| Hotline: 0983.970.780

Vai trò phân NPK trong canh tác mía

Thứ Sáu 11/01/2013 , 11:01 (GMT+7)

Không như những thực vật khác, mía, bắp thuộc nhóm thực vật C4 nên cần nhiều năng lượng để quang hợp.

(Diễn giả: GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Đại học Cần Thơ; KS Huỳnh Văn Măng, Cty CP Mía đường Cần Thơ; KS Phạm Ngọc Tuấn, Cty CP Phân bón Bình Điền)

MÍA - CÂY TRỒNG CẦN NHIỀU PHÂN BÓN

Không như những thực vật khác, mía, bắp thuộc nhóm thực vật C4 nên cần nhiều năng lượng để quang hợp. Cơ chế cố định CO2 của cây C4 được M. D. Hatch và C. R. Slack, hai nhà nghiên cứu người Australia, phát hiện năm 1966 (nên còn gọi là cơ chế Hatch-Slack), chúng sử dụng đến 30 liên kết cao năng ATP để tổng hợp nên 1 phân tử Glucosa, trong lúc các thực vật C3 chỉ cần 18 ATP.

Bù lại chúng lại không bị thất thoát một nửa CO2 do quá trình quang hô hấp nên trong điều kiện nhiệt đới thì phương pháp quang hợp của cây C4 hiệu quả hơn nhiều so với cây C3. Cũng chính vì vậy nên cây C4 có tiềm năng năng suất rất cao và cần nhiều phân bón hơn.

ĐBSCL là vùng trồng mía trọng điểm của cả nước, đây là vùng có năng suất bình quân đạt tới trên 100 tấn/ha, nhiều câu lạc bộ đạt 200 tấn/ha, một số hộ gia đình đạt 250 tấn/ha. Đây là con số cao không những của VN mà cả thế giới. Tuy nhiên nếu quy về chuẩn 10 chữ đường thì năng suất chỉ đạt 70 - 80% của những con số trên bởi chữ đường mía ĐBSCL thường chỉ đạt 7 - 8. Chữ đường thấp gây thiệt hại cho cả người trồng mía lẫn nhà máy đường.

Tại sao chữ đường mía ĐBSCL thấp? Nguyên nhân khách quan do đây là vùng đất thấp nên phải thu hoạch sớm khi cây chưa đủ chín. Nguyên nhân chủ quan do chưa có cơ cấu giống phù hợp và chế độ bón phân chưa hợp lý.

CƠ CẤU GIỐNG MÍA

Vụ mía 2011, mỗi ha mía ở ĐBSCL cho lợi nhuận đạt 60 - 80 triệu đồng/ha nhưng vụ mía 2012 chỉ còn 15 - 20 triệu/ha. Giá mía vụ rồi xuống thấp đã khiến cho nhiều hộ nông dân vào vụ mía 2013 này băn khoăn chưa biết đầu tư cỡ nào để mang lại hiệu quả. ĐBSCL có 2 chân đất, một là vùng đất cao hoặc trong bờ bao, không phải thu hoạch sớm chạy lụt (Trà Vinh, Sóc Trăng), hai là vùng đất bị ngập lụt phải thu hoạch sớm (Long An, Cần Thơ, Hậu Giang).

Mỗi một vùng đất như vậy lại chia ra nhóm đất sét, đất cát, nhiễm mặn, nhiễm phèn… Mỗi hộ gia đình lại còn khác nhau do trình độ canh tác, khả năng tài chính. Vì vậy việc xác định cho mỗi hộ gia đình lựa chọn được cho mình giống thích hợp là khó, cần có sự hợp tác tỷ mỷ giữa cán bộ nông nghiệp của chính quyền, cán bộ nông nghiệp của công ty đường và hộ nông dân.

Ví dụ trên đất cát pha sét nhiễm mặn nhẹ như Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thì các giống K95-84, LK 92-11, K95-1-56, Ku00-1-61 tỏ ra phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý thêm rằng, giống K95-1-56 trổ cờ sớm vào tháng 10 hàng năm, lại là giống mẫn cảm nên khi có gió bấc là trổ cờ ngay và rất nhanh; Giống LK92-11 là giống có khả năng nhảy chồi và tái sinh gốc cực mạnh nên trồng với khoảng cách bụi cách bụi 50 cm. Với vùng ngập lũ như Ngã 7 Phụng Phiệp Hậu Giang thì cần chọn giống ngắn ngày như ROC 16, QĐ 93-159, K 84-200. Vùng nhiễm phèn (Vị Thanh, Gò Quao) nên sử dụng giống M3035-66, R570, K88-92, LK92-11…

Tùy từng giống mà mật độ trồng có khác nhau nhưng muốn đạt năng suất 200 tấn/ha thì cần phải có 100.000 cây mía (bình quân mổi cây 2 kg). Mía cũng như các cây trồng khác, thường có 20% chồi vô hiệu nên cần có 120.000 - 130.000 chồi mía. Mía thường đẻ 3-4 chồi nên mỗi m2 cần có 3 bụi bằng cách trồng mỗi bụi một hom mía có 2 mắt.

BÓN PHÂN ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU 200 TẤN/HA MÍA QUY CHUẨN

Khảo sát trên các hộ nông dân sử dụng phân đơn thấy còn rất nhiều người sử dụng phân bón có sai số rất lớn với khuyến cáo của các nhà khoa học, thông thường họ sử dụng N: 400 - 450 kg (khuyến cáo khoa học: 250 - 300 kg); P2O5: 200 - 250 kg (khuyến cáo khoa học 100 - 120 kg); K2O: 75 - 100 kg (khuyến cáo khoa học 200 - 250 kg).

Do sử dụng phân bón quá sai lầm nên chữ đường của những hộ này rất thấp, trong lúc nhà máy lại mua đường trong mía chứ không phải mua mía. Trong 3 năm liền Cty CP Mía đường Cần Thơ đã hợp tác với Cty CP Phân bón Bình Điền nhằm tìm ra công thức phân tối ưu và thử nghiệm khối lượng bón, phương pháp bón hiệu quả nhất với mục tiêu là đạt năng suất 200 tấn/ha mía quy chuẩn 10 chữ đường.

Kết quả chương trình đã đưa ra công thức cho 2 loại phân bón TE Mía 1 (có công thức NPK 20-10-15 + TE) và TE Mía 2 (có công thức NPK 15-7-20 + TE). Không kể phân hữu cơ, vôi bón lót, số lượng và cách bón được khuyến cáo chia làm 3 lần bón như sau:

Lần 1: 300 kg TE Mía 1/ha (bón lót)

Lần 2: 400 kg TE Mía 1/ha (thúc đẻ nhánh)

Lần 3: 500 kg TE Mía 2/ha (thúc vươn lóng)

Khi bón phải kết hợp với vun gốc để hạn chê thất thoát phân và chống đổ ngã.

Ngoài ra còn lưu ý thêm, việc bón phân cho mía phải trước khi thu hoạch từ 5-6 tháng tùy giống chín sớm hay muộn. Thời điểm thu hoạch có năng suất và chữ đường cao nhất là lúc bông của cây mía đã hình thành nhưng chưa trổ ra cờ.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.