| Hotline: 0983.970.780

Vấn đề là cháu có chấp nhận một người chồng kín mít ốc bươu không?

Thứ Tư 14/06/2017 , 06:50 (GMT+7)

Cháu vẫn thấy ấm ức, vì chồng cháu rất tự hào về chính sách tiết kiệm của ba má anh nên có vẻ khích bác cuộc sống anh bảo là “cầu kỳ” của bên cháu.

Cô kính mến!

Cháu lấy chồng năm 24 tuổi, chồng lớn hơn cháu 4 tuổi. Cưới được 2 năm thì con trai đầu lòng ra đời. Năm năm sau con gái ra đời. Mẹ cháu cứ nhắc chừng, đận 31 bước qua 33 bước lại, chồng vừa sang 35 thì cháu bắt đầu 31. Cháu cứ bị ám ảnh sự nhắc của mẹ mà cảnh giác cao độ dù không hiểu lắm. Giờ ngẫm lại cháu thấy kinh nghiệm dân gian cũng khá đúng đó cô. Nhờ có chuẩn bị trước, chúng cháu đã vượt qua, không gì ghê gớm nhưng cũng có vài sự kiện tổn thất kinh tế và tình cảm.

Hậu hôn nhân như cô thường nhắc các bạn trẻ là hãy cẩn trọng, nó không như là mơ. Cháu cũng nhớ cái câu của cô “vợ chồng phải tương kính như tân”. Ba mẹ cháu không lý thuyết nhưng cuộc sống của hai người khiến cháu rất ngưỡng mộ cô ơi. Ba vốn là thầy giáo nghỉ dạy sớm ở nhà trồng hoa kiểng nuôi sống gia đình, ba nói làm thầy giáo bây giờ nhiều tủi cực quá. Mẹ thì chỉ nội trợ nhưng vén khéo, dịu dàng, mềm mại mà lại “chân dài” nữa nên hai người cứ như đôi chim cánh cụt trên phim.

Ba má chồng của cháu là “nông dân thứ thiệt” cách nói nhấn mạnh của chồng cháu, để phân biệt với “văn hóa rườm rà” của ba mẹ cháu. Quê chồng cháu cũng ở miền Tây nhưng là miền biển, chung quanh lá dừa nước, ô rô cóc kèn, đồng chua, nước lợ, cuộc sống khó khăn. Dưới chồng cháu còn có hai em trai nên ba má chồng cháu rất vất vả để nuôi con ăn học trên thành phố.

Chúng cháu đã là đôi vợ chồng ở vào giai đoạn trung niên rồi cô. Như bạn bè chúng cháu nói vui với nhau, là hãy “chung sống với lũ”. Nhưng cháu vẫn thấy ấm ức, vì chồng cháu rất tự hào về chính sách tiết kiệm của ba má anh nên có vẻ khích bác cuộc sống anh bảo là “cầu kỳ” của bên cháu. Cháu lại thấy anh như con ốc bươu, kín mít, rong rêu, rất khó tác động. Ví như anh thích ngồi xổm cả khi ngồi trên ghế ăn cơm, hay ở trần bước ra chào khách, ba mẹ cháu hỏi chuyện thì vừa đi vừa trả lời chớ không đứng lại hay đối diện. Cháu dị ứng nhất là việc anh khạc nhổ vào buổi sáng khiến vợ vừa xót xa vừa bực mình.

Căn cơ là đúng nhưng quá một chút thành hà tiện, đúng không cô? Hay góp nhặt là đúng nhưng cái gì cũng để dành thì không gian sống bị bó hẹp vì bụi bặm, chuột gián đúng không cô? Khó chịu nhất là tiền của anh và tiền của em, anh hay ém tiền để giúp đỡ ba má và hai em, biến cháu thành ngoài cuộc, thậm chí thành kẻ hay dòm ngó hoặc thanh tra. Làm sao cho mọi chuyện hòa hợp, nhịp nhàng, trơn tru và hạnh phú đích thực là sao nữa, thưa cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Thực ra mỗi một cuộc hôn nhân đều có đến mấy giai đoạn như những khúc quanh. Nó giống một quá trình khép của những cạnh đa giác. Trước khi cưới, thật là ngọt dịu, đúng không? Sau trăng mật là trèo xuống từ ngọn cây thiên đường, bắt đầu cái mặt đất mà đôi nào cũng phải bước hoặc la lết trên đó vì đủ thứ có tên chung là vợ chồng, đôi lứa. Rồi những đứa con lần lượt, bây giờ thì là giai đoạn trần ai nhất đây, vì cả hai đều chưa có kinh nghiệm nuôi và dạy những đứa con của mình. Như chúng cháu đã vượt qua, giai đoạn ấy là “ba mươi mốt bước qua ba mươi ba bước lại” đó.

Và trung niên đã sát nút, tóc hoa râm thái dương ở đàn ông cùng triệu chứng tiền mãn kinh ở người đàn bà, trục trặc nho nhỏ liên hồi, đó là chưa kể trục trặc tiền của anh với tiền của em. Đến lục tuần là “sống chung với lũ” đã thành nghệ thuật, yên ổn, con cái đều lập gia đình, tuổi già con và cháu. Giai đoạn cuối, gừng cay muối mặn, gừng và muối luôn có mặt trong cuộc sống hoặc rất viên mãn hoặc rất bi đát do sức khỏe, do một giọt nước cùng khiến cái ly chịu đựng tràn đầy, đổ tháo.

Các cháu đang ở vào giai đoạn người ta bắt đầu bình tĩnh nhìn nhận lại các mối quan hệ đã sản sinh ra mình và liên quan đến mình. Ba mẹ mình hay hoặc dở, ba mẹ của chồng là sao, chồng mình là người như thế nào, mình lý ra như thế này hay thế khác… Cháu đã biết sự khác nhau khá rộng giữa hai gia đình, đó là văn hóa tiểu vùng mà các học giả đã phát hiện. Ba mẹ cháu là văn hóa miệt vườn, thanh tao hoa kiểng cây lành trái ngọt, cuộc sống khiêm nhu nhưng cầu kỳ, kiêu hãnh. Ba má chồng cháu là văn hóa miệt biển, nước lợ đồng chua, hẻo lánh đạm bạc đến mức đơn giản, thậm chí đơn điệu.

Vấn đề là cháu có chấp nhận một người chồng kín mít ốc bươu không? Cái sự kín mít ấy nó có giá trị bền chặt của nó đó chứ. Dĩ nhiên một bên sống rườm rà phải chấp nhận một bên sống cần kiệm quá mức cũng có phần cọc cạch khó khăn chứ. Hơn nữa, cái thời tiền anh tiền em do việc gì cũng đổ vào tài khoản cá nhân nó ảnh hưởng đến sự đồng tâm hợp lực và toàn vẹn của từng gia đình, không có quan niệm thoáng, không có lối sống mới, sẽ rất khó có đồng thuận, cô biết chứ.

Vậy thì phải “sống chung với lũ” một cách điệu nghệ hơn. Đối thoại, chấp nhận, điều chỉnh, cầm trịch, nhắc nhở, phê phán và… thấu hiểu, không có cách nào khác nếu không nói đến chuyện bỏ nhau. Cô mừng vì cháu không dọa bỏ nhau, không quá gay gắt với “văn hóa miền biển” của chồng và nhà chồng. Không ai được cả, cháu nhé. Những tiểu tiết như ngồi xổm, ở trần, khạc nhổ… dù ở miệt nào cũng phải “đấu cho ra lẽ” để “đập tan”, dẹp cho bằng được, không thì không sống chung nổi. Nó là nết sống của một con người nói chung, không vùng miền hay xuất phát thế nào cả. Cháu làm được không, “cải tạo” chồng được không, chuyện vặt ấy không sửa được thì cả cô cũng "bó tay chấm com" luôn đấy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.