| Hotline: 0983.970.780

Vẫn bế tắc!

Thứ Tư 12/09/2012 , 09:25 (GMT+7)

Đến nay, việc xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm chết vì hội chứng hoại tử gan tụy vẫn đang dậm chân tại chỗ.

* “Tiến độ nghiên cứu quá chậm, kém hiệu quả”

Sau hơn nửa năm vào cuộc, đến nay các Cục, Viện vẫn chưa có kết luận nào về nguyên nhân tôm hoại tử gan tụy

Sau nhiều tháng tập trung nghiên cứu, với sự vào cuộc của nhiều Viện, Cục chuyên môn, đến nay, việc xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm chết vì hội chứng hoại tử gan tụy vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Báo cáo về hình hình dịch bệnh trên tôm nuôi và công tác chỉ đạo phòng chống dịch tại cuộc họp hôm qua (11/9) do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu chủ trì, Cục Thú y cho biết đến thời điểm này, hội chứng hoại tử gan tụy vẫn đang xuất hiện ở 19 tỉnh, thành trên cả nước, với tổng số diện tích bị thiệt hại trên 42.900ha. Trong đó, Trà Vinh, Cà Mau và Sóc Trăng vẫn là các tỉnh dẫn đầu về diện tích tôm bị thiệt hại với hàng chục nghìn ha mỗi tỉnh.

Con số thống kê khác của Tổng cục Thủy sản thậm chí cho thấy mức độ thiệt hại nghiêm trọng hơn, với trên 68.900ha tôm bị thiệt hại, trong đó tôm sú hơn 63.000ha và hơn 5.000ha tôm thẻ chân trắng.

Trong khi Cục Thú y không đưa ra được nhận định nào về tình hình diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới, thì báo cáo về kết quả từ các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản cũng hết sức u ám khi vẫn chưa đưa ra được kết luận nào trong việc xác định nguyên nhân gây nên hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cho thấy trong suốt thời dài dài vừa qua, Viện này vẫn đang loay hoay với việc triển khai các thí nghiệm và phân tích. Trong số những hoạt động này, đến nay chỉ có thí nghiệm gây cảm nhiễm nhân tạo giữa tôm khỏe và gan tụy của tôm có biểu hiện mắc bệnh là có kết quả đáng chú ý.

Cụ thể thời gian qua, Viện đã tiến hành thí nghiệm cảm nhiễm tại hai tỉnh là Nghệ An và Hải Phòng bằng hai cách: nghiền gan tụy của tôm có biểu hiện mắc bệnh trộn vào thức ăn cho tôm khỏe mạnh và ngâm tôm khỏe mạnh trong dung dịch có nghiền gan tụy của tôm bệnh. Phương pháp này nhằm kiểm chứng về việc có hay không sự lây nhiễm của hội chứng hoại tử gan tụy.

Kết quả của các thí nghiệm này cho thấy sau 28 ngày thực hiện thí nghiệm, đã phát hiện các cá thể tôm khỏe mạnh thực hiện thí nghiệm bị nhiễm các hội chứng hoại tử gan tụy với các tỷ lệ khác nhau. Điều này cho thấy hội chứng hoại tử gan tụy có hiện tượng lây nhiễm. Tuy nhiên, cần phải thực hiện lặp lại các thí nghiệm này mới xác định chính xác.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cũng khẳng định, các kết quả phân tích mẫu tôm tại Hải Phòng và Nghệ An không phát hiện thấy sự có mặt của virus, ký sinh trùng và nấm, tuy nhiên đã phát hiện hầu hết các mẫu tôm bị nhiễm vi khuẩn, trong đó có nhóm vi khuẩn Vibrio. Cũng theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, kết quả xét nghiệm các mẫu bùn, nước của ao nuôi đã phát hiện dư lượng của nhiều loại thuốc BVTV với dư lượng rất cao từ các ao nuôi…

“Việc vào cuộc của các Viện, kể cả Cục Thú y thời gian qua nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh là không quyết liệt, trong khi tiến độ công việc quá chậm và nghiên cứu rất kém hiệu quả. Đơn cử một việc như Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, hiện đang thực hiện đề tài nghiên cứu về tôm sạch bệnh (RIA1), nhưng lại cứ kêu là không có tôm sạch bệnh để thí nghiệm thì rất vô lý. Trong khi đó, các dự án quốc tế tài trợ phục vụ cho công tác nghiên cứu này thì chỉ chủ yếu là tổ chức hội thảo. Có quá nhiều hội thảo!”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu.

Dù có khá nhiều kết quả phân tích xét nghiệm, tuy nhiên đến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I vẫn chưa đưa ra được kết quả nào nhằm khẳng định nguyên nhân gây bệnh.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu chỉ đạo, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản thời gian tới phải tiếp tục chú trọng vào việc nghiên cứu các nhóm tác nhân về thuốc BVTV, đồng thời phân lập và nghiên cứu tiếp các nhóm tác nhân khác. Trong hoàn cảnh việc tìm ra nguyên nhân để có phương pháp phòng trị bệnh vẫn đang bế tắc, trước mắt, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản và Cục Thú y cần phải đi sâu vào việc tìm hiểu các mô hình nuôi tôm an toàn.

“Trong khi có những vùng tôm bị bệnh rất nhiều, thì vẫn có những hộ nuôi rất thành công và không khi nào bị bệnh. Phải tìm hiểu kỹ xem vì sao lại như vậy, để ít ra phải đưa ra được kết luận nào đó nhằm công bố về quy trình nuôi tôm an toàn với dịch bệnh để phổ biến cho nông dân, chứ không thể cứ nghiên cứu mãi mà không đưa ra được kết luận gì như thời gian qua”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu lo ngại.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất