| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ:

Vẫn bàn tới, bàn lui!

Thứ Sáu 14/03/2014 , 11:21 (GMT+7)

Sau hơn 2 năm với nhiều hội nghị lấy ý kiến, hiện vẫn chưa có chính sách nào ra đời nhằm hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ.

Sau hơn 2 năm “om” lại với khá nhiều cuộc họp lấy ý kiến, hôm qua (13/3), Bộ NN-PTNT một lần nữa đã tổ chức hội nghị cùng nhiều tỉnh, thành và Bộ, ngành TƯ nhằm lấy ý kiến cho Dự thảo Quyết định chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh người chăn nuôi đang kiệt quệ ròng rã nhiều tháng nay bởi tình hình giá cả các sản phẩm gia cầm vô cùng bi đát. Nhiều ý kiến đã được đưa bàn bạc nhằm sớm có giải pháp cứu người chăn nuôi nhỏ lẻ - bộ phận đang chiếm trên 70% lượng sản phẩm chăn nuôi trên cả nước. Nhưng xem ra, chưa biết tới bao giờ những chính sách này mới trở thành hiện thực.

Dự định hàng loạt chính sách

Theo Dự thảo Quyết định về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ do Cục Chăn nuôi chủ trì xây dựng dự định sẽ đệ trình Chính phủ trong thời gian tới, đã có một loạt chính sách hỗ trợ về giống, thú y, trồng và SX TĂCN, chính sách về môi trường, cơ sở chuồng trại... được đưa ra.

Cụ thể về giống, sẽ hỗ trợ bằng tiền với nhiều mức khác nhau đối với các đối tượng gồm lợn, gia cầm, trâu bò. Đối với lợn, sẽ hỗ trợ 1 lần để mua lợn nái với mức 1 triệu đồng/con giống lợn nái ngoại, lợn lai có hai máu ngoại ≥ 50% và 500 nghìn đồng/nái đối với giống lợn địa phương; hỗ trợ 1 lần mua lợn đực giống với mức 2 triệu đồng/con giống đực ngoại và 1 triệu đồng/con giống đực địa phương...

Đối với gia cầm, hộ chăn nuôi thường xuyên trên 200 mái sinh sản cấp giống bố mẹ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 24 tháng để mua gia cầm giống. Đối với trâu bò, sẽ hỗ trợ mua tinh, dụng cụ phối giống với mức 100%; hỗ trợ 1 lần để mua trâu bò đực giống với mức 5 triệu đồng/con bò đực ngoại hoặc bò đực lai có tỉ lệ máu ngoại ≥50%, 8 triệu đồng/con đối với trâu đực giống và chỉ áp dụng đối với nơi có điều kiện thụ tinh nhân tạo; hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong vòng 24 tháng để mua bò cái giống hướng sữa...

Về thú y, dự thảo cho biết sẽ hỗ trợ 100% vacxin tiêm phòng định kỳ hằng năm đối với các bệnh LMLM, dịch tả và tụ dấu đối với lợn nái và lợn đực giống; 100% vacxin tiêm phòng định kỳ hàng năm đối với các bệnh Newcastle, dịch tả vịt, cúm gia cầm đối với các hộ nuôi gia cầm giống có quy mô trên 200 mái sinh sản cấp giống bố mẹ. Đối với trâu bò, sẽ hỗ trợ 100% vacxin LMLM và tụ huyết trùng đối với các hộ nuôi trâu, bò giống...

bo4171557510
Sẽ hỗ trợ 100% vacxin LMLM và tụ huyết trùng đối với các hộ nuôi trâu, bò giống...

Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ khác về SX TĂCN, xử lí môi trường, xây dựng chuồng trại, đào tạo tập huấn kỹ thuật chăn nuôi... cũng đã được đưa ra nhằm hỗ trợ cho đối tượng chăn nuôi nông hộ.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng chính sách này sẽ là các hộ chăn nuôi nông hộ có quy mô nhỏ dưới mức trang trại theo định nghĩa của Bộ NN-PTNT.

Vẫn rối như tơ vò

Mặc dù dự thảo đã được Cục Chăn nuôi triển khai từ cách đây 2 năm với nhiều cuộc họp lấy ý kiến. Thế nhưng tại hội nghị hôm qua, một lần nữa nội dung dự thảo vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí ngay cả những vấn đề cơ bản như mục đích khi đưa ra dự thảo này.

Về hỗ trợ giống, đa số các đại biểu đến từ 12 tỉnh, thành tại hội nghị đều cho rằng, dự thảo vạch ra phương thức hỗ trợ quá rườm rà, không có tính thực tế. Ông Bùi Như Ý – Phó GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc phân tích: Dự thảo đưa ra quá nhiều khái niệm về đối tượng được hỗ trợ giống, nào là lợn ngoại, lợn lai có máu ngoại; nào là lợn đực giống địa phương, nào là mái sinh sản cấp giống bố mẹ, nào là tỉ lệ máu ngoại lớn hơn hoặc bằng bao nhiêu %.

“Hỗ trợ như thế có lẽ chỉ dành cho các trung tâm nghiên cứu giống, chứ nông dân họ biết gì về tỉ lệ máu ngoại hay là gia cầm cấp bố mẹ ông bà để mà kêu nhà nước hỗ trợ?” – ông Ý nêu quan điểm.

Cũng theo ông Ý, ngay đối tượng áp dụng hỗ trợ, dự thảo thông tư chỉ nêu gồm các đối tượng hộ chăn nuôi dưới quy mô trang trại theo quy định của Bộ NN-PTNT, mà quy định thế nào là trang trại hiện nay cũng chỉ nêu là có doanh thu trên 1 tỉ đồng.

 “Doanh thu trong chăn nuôi biến động hàng ngày, còn số lượng hộ chăn nuôi xấp xỉ doanh thu 1 tỉ đồng thì cũng không phải là nhiều. Trong khi đó, nếu nói hộ dưới quy mô trang trại sẽ được hỗ trợ, vậy những hộ chỉ nuôi 5 – 10 con lợn, dăm chục con gà thì có được hỗ trợ không, hỗ trợ cho những hộ đó thì có ý nghĩa gì không, liệu chúng ta có đủ ngân sách để kham nổi cho tất cả đối tượng như vậy hay không” – ông Ý đặt câu hỏi.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Võ Sinh Huy – Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Thanh Hóa) ái ngại dẫn chứng: Một con bò giống hiện nay ít cũng hàng chục triệu đồng, nếu chỉ hỗ trợ 1 – 2 triệu đồng thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Bên cạnh đó, bài học từ hàng loạt chính sách hỗ trợ cho thấy nông dân thường phải gánh quá nhiều thủ tục rườm rà để nhận được một khoản tiền hỗ trợ chẳng ăn nhằm gì nên họ rất không mặn mà.

“Việc hỗ trợ, thay vì phân tán vào các tiểu tiết nhỏ, cần tập trung cho vấn đề vốn SX, quỹ đất chăn nuôi và công nghệ, đặc biệt là thú y và môi trường, chứ không nên đi vào hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và giống, bởi ngân sách không thể nào kham nổi” – vị này nêu ý kiến.

Xoay quanh ý nghĩa và mục tiêu của chính sách hỗ trợ, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn băn khoăn khi cho rằng: Định hướng chung của ngành chăn nuôi hiện nay là tiến lên SX lớn và SX hàng hóa, liệu quyết định hỗ trợ này có vô hình chung khuyến khích chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ, đưa nền chăn nuôi đi thụt lùi định hướng tiến lên SX lớn hay không?

“Trước tiên, cần thống nhất quan điểm chăn nuôi nông hộ sẽ đương nhiên tồn tại, dù hiện nay đang giảm từ 5-7%/năm. Vấn đề là cần nêu rõ quan điểm, việc ban hành chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ hiện nay là nhằm chủ trương khuyến khích theo hướng phát triển bền vững, có kiểm soát, tăng hiệu quả chứ không phải là để khuyến khích mở rộng thêm về số lượng và phạm vi” – ông Sơn nêu quan điểm.

+ “Giá các sản phẩm gia cầm hiện nay đang ê hề, nếu nhà nước khuyến khích hỗ trợ cho nông dân nuôi nữa mà không nghĩ tới đầu ra cho sản phẩm, tới lúc tổng đàn tăng lên vùn vụt thì dân bán cho ai? Lúc ấy không chừng dân họ bảo: Nhà nước hỗ trợ giống, kêu gọi dân nuôi, bây giờ nuôi ra chẳng ai mua, đem trả lại sản phẩm cho nhà nước thì gay to!” - Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội.

+ “Nhiều chính sách vay vốn cho nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng đã từng thất bại. Ngay cả Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về vốn vay cho nông nghiệp rất được kỳ vọng nhưng thực tế đã không đi được vào cuộc sống, trong đó mấu chốt là các ngân hàng đã có lí của họ khi đứng ngoài cuộc.
Bây giờ chúng ta đặt tiếp vấn đề hỗ trợ lãi suất vốn vay cho chăn nuôi nông hộ, phải chỉ đích danh ngân hàng nào chịu trách nhiệm cho vay rõ ràng. Nếu chưa giải quyết được điều này thì phải làm việc lại với Ngân hàng Nhà nước trước.
Về đối tượng áp dụng hỗ trợ, cần chỉ rõ nông hộ trong khoảng tối thiểu bao nhiêu đầu con, tối đa bao nhiêu đầu con thì thuộc diện hỗ trợ chứ không nên nêu chung chung dựa theo khái niệm trang trại. Mức hỗ trợ cũng nên quy ra % giá trị theo đầu con, chứ không nên cụ thể là bao nhiêu tiền”- Ông Phan Trọng Hổ - GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất