| Hotline: 0983.970.780

Ván cờ mới của Hoàng Anh Gia Lai

Thứ Tư 10/12/2014 , 08:15 (GMT+7)

Bước chuyển táo bạo lớn thứ 2 của HAGL chính là đặt chân vào lĩnh vực chăn nuôi./ Hoàng Anh Gia Lai chuyển mình ngoạn mục

* Đầu tư hàng ngàn tỷ nuôi bò

Tháng 6 năm 2014, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chính thức ký kết hợp tác kinh doanh với 2 “ông lớn” trong lĩnh vực chế biến thực phẩm từ bò là Cty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood và Cty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan). Như vậy, bước chuyển táo bạo lớn thứ 2 của HAGL là đặt chân vào lĩnh vực chăn nuôi.

KHÔNG PHẢI KHÔNG BIẾT LÀ KHÔNG DÁM LÀM

Dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa có tổng vốn 12 ngàn tỷ đồng, do HAGL làm chủ đầu tư với số vốn góp 6.300 tỉ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai trong 2 năm 2014 và 2015 với mức đầu tư 3.150 tỉ đồng, số vốn còn lại đầu tư giai đoạn 2, hoàn thành vào năm 2017. Dự kiến tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con. Trong đó, bò sữa 120.000 con, bò thịt 116.000 con.

Trong dự án này, công ty NutiFood góp vốn 5.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sữa, quy mô giai đoạn 1 là 290 triệu lít sữa tươi/năm và giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy lên 500 triệu lít. Còn Công ty VISSAN sẽ xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc với công suất 78.000 tấn/năm và bao tiêu toàn bộ lượng thịt bò do HAGL cung cấp.

“Ban đầu, khi nghe tôi nói sẽ nuôi bò, mọi người ai cũng chất vấn, bán tín bán nghi, rồi lo lắng vì dự án quá lớn, trong khi mình chưa có tý kinh nghiệm nào. Nhưng tôi khẳng định sẽ làm được. Không biết thì không dám làm sao? Làm chứ, nhưng làm bằng việc học hỏi, áp dụng công nghệ mới, cách nuôi mới chứ không làm kiểu nuôi nhỏ lẻ, truyền thống mà lâu nay nhiều người vẫn làm”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nói.

Bằng sự nhanh nhạy, quyết đoán của mình, ông Đức cho rằng, không phải ai nuôi bò sữa cũng thành công, nhất là khi phải vay vốn, đầu tư vốn cho thức ăn thì mức độ rủi ro rất lớn. Nhưng với HAGL thì khác. HAGL có lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp lớn, đó là nguồn phụ phẩm của ngót 50.000 ha cao su tại Lào, Campuchia và Việt Nam, 10.000 ha mía, hơn 12.000 ha dầu cọ, 5.000 ha bắp. Hiện còn 30.000 ha đất trống, được sử dụng trồng cỏ làm thức ăn cho bò, xây dựng trang trại khép kín, cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi.

Theo ông Đức, trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chiếm 80% giá thành, trong khi đó, với việc sản xuất cọ dầu, mía đường, bắp, công ty sẽ tận dụng bã cọ dầu, rỉ mật, lõi bắp và có diện tích ven sông suối trồng cỏ cho bò, thì đầu tư chăn nuôi bò không lớn, chỉ cần đưa giống về là thực hiện ngay. 

“Với những gì đang có, chúng tôi có thể không cần phải bỏ tiền mua thêm thức ăn. Ngoài ra, để chăm sóc tối đa cho đàn bò, còn có 2.000 kỹ sư nông nghiệp, đủ khả năng phát triển đàn bò lên 300.000 con và có thể tránh được mọi rủi ro về dịch bệnh, tăng trưởng và năng suất cho đàn bò. Riêng nguồn phân bò có thể tiết kiệm trên 300 tỷ mỗi năm. Năm 2015, dự án bò thịt sẽ mang lại lợi nhuận cho tập đoàn 30-50 triệu USD”, ông Đức khẳng định.

Nói về tương lai của dự án này, ông Đức nhận định, với lợi thế đầu vào, đầu ra cũng sẽ rất rẻ, có thể rẻ đến một nửa, một phần ba so với thị trường. Ví dụ tính theo thời giá hiện tại, thịt bò hơi DN trong nước nhập 3,2 USD/kg, bò HAGL sẽ chỉ trên 1 USD/kg. Riêng với thịt và sữa bò, ông Đức khẳng định trong thời gian tới, HAGL sẽ đủ lực để giữ vai trò định giá, khi đó giá mặt hàng này sẽ được lập lại.

Theo một lãnh đạo công ty thực phẩm Vissan, hiện nhu cầu thịt bò của Việt Nam mỗi ngày khoảng 3.000 con, riêng TP.HCM cần 600 con. Vissan đang nhập bò từ Úc về giết mổ, cung cấp cho nhu cầu và thị hiếu thịt bò tươi sống của thị trường, với số lượng khoảng 50 con bò Úc mỗi ngày.
Trong khi đàn bò của Việt Nam từ 7 triệu con trước đây nay giảm chỉ còn 5 triệu. Chất lượng giống bò vàng nội địa không thể cạnh tranh với bò Úc. Do đó, việc đầu tư vào chăn nuôi của HAGL là rất đúng. Và, việc Vissan bắt tay hợp tác sẽ góp phần bình ổn thị trường thực phẩm từ bò, giảm đáng kể việc nhập bò ngoại.

“Tôi thích là người định hình giá thị trường, và tôi đã từng làm với bất động sản. Trước đây, với bất động sản, HAGL cũng giữ vai trò định giá trong một thời gian dài. Và hiện tại với mía đường, nếu thuận lợi chúng tôi cũng có thể quyết định giá. Còn thịt và sữa bò, tôi tin chúng tôi sẽ làm được. Trong tương lai, sẽ có một cuộc cạnh tranh giá cả ở thị trường tiêu thụ thịt bò và sữa tươi”, ông Đức nói.

SẼ THẮNG TRONG “VÁN CỜ” MỚI

“Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa của Bộ Công thương thì mục tiêu đến năm 2015, cả nước tiêu thụ sữa đạt trung bình 21 lít/người/năm, đến năm 2020 là 27 lít/người/năm. Nhưng đến năm 2013, quy mô đàn bò sữa của Việt Nam mới đạt 184 ngàn con, mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Phần còn lại là nguyên liệu nhập ngoại. Cho nên, thị trường thịt bò, sữa tươi ở Việt Nam còn lớn lắm, đủ sức cho chúng tôi vẫy vùng”, ông Đức nói.

Ngoài con giống bò thịt nhập từ Thái Lan và Úc, bò sữa nhập từ New Zealand và Mỹ, ông Đức cho biết, công nghệ nuôi bò, quản lý trang trại bò sữa, bò thịt, được nhập từ Israel, nước có công nghệ nuôi bò sữa tiên tiến nhất thế giới, với năng suất lên đến 45kg/con/ngày. Các công nghệ này được HAGL mời các chuyên gia Israel sang chuyển giao.

Không chỉ đầu tư vào con giống, công nghệ nuôi, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường cũng được đầu tư xứng tầm bằng công nghệ hiện đại. “Việc xử lý chất thải là hết sức cần thiết, không chỉ đảm bảo về môi trường, mà còn giúp chúng tôi thu gom tối đa chất thải để chế biến phân bón, phục vụ cho cây trồng. Dự tính, cứ 100.000 con bò sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm khoảng 300 tỷ tiền phân bón mỗi năm”, ông Đức nói.

Khá tự tin, nên ông còn khẳng định thêm: “Kết quả kinh doanh của chúng tôi trong thời gian qua cho thấy mảng kinh doanh nông nghiệp đang đi đúng hướng và có tiềm năng to lớn cho sự phát triển của HAGL trong tương lai. Riêng dự án chăn nuôi bò này chắc chắn sẽ thành công. Tháng 6 vừa qua, HAGL đã nhập lứa bò thịt đầu tiên từ Thái Lan về Việt Nam và lứa thứ 2 được nhập về từ Úc.

Theo quy trình, bò thịt 18 tháng tuổi sau khi nhập về sẽ được nuôi vỗ béo. 7 tháng sau đó, sẽ có bò thịt cho VISSAN giết mổ, người tiêu dùng sẽ sớm được sử dụng thịt bò tươi chất lượng cao với giá cả cạnh tranh. Còn đối với bò sữa, quy trình phức tạp hơn, hiện chúng tôi mới nhập lứa đầu tiên. Nhưng còn phải chờ NutiFood xây dựng nhà máy, dự kiến kéo dài khoảng 13 tháng. Như vậy, khoảng đầu quý 3/2015, sản phẩm sữa tươi của trang trại HAGL sẽ có mặt trên thị trường”.

Chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp hiện nay là những quyết định phù hợp, kịp thời. Chính vì thế, HAGL đã bán phần lớn các dự án bất động sản, thủy điện trong nước để đầu tư cho nông nghiệp, trong đó, chăn nuôi bò thịt, bò sữa chiếm một số vốn không hề nhỏ. Và các dự án nông nghiệp này đã thành công. Năm 2013, HAGL đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.000 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn lợi nhuận là thu được từ nông nghiệp.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất