| Hotline: 0983.970.780

Vấn đề "Tam nông" ở Sóc Sơn

Thứ Hai 25/10/2010 , 10:43 (GMT+7)

Ông Ngô Văn Học ở Quảng Hội, Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội gửi cho chúng tôi bài viết dài về vấn đề "tam nông" của Sóc Sơn.

Ông Ngô Văn Học ở Quảng Hội, Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội gửi cho chúng tôi bài viết dài về vấn đề "tam nông" (nông nghiệp - nông dân - nông thôn) của Sóc Sơn. Bài viết gợi mở ra nhiều vấn đề quý báu trong việc phát triển "tam nông" ở một huyện ngoại thành Hà Nội.

Không thiết tha đồng ruộng

Theo con số thống kê thì Sóc Sơn hiện có tổng diện tích tự nhiên là 30.651 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 13.000 ha (chiếm trên 40%). Riêng một số xã như: Mai Đình, Quang Tiến, Phù Linh là những địa phương mất nhiều đất canh tác do có các dự án chạy qua, còn lại đại đa số vẫn giữ được những thửa ruộng "bờ xôi ruộng mật". Như vậy có thể khẳng định Sóc Sơn chưa phải là địa phương mất nhiều đất nông nghiệp, dẫn tới tình trạng dư thừa về lao động như ở một số nơi.

Hộ nông dân nghèo ở Sóc Sơn

Song điều đáng quan tâm là, hiện nay vẫn còn không ít người nông dân trong huyện không còn thiết tha với đồng ruộng (số này chủ yếu là lực lượng lao động chủ chốt trong gia đình). Sóc Sơn hiện có tổng số trên 60.000 hộ với 270.000 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ là nông dân chiếm 95,15%. Mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng hàng chục nghìn lao động đi làm việc tại các KCN- dấu hiệu đáng mừng, vì đã tạo được công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Song cũng là điều thật đáng lo ngại, bởi thực chất trong tổng số lao động có việc làm như đã nêu ở trên thì chiếm tới 70% có tư tưởng và động cơ muốn được thoát ly khỏi đồng ruộng để kiếm mỗi tháng trên dưới 1 triệu đồng. Thế nhưng họ đâu có biết được rằng, những tiêu cực do mặt trái của cơ chế thị trường khi tuyển dụng công nhân vào các Cty, cứ mỗi một hồ sơ phải mất từ 5-7 triệu đồng, để rồi thời gian chỉ trong vòng 6 tháng lại phải thôi việc, với lý do hết sức đơn giản là "không đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật nên phải thay người khác".

Cổng khu Công nghiệp Nội Bài

Anh Nguyễn Văn Bình, xã Quang Tiến chua xót nói với chúng tôi: Để xin được vào làm công nhân ở KCN Nội Bài, anh phải bán lợn, bán thóc và vay thêm 1 chỉ vàng mới đủ tiền nộp hồ sơ, nhưng mới đây lại phải thôi việc. Như vậy, người nông dân chẳng những họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi mà vẫn rơi vào cái vòng luẩn quẩn, chưa tìm ra được lối thoát cho chính bản thân mình...

NTM là khâu đột phá

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Sóc Sơn, trên cơ sở phát triển kinh tế xã - hội của huyện được đặt trong định hướng phát triển chung của Thủ đô, đảm bảo đúng quy hoạch. Huyện cần có quan điểm, định hướng rõ ràng đối với phát triển "tam nông" theo hướng bền vững. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Gắn công nghiệp hoá, đô thị hoá với phát triển nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết tốt các vấn để bức xúc trong các vùng nông thôn.

Trước hết, huyện cần phải có quy hoạch cơ bản và đồng bộ về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lấy nông dân làm trung tâm; lấy xây dựng NTM làm khâu đột phá, trong đó có hai vấn đề quan trọng nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn và đào tạo nguồn nhân lực. 

Chủ trang trại Lê Hồng Sơn, xã Bắc Phú phát triển nuôi ếch thương phẩm

Để thực hiện mục tiêu trên, cần phải có các giải pháp đồng bộ đó là, đầu tư cho phát triển nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa; tổ chức lại và đầu tư theo quy hoạch các hệ thống: thuỷ lợi, giao thông nội đồng, phát triển mở rộng các vùng sản xuất rau an toàn, các dự án chăn nuôi tập trung, các vùng nuôi trồng thuỷ sản; tăng cường kinh phí cho công tác tập huấn và chuyển giao KHKT, giống mới cho người nông dân nhằm làm chuyển biến một cách căn bản về tư duy sản xuất cho nông dân theo hướng sinh thái hàng hoá. 

Phát huy lợi thế "3 vùng" (đồi gò, đất trũng và đất giữa) để hình thành sản xuất chuyên canh, phát triển các mô hình kinh tế trang trại như: lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tại vùng đồi gò, lúa và thuỷ sản ở vùng đất trũng ven sông, các cây công nghiệp ngắn ngày, rau, hoa tại các vùng đất giữa phía Nam và trung tâm. Xây dựng một số thương hiệu sản phẩm gắn với lợi thế của từng địa phương như: chè, rau sạch, bò thịt, lợn nạc, gà đồi. Quy hoạch và kêu gọi đầu tư các điểm thu mua, cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

Vét mương chống hạn

Thực hiện nghiêm túc việc dồn điền, đổi thửa trong nông nghiệp, giảm tối đa số thửa ruộng/hộ nông dân, đồng thời tổ chức lại đồng ruộng, vùng sản xuất, quy hoạch và xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Triển khai thực hiện tốt đề án xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu trí, trước mắt tập trung làm điểm một số xã, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn huyện. Tăng cường quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; đổi mới về cơ chế quản lý, thực hiện cấp giấy quyền sử dụng đất cho các hộ được giao rừng, các chủ trang trại, thực hiện khoán, chăm sóc, bảo vệ đến 100% chủ rừng, có dự án khai thác, kết hợp với cải tạo, nâng cấp, làm giàu từ rừng. chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tốt các công trình đê điều, thuỷ lợi.

Đặc biệt, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp giảm do đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhưng vẫn phải giữ vững diện tích gieo trồng hàng năm, kiên quyết không để mất đất nông nghiệp do các dự án không phải là trọng điểm để tránh hậu quả nông dân thiếu việc làm, an ninh lương thực bị đe doạ.

Bất cập trong phát triển kinh tế trang trại 

Theo kết quả điều tra, Sóc Sơn hiện có 6.630 ha đất lâm nghiệp. Đây là điều kiện rất có lợi thế cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi, nhất là phát triển kinh tế trang trại vừa và nhỏ. Hiện toàn huyện có tổng số 104 trang trại đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí mới, với tổng diện tích sử dụng 600 ha, bình quân mỗi trang trại sử dụng 5,09 ha, nằm trên địa bàn 26 xã và thị trấn. Bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế trang trại ở Sóc Sơn còn bộc lộ một số hạn chế như: giá trị sản phẩm hàng hoá và mức thu nhập bình quân/1 ha canh tác còn thấp. Các mô hình trang trại hoạt động còn đơn điệu, kém hiệu quả.

Hầu hết các chủ trang trại đều chọn hướng phát triển theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài" hoặc theo kinh nghiệm "quảng canh" nên chưa đủ "tầm" so với nguồn tài nguyên dồi dào hiện có. Nguyên nhân chính là do vẫn còn nhiều bất cập chưa được tháo gỡ, đó là: cho đến nay hầu hết các trang trại trên địa bàn huyện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chủ yếu là quỹ đất có nguồn gốc từ giao đất, giao rừng, hoặc đất khai hoang tạo thành nên không thể nói đó là cơ sở pháp lý đối với một trang trại khi mà "danh chưa chính, ngôn chưa thuận".

 Một số chủ trang trại trong tay có hàng chục ha đất đồi rừng, nay đã chuyển đổi một phần từ rừng bạch đàn sang trồng cây ăn quả, các chủ trang trại nói trên đều có chung nguyện vọng muốn mở mang, phát triển trang trại theo quy mô vừa, kết hợp chăn nuôi vài chục con bò sinh sản để tận dụng nguồn thức ăn dồi dào, thì ít nhất phải có hàng trăm triệu đồng tiền vốn, nhưng vì chưa có "sổ đỏ" thế chấp nên đành phải chịu bó tay...

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất