| Hotline: 0983.970.780

Vai trò truyền thống gia đình, dòng họ

Thứ Bảy 04/01/2014 , 08:22 (GMT+7)

Muốn có một NTM thực sự thì trước hết phải có nền tảng vững chắc được bắt đầu bằng truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình. Dòng họ Lê Đại ở làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, là một điển hình.

Muốn có một NTM thực sự thì trước hết phải có nền tảng vững chắc được bắt đầu bằng truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình. Dòng họ Lê Đại ở làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, là một điển hình.

Nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão

Nhiều người nói rằng làng An Thái xưa (nay thuộc làng Đại An Khê, xã Hải Thượng) là đất địa linh sinh nhân kiệt. Nổi tiếng nhất ở An Thái là dòng họ Lê Đại với ngôi nhà thờ nằm trên mạch đất lưng tựa vào làng, phía trước mặt nhìn ra hướng Đông - Nam, nơi có bàu Cựa, bàu Tiên như hai bát nước trong veo giữa làng, bên trái là sông Nhùng chảy về nối với sông Vĩnh Định.

Hương đất An Thái xưa như kết tụ làm nên vinh hiển cho con cháu dòng họ Lê Đại. Trong ngôi nhà thờ họ Lê Đại uy nghiêm ấy ánh lên những tấm bài vị đượm dấu thời gian cùng những lớp trầm tích của lịch sử như đang kể lại câu chuyện nổi tiếng về một dòng họ hiếm có.

Họ Lê Đại có chưa đến 100 hộ gia đình, bà con chủ yếu làm nông, nhưng đã có hơn 100 người là cán bộ, công chức, nhà khoa học, doanh nhân... đang công tác tại nhiều địa phương trong cả nước.

Một dòng họ có dân số không đông mà có 5 thạc sĩ, 5 tiến sĩ, 3 GS và PGS, 6 cán bộ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, là chuyện hiếm có. Đặc biệt, con cháu của dòng họ này có những nhà khoa học tên tuổi như GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm, là một trong những GS đầu ngành ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội); PGS.TS Lê Văn Uyển, Chủ nhiệm Khoa Chế tạo máy Đại học Bách khoa Hà Nội; GS.TS Lê Văn Tự, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHKT Nông nghiệp tại TP.HCM.


Nhà thờ họ Lê Đại ở Đại An Khê

Những năm 80 của thế kỷ trước, GS Lê Văn Tự từng làm chủ nhiệm đề tài lớn nhất trong chương trình hành động cấp Nhà nước về nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài áp dụng thành công đã góp phần giải quyết được vấn đề lương thực trong cả nước, làm nền tảng cho một quốc gia xuất khẩu trong số ít những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới…

Với con cháu họ Lê Đại, có được thành công trong sự nghiệp, ngoài những nỗ lực tự thân, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, điều sâu xa nhất là được hun đúc bởi hương đất của quê hương, bằng tình cảm sâu nặng với gia đình, dòng tộc.

Không ít nhà nghiên cứu văn hóa khi đi qua làng này phải thừa nhận ít làng quê nào có địa cuộc phong thủy như An Thái xưa, nơi có đầy đủ yếu tố minh đường thủy tụ. Nên con cháu ở làng này thường học giỏi, đỗ đạt cao, có nhiều quan chức...

Ông Lê Hữu Thăng, 60 tuổi, vừa kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, là hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Lê Đại ở An Thái, cho biết, thủy tổ của dòng họ Lê Đại là ngài Lê Đại Trù từ Thanh Hóa, Nghệ An di cư vào theo chính sách mở đất của các triều đình phong kiến Đại Việt. Ngài cùng với thủy tổ của 5 tộc họ khác lập nên làng An Khang ở miền Tây huyện Cam Lộ.

Sau đó nhìn thấy thế cuộc vùng đất Nam sông Thạch Hãn tốt hơn nên ngài chuyển đến lập nên làng An Thái. Tên gọi An Thái có nghĩa là an khang, thái hòa, phản ánh hoài bão, khát vọng vươn tới cái đẹp, cái trường tồn vĩnh hằng cho cả cộng đồng trên một vùng đất xa lạ, hiểm nguy và con cháu kế nghiệp ở tương lai.

Chính dũng khí của các bậc tiền nhân đi khai khẩn vùng đất mới đã hun đúc nên nền tảng văn hóa mà ở đó một tinh thần khảng khái, ý chí không khuất phục bạo cường, áp bức, mãi được truyền giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Hình ảnh nông thôn Đại An Khê ít nơi có được

Ông Lê Hữu Thăng cho biết, để góp công cho đất nước được độc lập, hòa bình như hôm nay, dòng họ Lê Đại có 21 người hy sinh, chiếm tới 23% dân số của họ thời điểm 1975. Đặc biệt, một họ tộc ít người mà có đến 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bệ phóng tương lai

Truyền thống của dòng họ Lê Đại như nền tảng giúp sức cho con cháu sau này vững vàng trước sự chọn lựa sáng suốt để đóng góp sức lực xây dựng quê hương đất nước.

Lê Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1989, con anh Lê Văn Dăng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Lê Đại, từng là sinh viên nổi tiếng của Đại học Huế. Thi đỗ á khoa Đại học Kinh tế thuộc Đại học Huế, Ngọc Anh luôn có kết quả học tập trong các năm sinh viên đạt trung bình trên 9,0 điểm, trở thành sinh viên xuất sắc của Đại học Huế không chỉ với những kiến thức hàn lâm ở nhà trường mà với cả những hoạt động xã hội mà Ngọc Anh đã cống hiến.

Tốt nghiêp đại học, Ngọc Anh về làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Trị, với nhiều ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Thế hệ trẻ của dòng họ Lê Đại còn có nhiều người nổi tiếng như Lê Quốc Vương, Lê Thanh Hải, TS Lê Quang Hiếu, thạc sĩ Lê Nguyễn Hải Dương, Lê Đình Nguyên... chưa kể các con em đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Sống trong làng quê, hơn ai hết, con cháu của dòng họ Lê Đại luôn xứng đáng là những mẫu mực để khỏi hổ danh với truyền thống hiếu học và cách mạng của dòng họ.

Ông Lê Đại Xuân Hòa, Phó trưởng tộc họ Lê Đại, cho biết: Dù trong hoàn cảnh nào bà con chúng tôi vẫn luôn mang sẵn tinh thần tương thân, tương ái chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau vượt qua khó khăn.

Tuy không sinh sống ở quê nhưng GS.TS Lê Quang Thiêm đã dựng ngôi nhà vừa để thờ tổ tiên vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho con cháu. Bận công tác xa, mỗi năm chỉ về quê một vài hôm để được ăn món cơm với canh rau cho đỡ nhớ quê, nhưng ngôi nhà của giáo sư ở quê luôn ấm áp mở cửa đón con cháu đến học hành, nghỉ ngơi. Nhìn cháu con sum vầy đến chia vui trong ngôi nhà trên mảnh đất hương hỏa để lại, ông Thiêm mừng lắm. Trước sân nhà ông, những đàn chim sẻ bay lên rồi sà xuống trên ngọn cây tha mồi làm tổ. Xa xa, có thêm nhiều đàn chim nữa bay về.


Ngôi nhà của ông Lê Quang Thiêm luôn mở cổng đón con cháu

Bên cạnh nhà ông là nhà thờ của dòng họ Lê Đại vừa được con cháu của dòng họ chung sức xây dựng để thờ tổ tiên ông bà cũng như là nơi sinh hoạt truyền thống và những câu chuyện về Nhân, Trí, Tín, Lễ, Nghĩa của dòng họ.

Xung quanh nhà thờ và dọc đường làng được trồng rất nhiều cây cau. Cau trong vườn, trầu trước ngõ. Bao nhiêu mùa cau trôi qua, dân làng thường chọn những trái tròn trịa nhất bổ ra mời bạn tri kỷ hàn huyên trò chuyện. Hương đất, tình người của làng An Thái đã thấm sâu vào máu thịt, tâm hồn của mỗi con người họ Lê Đại để rồi họ ra đi và mang về niềm tự hào, ngưỡng mộ cho dòng họ, quê nhà.

Chủ tịch UBND xã Hải Thượng Lê Ngọc Anh, cho hay, một xã nổi tiếng phải cần có những dòng họ đặc biệt, là nòng cốt bền vững để tạo nên sức mạnh của làng xã, dân tộc, dòng họ Lê Đại có một vị trí đặc biệt ở Quảng Trị.

Hải Thượng đang là xã NTM điển hình của tỉnh Quảng Trị, sự thành công vẻ vang của dòng họ Lê Đại càng tô điểm thêm cho hình ảnh đẹp đẽ của Hải Thượng. Muốn có một xã hội nông thôn tốt đẹp thì trước hết phải có nền tảng vững chắc được bắt đầu bằng truyền thống văn hoá của mỗi gia đình, dòng họ, như dòng họ Lê Đại ở làng Đại An Khê.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất