| Hotline: 0983.970.780

Vai trò của HTX trong xây dựng NTM

Thứ Hai 03/06/2013 , 11:05 (GMT+7)

Thực tiễn xây dựng NTM ở TT-Huế thời gian qua cho thấy, thành phần kinh tế tập thể, nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để nâng cao trình độ sản xuất...

Thực tiễn xây dựng NTM ở TT-Huế thời gian qua cho thấy, thành phần kinh tế tập thể, nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để nâng cao trình độ sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Và để đạt chuẩn NTM, mỗi xã phải có ít nhất 1 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Thành lập năm 2010 với nguồn vốn ban đầu là 300 triệu đồng, được huy động từ các xã viên, HTX sản xuất dịch vụ mây tre đan Thủy Lập (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, TT- Huế) đã tập trung vào hoạt động kiện toàn bộ máy, nhà xưởng sản xuất và tìm kiếm thị trường nhằm định hướng cho sự phát triển lâu dài.

Đến nay, HTX đã thu hút gần 300 xã viên tham gia, không những giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn, mà còn góp phần duy trì và phát triển một ngành nghề truyền thống tại địa phương.

Sản phẩm mây tre đan Thủy Lập với các mẫu mã đa dạng như ghế mây, hàng thủ công mỹ nghệ,... đã có mặt rộng khắp tại thị trường của một số tỉnh như Quảng Nam, Vĩnh Long, Khánh Hòa... Và sắp tới sẽ được mang chào bán ở một số nước trên thế giới.

Chị Phạm Thị Bông (thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi), vào làm gia công hàng ghế mây cho HTX từ đầu năm 2012, đến nay thu nhập bình quân mỗi tháng của chị cũng trên dưới 2,5 triệu đồng.

Chị Bông cho biết: “Làm việc ở HTX đã giúp bà con tận dụng được thời gian nông nhàn, có thể nhận hàng về nhà làm để tăng thêm thu nhập. Nếu tính ở vùng nông thôn, đây cũng là khoản thu nhập không nhỏ đối với những người nông dân như chúng tôi thay vì chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng”.

Được tiếp xúc với nhiều lao động là các chị em tại HTX sản xuất dịch vụ mây tre đan Thủy Lập, mới thấy sự phấn khởi của bà con nông dân khi có nghề trong tay, có thu nhập bằng công sức của mình. Đến với HTX, qua các lớp đào tạo, bà con nông dân được đào tạo nghề bền vững, chỉ trong thời gian ngắn, nắm bắt kỹ thuật, làm có sản phẩm là đã có thu nhập ngay.

Hiện tại, HTX mây tre đan Thủy Lập đang tiến hành tổ chức sản xuất tập trung, cải thiện mẫu mã theo hướng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, tiến tới liên doanh xuất khẩu, góp phần ổn định thu nhập cho người dân với mức tăng từ 13 - 16%/năm. Đồng thời, chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng làng nghề văn hóa tiêu biểu.

Ông Trần Lợi, Chủ nhiệm HTX sản xuất dịch vụ mây tre đan Thủy Lập, cho biết: “Để tạo thêm công ăn việc làm cho bà con, trong thời gian qua, HTX cũng đã mở rộng sản xuất tại một số địa phương khác trên địa bàn huyện Quảng Điền.


Ông Trần Lợi người đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn

Qua công tác mở rộng sang các địa bàn khác, chúng tôi nhận thấy, số lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp khá nhiều. Bà con được vào học nghề qua các khóa đào tạo, học hỏi những người thợ đi trước. Sản phẩm làm ra, khi có hợp đồng xuất hàng, bà con được trả tiền ngay, vì thế nguồn thu nhập luôn chủ động giúp cải thiện cuộc sống của nhiều hộ nông dân".

Trong quá trình xây dựng NTM, hoạt động kinh tế hợp tác xã nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, vừa làm dịch vụ, vừa chuyển giao khoa học kỹ thuật và là đầu mối liên kết... nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ II (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) là 1 trong 4 HTX trên địa bàn toàn tỉnh TT- Huế được chọn thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống 13/2”. Bước đầu thu hoạch, mô hình này được đánh giá cao cả chất lượng sản phẩm lẫn hiệu quả canh tác. Trung bình mỗi sào người dân thu nhập gần 1,5 triệu đồng. Cty Cổ phần Giống cây trồng - vật nuôi TT- Huế là đơn vị thu mua lúa giống tại đồng ngang bằng với giá lúa khô trên thị trường.

Với kết quả đó, nếu so sánh 1 sào lúa thương phẩm có năng suất bình quân 350kg/sào, với chi phí ngang nhau thì lãi ròng trên diện tích lúa giống cao hơn 400 nghìn đồng/sào. Ngoài 139 ha lúa, toàn HTX có khoảng 200 hộ tham gia trồng rau má, với diện tích 35 ha, bình quân thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 160 triệu đồng/ha.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, mỗi xã đạt NTM phải có ít nhất 1 tổ hợp tác và 1 HTX hoạt động hiệu quả. Vậy nên, trong thời gian tới, các địa phương và các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh TT- Huế, cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến, nhằm cải thiện nhận thức của người dân và tạo ra những điểm sáng cho loại hình kinh tế này.

Ông Nguyễn Lương Trí, Chủ nhiệm HTX Quảng Thọ II, cho biết: “Ưu điểm lớn nhất từ các mô hình nông nghiệp mà HTX đang duy trì chính là việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho bà con.

So với những năm trước, khi chưa thực hiện cánh đồng mẫu, việc trồng lúa năng suất thấp, thu nhập của bà con vào cây lúa vì thế cũng bấp bênh. Hai năm trở lại đây, HTX đã thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất và thu hoạch, giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, vì thế góp phần nâng cao thu nhập cho bà con".

Toàn tỉnh TT- Huế hiện có 385 tổ hợp tác và hơn 300 HTX, trong đó nông nghiệp chiếm hơn 50% với 158 HTX. Mục tiêu của các HTX quan tâm phát triển số lượng nhưng phải củng cố nâng cao hiệu quả, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển bền vững, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên. Đồng thời, phấn đấu để thu nhập từ HTX phải là nguồn thu nhập chính của xã viên và người lao động.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất