 31 hộ dân tham gia. Hiệu quả của phong trào SX lúa giống mang lại cho nhiều gia đình đã trả được nợ ngân hàng, rút sổ đỏ về nhà, dư vốn mua được 1-2 con bò sinh sản.

Điển hình như tổ viên Kim Mai Khanh, ấp Đôn Chụm A làm lúa giống có lãi đã đầu tư nuôi 2 con bò nay đã sinh sản được hơn 9 con bò hay tổ viên Kim Sa Mách làm lúa giống, chăn nuôi bò nay đã xây được căn nhà khang trang. Đối với cây màu, lợi nhuận mà nông dân thu được từ 11 - 13,5 triệu đồng/1.000 m2 đất trồng dưa leo.

Ông Cảnh cho biết: Ở Tân Sơn bây giờ Trưởng ban phát triển ấp là đầu tàu kéo bà con cùng nhau SX rất hiệu quả trong quá trình xây dựng NTM. Đối với vùng đông đồng bào dân tộc Khmer như Tân Sơn (66%) thì tiếng nói của Trưởng ban phát triển rất có trọng lượng.

Điển hình lộ giao thông nông thôn ấp Đôn Chụm A là do một tay ông Sầm Nang đứng ra vận động bà con hiến đất làm đường hay hiến đất làm thủy lợi nội đồng. Chính từ đó đã nhanh đưa bộ mặt nông thôn ấp Đôn Chụm A đổi mới. Hiện tại, toàn ấp có 248 hộ Khmer thì nay chỉ còn 36 hộ nghèo, đa phần hộ nghèo thuộc hoàn cảnh không đất SX và trong đó có 7 hộ nghèo là người già.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, cho biết: Trà Cú là huyện nghèo, đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 62%; xuất phát điểm xây dựng NTM toàn huyện có trên 34% hộ nghèo. Mặc dù xuất phát trên cái khó nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì Ban Chỉ đạo NTM huyện đã quyết định triển khai thực hiện hết 17 xã.

Theo đó, 2 xã Tân Sơn và Ngọc Biên là 2 xã điểm của tỉnh được hỗ trợ vốn xây dựng NTM hằng năm khoảng 2 tỷ đồng/xã, còn lại 15 xã thì vận động sức dân và vận dụng từ những chương trình lồng ghép của tỉnh, huyện và Trung ương.

Trên nền này các địa phương tập trung xây dựng các tiêu chí mềm mà địa phương phải tự lực như xây dựng hệ thống chính trị; ấp, xã an toàn về an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tổ chức lại hình thức SX phù hợp với điều kiện đất đai và thổ nhưỡng của địa phương.

Cái được trong quá trình xây dựng NTM ở huyện nghèo, có đông đồng bào dân tộc đến thời điểm này là: Công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch SX, quy hoạch sử dụng đất đã hoàn thành 100%. Từ ngày bắt tay vào xây dựng NTM đến nay, dân đóng góp thực hiện gần 80 tỷ đồng; chủ yếu là dân hiến đất làm thủy lợi nội đồng, GTNT...

Sau 3 năm thực hiện, đến toàn huyện có 24% hộ nghèo, giảm được khoảng 10%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 13 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 3 triệu đồng so với trước. Bộ mặt nông thôn của Trà Cú đã đổi mới rõ rệt.

Nhiều công trình bức xúc được quan tâm thực hiện trước, rõ nét nhất là GTNT; thủy lợi nội đồng đủ sức đáp ứng nước cho SXNN và nuôi trồng thủy sản. Đến thời điểm này đã có 3/17 xã đạt 10 - 12 tiêu chí, các xã còn lại đạt 5 - 9 tiêu chí.

Ông Thảo cho biết thêm: Bên cạnh thuận lợi thì trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần tỉnh và Trung ương hỗ trợ. Điểm xuất phát xây dựng NTM của Trà Cú quá thấp, là huyện nghèo, có đến 62% đồng bào dân tộc Khmer, trình độ dân trí hạn chế, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, 80% dân số sống bằng nghề nông, trong khi đó giá các mặt hàng nông sản thường xuyên biến động bất lợi cho nông dân.

Điển hình như vụ lúa HT 2013, nông dân thu hoạch lúa không thu được lại do giá thấp, chi phí vật tư đầu vào liên tục tăng. Cùng lúc 17 xã đều bắt tay vào xây dựng NTM nên các xã chưa được hỗ trợ gì về vốn cho việc đầu tư và phát triển do nguồn hạn hẹp. Tất các các địa phương đang vận dụng nguồn vốn lồng ghép.

Mặt khác, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập sớm kéo dài, độ mặn tăng cao ngày càng gây khó khăn cho việc SX của người dân đang sống tiếp giáp sông Hậu và cửa biển Định An. Theo đó, địa phương đang rất cần Trung ương đầu từ đê bao khép kín để bảo vệ SX cho khoảng 5.000 ha đất mía, nuôi thủy sản nằm ngoài cống ngăn mặn của huyện Trà Cú.

Để khép kín đê bao toàn bộ diện tích này thì cần nguồn vốn rất lớn. Hiện tại, tỉnh đã đầu tư thi công được đê Nam rạch Trà Cú giai đoạn 1 hơn 110 tỷ đồng, giai đoạn 2 cũng cần số vốn tương đương giai đoại 1. Ngoài ra, còn lại 4 con đê chưa có vốn thực hiện là đê Tân Long, đê Rạch Cá, đê Xoài Lơ và đê Bát Tràng.

"Thuận lợi và khó khăn đang xen nhưng trong 3 năm bắt tay xây dựng NTM thì mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế trên mảnh đất nông nghiệp vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Theo đó, mô hình “Ban phát triển ấp” là một đầu tàu chủ lực trong việc cuốn hút nông dân đẩy mạnh SX trong từng nông hộ rất hiệu quả ở huyện nghèo Trà Cú", ông Thảo cho biết.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.