| Hotline: 0983.970.780

Vân Đồn ký sự: Cuộc chiến sá sùng

Thứ Hai 26/07/2010 , 14:54 (GMT+7)

Sá sùng hay còn có tên gọi con mồi, sâu cát. Cũng là họ giun biển nhưng sá sùng có giá gấp cả chục lần giun biển bởi giá trị dinh dưỡng cao và độ hiếm có, khó tìm, giá bán khô lên tới 2-3 triệu/kg.

Sá sùng hay còn có tên gọi con mồi, sâu cát. Cũng là họ giun biển nhưng sá sùng có giá gấp cả chục lần giun biển bởi giá trị dinh dưỡng cao và độ hiếm có, khó tìm, giá bán khô lên tới 2-3 triệu/kg.

Miền sâu cát được phân bố rải rác ở các bãi triều từ Yên Hưng cho đến Móng Cái nhưng tập trung nhất vẫn là vùng Minh Châu, Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh).

Cách thức săn bắt sá sùng trước đây vốn được cha truyền con nối một cách cực kỳ đơn giản với dụng cụ chỉ gồm cái mai (hình dáng giống cái thuổng nhưng lưỡi phẳng và to hơn - NV) và cái giỏ. Thợ săn lần dò trên những bãi triều xăm lỗ, xăm mà (hang và đụn phân của sá sùng - NV) rồi nhẹ nhàng luồn xuống một nhát mai, hất cát lên. Nếu có sá sùng thì nhặt bỏ vào giỏ, còn không, bị động sá sùng tụt sâu xuống hang, họ lại đi. Săn sá sùng ăn vào con nước. Khi nước cạn, lộ bãi mới xăm lỗ, xăm mà được nên một tháng đào được cỡ 20 ngày, một năm săn được cỡ 7-8 tháng. Sá sùng được mua tươi ngay tại bãi với giá trung bình 150 -180.000đ/kg và cỡ 10 kg tươi mới chế biến được 1 kg khô…

Bắt đầu từ cuối năm 2009, trên các bãi triều của xã Quan Lạn xuất hiện một số thợ săn lạ. Họ không dùng mai mà dùng xẻng để săn. Thấy bảo đây là kỹ thuật săn của Trung Quốc truyền từ mạn Đầm Hà về. Thợ săn đi thành từng đoàn, phân tốp sục sạo. Một loại cũng xăm lỗ, tìm mà và đào kỳ cùng xuống sâu trong lòng đất để bắt cho được sá sùng. Loại khác tàn nhẫn hơn họ không cần phát hiện tổ sá sùng mà cứ ra bãi triều, đào thành những rãnh sâu ngang thắt lưng, như giao thông hào. Hết “giao thông hào” này họ lật cát chuyển sang “giao thông hào khác”, hệt như người ta lật từng đường cày. Cát dưới hào được đập nhỏ, rũ tung để không lọt một con sá sùng nào dù to hay nhỏ. Bình thường những con sá sùng chỉ to bằng cỡ ngón tay nhưng đào bằng cách này thợ săn có thể đào được những con cái to gấp đôi, gấp ba, nặng cỡ cả lạng.

Săn kiểu đào tận gốc, trốc tận ngọn này năng suất gấp 4-5 lần lối truyền thống, gặp may một người một ngày có thể đút túi ngon ơ cả triệu đồng. Tựa như một cơn bão, nạn đào huỷ diệt lan rộng, càn quét khắp các bãi triều Quan Lạn. Lúc đầu là những thợ săn tứ chiếng giang hồ, sau đó có sự góp mặt đông đảo của những thổ dân trên đảo. Họ lý luận, người đào được, ta cũng đào được.

“Xét cho cùng dân đào không vi phạm bởi rõ ràng họ khai thác bằng dụng cụ thô sơ, không dùng xung điện, chẳng dùng bộc phá, chẳng có chế tài nào mà xử lý. Đến giờ mới chỉ có mỗi quy định rất chung chung là cấm săn bắt những con sá sùng còn nhỏ, dài dưới 10 cm nhưng đào kiểu giao thông hào toàn được những con bố mẹ rất to”, một cán bộ thuỷ sản ngán ngẩm bảo tôi.

Một buổi đi săn sá sùng kiểu truyền thống

Chính vì sự sơ suất chết người này mà dân ào ào ra bãi đào bới thật lực. Cao điểm có tới hàng trăm người lăm lăm xẻng cuốc trên tay. Trung bình một buổi một người đào xới được chừng dăm chục mét vuông, cả trăm người quần xới bãi trước, bãi sau Quan Lạn như một chiến trường. Giao thông hào bò dài, thọc sâu khắp đảo. Nó còn vươn những chiếc vòi đen xì màu chết chóc, thọc sâu, thách thức ngay sát bãi ở cổng UBND xã. Các vùng khai thác bằng phương pháp truyền thống sau khi nước lên, xuống mặt bãi triều vẫn bằng phẳng. Các khu khai thác kiểu tận diệt mặt bãi lồi lõm, tạo thành những thùng, vũng lớn có độ sâu cỡ 50cm, thậm chí nhiều chỗ quật lên cả vỏ sò, vỏ ốc, đá cuội, mảnh gốm cũ…Việc khai thác đến tận gốc trên diện rộng sá sùng bố mẹ, hậu bị loại to nằm sâu trong cát đã khiến nhiều người nhẩm tính chỉ độ dăm ba tháng là tuyệt diệt loài sá sùng trên Quan Lạn.

Tình hình nguy cấp đến mức chính quyền xã đã ban hành nghị quyết nghiêm cấm việc khai thác kiểu đào tận gốc, trốc tận ngọn, ngày đêm ra rả thông báo đọc trên mạng lưới đài xã. Các cụm tổ khẩn cấp họp dân ký cam kết. Xã thành lập tổ tuần tra kiểm soát liên tục gồm có 10-15 người phối hợp với cả lực lượng đồn biên phòng 20 để phục bắt.

“Cách thức khai thác sá sùng bằng phương pháp dùng cuốc, xẻng đào xới trên diện rộng với độ sâu từ 40 - 50cm để khai thác những cá thể sá sùng bố mẹ… có dấu hiệu xâm hại đến môi trường sống và sinh sản của loài sá sùng nói riêng và các loài thuỷ sản sống trên nền đáy cát nói chung, gây bức xúc trong cộng đồng ngư dân địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi này còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do chưa có những cơ sở pháp lý rõ ràng và căn cứ khoa học để khẳng định hành vi trên đã và đang phá huỷ môi trường sống, sinh sản của loài sá sùng”. (Trích công văn của Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ Quảng Ninh gửi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản).
Anh Phạm Văn Thuận, Trưởng công an xã, Tổng chỉ huy chiến dịch ngăn chặn nạn đào hào bắt sá sùng, kể lại: “Tôi cùng anh em phải cải trang, cũng mang xẻng, mang giỏ giả vờ là người săn sá sùng trà trộn trên các bãi. Nhưng bãi triều rộng, dân và cán bộ chẳng lạ gì mặt nhau nên thấy người truy đuổi từ xa họ quăng xẻng, quăng giỏ phi tang rồi chạy vụt lên rừng phi lao ẩn nấp. Thợ săn chủ yếu là phụ nữ nhưng anh em chúng tôi cũng phải rắn mặt, lao vào các bụi rậm, vật nhau huỳnh huỵch, ôm ngang thắt lưng từng người như đi bắt ếch. Nhiều khi kéo họ về đến Uỷ ban mặt mũi ai cũng lấm bùn, sờ túi điện thoại di động rơi tự lúc nào”.

Theo Chủ tịch xã Lưu Thành Viên, giai đoạn cao điểm thì cán bộ xã ăn không ngon ngủ không yên vì lo ngăn chặn nạn đào sá sùng kiểu hủy diệt. Anh Viên từng mượn quang gánh, đôi thúng rồi bịt mặt, bôi bùn lấm lem chân tay, ra bãi triều hoá trang thành người thu mua nhằm trinh sát, tìm cách đánh trận. Mọi cố gắng nhiều khi gần như lực bất tòng tâm bởi nguồn lợi quá lớn làm loá mắt nhiều dân đảo lao vào cuộc tàn sát sá sùng. Cuối cùng, một cuộc hội nghị ở thôn Bấc để nghe ý kiến dân. Hỏi lý do tại sao lại đào sá sùng kiểu huỷ diệt, ai cũng so bì rằng nếu khai thác bằng phương pháp truyền thống mỗi ngày thu nhập một người chỉ từ 150-200.000 đồng nhưng nếu khai thác bằng phương pháp đào hào thu nhập tăng lên từ 600-800.000/người/ngày.

Từ việc lắng nghe ý dân, rất nhiều đoàn cán bộ thủy sản có, chính quyền có, công an có, đã nằm vùng để phân tích hết nước, hết cái nguy cơ của việc đào hào săn sá sùng là có tội với con cháu sau này bởi sẽ tận diệt loài đặc sản quý trong nay mai. Thông rồi, hầu hết ngư dân đều biểu quyết nhất trí tham gia ký cam kết không khai thác bằng phương pháp đào bới sâu nữa. Hương ước của các thôn cũng ghi rõ mức phạt thật nghiêm, nếu tái phạm còn bị tẩy chay không quan hệ với đối tượng đó. Làm quyết liệt mất chừng 2 tháng, nạn đào hào săn sá sùng giờ cũng dứt.

5h sáng, tôi lần theo con đường mòn nhỏ xuyên đảo, ra bãi sau cùng cánh thợ săn sá sùng của chị Lập, chị Thêu. Nước cạn, những thùng vũng của thủa nào đào hào vẫn còn dù đã hàng trăm con nước lên xuống, nếu không cẩn thận dẫm phải những hố đó, vẫn bị lún chân như thường. Không còn bóng dáng ai đào sá sùng kiểu huỷ diệt từ hồi có hương ước kia. Bãi bình yên tựa thủa hồng hoang. Những người phụ nữ miệt mài xăm lỗ, xăm mà, còn tôi, mải mê ngắm công việc của họ cho đến khi chợt tỉnh, nắng đã xiên thẳng mặt, nước ngập gần ngang lưng. (Còn nữa)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.